Từ Tân Trào đến Ba Đình lịch sử
Tân Trào - hai tiếng thiêng liêng đã đi vào trang sử chói lọi của cách mạng Việt Nam. Nơi đây được Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng, lựa chọn làm trung tâm căn cứ địa cách mạng để chỉ đạo Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Nhân dân quê hương cách mạng Tân Trào đã cùng cả nước làm nên thắng lợi của Cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Từ Tân Trào đến Ba Đình lịch sử là hành trình đi từ lịch sử đến hiện tại, tương lai nhằm xây dựng nền chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân.
Quan tâm lắng nghe, giải quyết thấu đáo
HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, xác định tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn tỉnh. Nhờ đó công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo đã có những chuyển biến tích cực, ngày càng đi vào nền nếp. Các khiếu nại, tố cáo của công dân về cơ bản được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời gian quy định; các phản ánh, kiến nghị được quan tâm giải quyết kịp thời đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng cho công dân.
Toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong đó đặc biệt chú trọng việc rà soát đưa vào kế hoạch để tập trung giải quyết dứt điểm 100 vụ việc tồn đọng, kéo dài và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu báo cáo tiến độ thực hiện.
Việc tiếp công dân định kỳ của Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được chú trọng. Trong kỳ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã trực tiếp tiếp 9/10 kỳ tiếp công dân, trong đó có 1 kỳ phối hợp với Thanh tra Chính phủ tổ chức tiếp công dân trực tuyến tại điểm cầu tiếp công dân của tỉnh với Ban Tiếp công dân Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện Hàm Yên, Lâm Bình; Thủ trưởng các đơn vị trực tiếp tiếp công dân chiếm 98,5% số kỳ.
Đoàn ĐBQH tỉnh, HĐND tỉnh, UBND tỉnh luôn nêu cao trách nhiệm, chú trọng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, từ đó giải quyết kịp thời, dứt điểm, nhanh chóng những kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND tỉnh tăng cường tổ chức các phiên họp nghe giải trình về những vấn đề còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương nhằm làm rõ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong giải quyết các kiến nghị của cử tri. Hằng tháng, Thường trực HĐND tỉnh đều tổ chức họp đánh giá kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Trong đó thành phần tham dự họp có lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan thay vì trước đây chỉ họp đánh giá trước mỗi kỳ họp HĐND tỉnh.
Thường trực HĐND tỉnh chú trọng khâu tổng hợp, sàng lọc các kiến nghị của cử tri. Các kiến nghị sau khi được các tổ đại biểu HĐND tỉnh gửi về Thường trực HĐND tỉnh sẽ tiếp tục được phân loại để bảo đảm kiến nghị cấp nào giải quyết cấp đó, đúng thẩm quyền, rõ nội dung, địa chỉ giải quyết… Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, năng lực điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước; kịp thời tháo gỡ các “nút thắt” trong phát triển kinh tế - xã hội; sớm giải quyết những kiến nghị của cử tri.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thông qua tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, qua đường dây điện thoại trực tuyến tại các kỳ họp thường lệ của HĐND tỉnh, có 40,2% kiến nghị của cử tri được giải quyết; 33,3% kiến nghị đang được giải quyết có lộ trình, 26,5% kiến nghị đã được UBND tỉnh tiếp thu nhưng do khó khăn về nguồn lực nên chưa thực hiện được hoặc cần phải có thời gian mới thực hiện được.
Lấy người dân là trung tâm phục vụ
Nhằm xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm, tỉnh đã coi công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Cải cách hành chính đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chỉ số cải cách hành chính (PARINDEX) tỉnh Tuyên Quang năm 2023 đạt 88,46% (xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố), tăng 16 bậc so với năm 2022. Kết quả tra cứu thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia tính đến ngày 11/6/2024, tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 22/63 địa phương (tăng 37 bậc so với cùng kỳ năm 2023).
Các cơ quan, đơn vị đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện nhận hồ sơ trực tuyến thông qua Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp bộ; thực hiện cập nhật thông tin hồ sơ TTHC vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp bộ để phục vụ quy trình xử lý và trả kết quả TTHC.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục duy trì ứng dụng ZaloOA “Chính quyền số tỉnh Tuyên Quang” với chức năng gửi, nhận tin nhắn Zalo trong quá trình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Tuyên Quang, qua đó tạo thêm kênh thông tin, giao tiếp tương tác hiệu quả giữa cơ quan Nhà nước với người dân, doanh nghiệp trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Hạ tầng số tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện nâng cấp hạ tầng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Tuyên Quang; xây dựng Mạng diện rộng tỉnh Tuyên Quang, nhằm đảm bảo cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cho triển khai các hệ thống thông tin của tỉnh, đẩy nhanh tiến độ công tác cải cách hành chính, tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số của tỉnh.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước nhằm phục vụ Nhân dân hiệu quả hơn đã được Đảng bộ tỉnh luôn chú trọng trong công tác lãnh đạo. Đây chính là mục tiêu hướng tới trong xây dựng chính quyền thực sự của Dân, do Dân, vì Dân, xứng đáng với những đóng góp vẻ vang cho cách mạng của Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến.