Từ 'tín hiệu vũ trụ gửi xuống' đến sự bùng nổ của Đèn âm hồn

Phải bán nhà, bán xe và vay mượn từ nhiều nguồn khác nhau để có kinh phí thực hiện bộ phim Đèn âm hồn, đạo diễn Hoàng Nam cho biết, khi bắt tay vào làm phim này thì mục tiêu của anh là chinh phục khán giả, chứ không phải doanh thu phòng vé.

Đạo diễn Hoàng Nam phim Đèn âm hồn cho rằng, khi làm phim này, tôi không đặt nặng vấn đề doanh số nhưng tôi rất muốn mọi người ra xem và tự hào.

Đạo diễn Hoàng Nam phim Đèn âm hồn cho rằng, khi làm phim này, tôi không đặt nặng vấn đề doanh số nhưng tôi rất muốn mọi người ra xem và tự hào.

Qua những tác phẩm của mình, anh muốn tôn vinh những giá trị của Việt Nam từ phong cảnh, văn hóa, con người, tất cả những gì thuộc về Việt Nam.

Được lấy cảm hứng từ truyền thuyết Người con gái Nam Xương trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, Đèn âm hồn không chỉ đơn thuần là một bộ phim kinh dị, mà còn là một hành trình khám phá bản sắc văn hóa Việt. Đạo diễn Hoàng Nam đã khéo léo kết hợp yếu tố tâm linh với những giá trị truyền thống để tạo nên một câu chuyện vừa ám ảnh, vừa mang tính nhân văn sâu sắc... Anh đã có những chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam xung quanh bộ phim này.

Không cần phải quá... drama

Điều gì đã thôi thúc anh chuyển thể "Chuyện người con gái Nam Xương" thành một câu chuyện kinh dị tâm linh trong Đèn âm hồn? Anh có thể chia sẻ cảm hứng và ý tưởng chính đằng sau bộ phim này được không?

Chuyện người con gái Nam Xương là một trong những câu chuyện tôi được nghe ông ngoại kể từ khi còn bé. Sau này khi có cơ duyên để làm phim, tôi luôn nghĩ phải sử dụng chất liệu dân gian, văn học dân gian Việt Nam và muốn đưa những câu chuyện ngày xưa sống lại trong lòng mọi người.

Có lần nghe bài Bóng phù hoa của Phương Mỹ Chi, tôi chợt nhớ đến Chuyện người con gái Nam Xương. Tôi mới nói đùa: “Tín hiệu vũ trụ gửi xuống rồi”, và tôi bám vào đó để phát triển. Khi đó, tôi nghĩ đây sẽ là một bộ phim đậm chất điện ảnh, mình sẽ có rất nhiều “trò chơi”, nhiều "đất diễn" với câu chuyện này. Tôi vô cùng hứng thú, say mê, bao nhiêu nhiệt huyết, sự sáng tạo trong người trỗi dậy và quyết tâm phải làm bằng được.

Bộ phim thuộc thể loại kinh dị, một thể loại khá khó để sản xuất và tiếp cận khán giả Việt. Anh có gặp thử thách gì khi thực hiện bộ phim này và làm sao để giữ được sự sáng tạo mà vẫn phù hợp với nhu cầu của thị trường?

Thực ra thể loại phim kinh dị, đặc biệt là sử dụng chất liệu dân gian Việt Nam để khai thác ở Việt Nam khá nhiều. Là người nhiều năm đi tìm hiểu về văn hóa nên khi tôi xem phim, cảm thấy chưa… đã. Đây cũng là động lực để tôi làm Đèn âm hồn.

Để kịch tính, tôi cho rằng không nhất thiết phải đưa ra những chi tiết hù dọa quá nhiều, bởi trong thế giới tâm linh Việt rất đẹp, rất gần gũi, điều quan trọng mình biết cách khai thác và đưa vào phim cho hợp lý, làm sao để nhiều lứa tuổi có thể tiếp cận được.

Là một người đam mê văn hóa và suốt 10 năm tìm hiểu văn hóa Việt, tôi đã “trải” vào trong bộ phim này. Trong 10 năm đó, không chỉ đi tìm hiểu mà tôi còn có những thước đo nhất định về thị hiếu của khán giả. Tôi nhận thấy, không nhất thiết cứ phải drama mà hãy thực sự làm những thước phim chạm đến cảm xúc của khán giả.

Bản thân tôi có một kim chỉ nam, một công thức làm việc riêng khác hẳn với những bộ phim khác ở trên thị trường. Đến bây giờ có thể nói, bộ phim đã khiến cho mọi người có hướng nhìn mới, rằng điện ảnh là phải sáng tạo, cũng không phải thành công là phải đi theo một công thức nhất định.

Cảnh chợ phiên trong phim Đèn âm hồn.

Cảnh chợ phiên trong phim Đèn âm hồn.

Đèn âm hồn đã sử dụng những yếu tố văn hóa dân gian nào để tạo nên không khí ma mị và rùng rợn đặc trưng?

Tôi không sử dụng những tiếng động lớn để hù dọa mọi người mà tất cả yếu tố văn hóa đó đều thuần Việt, tồn tại trong dân gian, trong đời sống hàng ngày, thậm chí từ xa xưa cho đến bây giờ, đôi khi chúng ta vẫn có những trải nghiệm đó. Ví dụ như bị bóng đè, hay câu chuyện bị ma giấu trong bụi tre, những đám trẻ tinh nghịch muốn thử xem có ma không, chó sủa ma… Tôi sử dụng nhẹ nhàng, len lỏi khiến cho người xem cảm thấy không quá đáng sợ mà gần gũi.

Tôi nghĩ, qua những chi tiết ấy cũng tạo ra sự ma mị, rùng rợn đặc trưng của riêng phong cách Hoàng Nam chứ không giống như bất cứ bộ phim kinh dị khác.

Anh có thể chia sẻ về thông điệp mà bộ phim muốn gửi gắm đến khán giả, đặc biệt là về những giá trị gia đình và lòng tin?

Thực ra, bộ phim Đèn âm hồn đưa ra một câu chuyện rất dễ hiểu, đó là cái ác hoành hành trong đời sống, những người tốt sẽ chống lại cái ác đó. Tôi cũng đưa vào những thông điệp mà khi mọi người xem hết sẽ chợt nhận ra một cách nhẹ nhàng chứ không phải gượng ép. Đó chính là chuyện chúng ta sẽ luôn hướng thiện, luôn sống tốt. Ngoài ra, những yếu tố gia đình như phải sống hòa thuận với nhau, vun vén gia đình, sống phải có trách nhiệm, niềm tin cũng được đưa vào phim một cách tự nhiên, gần gũi.

Phim Đèn âm hồn không chỉ gây chú ý vì yếu tố kinh dị mà còn vì sự đầu tư về nghệ thuật và kỹ thuật. Theo anh, điều gì đã làm nên thành công của "Đèn âm hồn" khi thu hút đông đảo khán giả đến rạp?

Tôi nghĩ, đầu tiên chính là yếu tố về kịch bản, là sự kết hợp giữa văn học dân gian và những yếu tố gần gũi, chứ không lạm dụng văn hóa một cách khiên cưỡng. Khi thực hành ở Cao Bằng, góc quay rất độc đáo và lần đầu tiên sử dụng màu sắc ấn tượng, gần như ghi điểm tuyệt đối về mặt hình ảnh. Tiếp theo là về âm nhạc, âm thanh cũng đưa đến một cảm giác mới lạ.

Tôi thấy thật may mắn vì tất cả mọi người trong ê kip đều tràn đầy năng lượng tích cực và mong muốn cùng đạo diễn làm nên bộ phim đúng như mình mong muốn. Khi có được sản phẩm như hiện nay không thể tách rời yếu tố nào cả, trong đó có rất nhiều yếu tố mới, nhân tố mới. Chính họ đã tạo ra thành công của Đèn âm hồn.

Doanh thu của Đèn âm hồn có thể giúp tôi tự tin...

Anh có kế hoạch gì cho những dự án phim tiếp theo, đặc biệt là trong thể loại kinh dị tâm linh?

Tôi không có áp lực gì cho dự án tiếp theo, quan trọng là mình phải có kịch bản thật tốt, phải đầu tư chỉn chu hơn sau khi rút ra rất nhiều kinh nghiệm từ Đèn âm hồn. Tôi cũng không bó hẹp sức sáng tạo của mình trong thể loại tâm linh hay kinh dị mà muốn chinh phục thêm ở những dòng phim khác.

Nhưng có một điều tôi muốn tôn vinh những giá trị của Việt Nam từ phong cảnh, văn hóa, con người, tất cả những gì thuộc về Việt Nam trong những tác phẩm của mình. Đến thời điểm này, doanh thu của Đèn âm hồn có thể giúp tôi tự tin làm bộ phim tiếp theo mà không phải bán thêm cái gì cả.

Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển của thể loại phim kinh dị tâm linh nói riêng và điện ảnh Việt Nam nói chung trong bối cảnh hiện nay?

Về dòng phim kinh dị, tâm lý hiện nay đang vô cùng phát triển, có lẽ nhiều người coi đó là một bí kíp để thành công. Theo tôi được biết trong năm nay có hơn 10 bộ phim về thể loại này sẽ ra mắt. Tôi nghĩ khán giả đều mong muốn có những tác phẩm chất lượng để xem nhưng nếu có quá nhiều phim tâm linh, kinh dị ra đời cùng một thời gian ngắn có thể khiến khán giả cảm thấy nhàm chán, bội thực và họ sẽ muốn tìm món ăn mới.

Khán giả có sự sàng lọc để buộc nhà làm phim thực sự làm chỉn chu hơn, đầu tư hơn dù ở bất cứ thể loại nào. Thế nên tôi nghĩ, đến với điện ảnh thì nên có sự sáng tạo, làm mới mình, không nên theo một công thức chung nào cả. Nếu máy móc học theo thì sản phẩm của tôi đã na ná như một sản phẩm khác trên thị trường.

Vậy nên, mọi người đến với điện ảnh hãy cứ làm thế mạnh của mình tốt nhất vì khán giả đâu chỉ đón nhận dòng phim tâm linh, kinh dị...

Bộ phim đã nhận được sự quan tâm lớn từ khán giả Việt Nam. Anh nghĩ gì về xu hướng phát triển của thể loại phim kinh dị tại Việt Nam và liệu đây có phải là một hướng đi lâu dài cho điện ảnh Việt trong tương lai?

Điện ảnh sẽ cần phải đa dạng nhưng tôi muốn dù thể loại nào cũng cần đầu tư một cách chỉn chu, cùng đưa điện ảnh Việt Nam đi lên, vươn tầm để có thể xuất khẩu ra nước ngoài.

Một cảnh trong phim.

Một cảnh trong phim.

Điện ảnh cần phải đa dạng, để khán giả có nhiều sự lựa chọn hơn

Một điểm nổi bật của Đèn âm hồn là cách sử dụng văn hóa dân gian Việt Nam trong các yếu tố kinh dị. Anh nghĩ điều này có thể mở ra cơ hội gì cho việc phát triển các bộ phim dựa trên những giá trị văn hóa dân tộc?

Thực lòng tôi rất tâm đắc với câu hỏi này. Là một người yêu văn học Việt Nam, tôi đọc và đi rất nhiều, tận mắt nhìn thấy mọi thứ gần gũi. Tôi thấy văn hóa Việt quá đẹp, quá đa dạng. Hiện nay, cuộc sống ngày càng hiện đại nên những giá trị truyền thống đang mai một dần. Vậy nên, khi có những tác phẩm điện ảnh chất lượng ra đời sẽ khiến các bạn trẻ, công chúng nghĩ nhiều hơn đến những giá trị tốt đẹp của văn hóa Việt Nam.

Những điều mà phim Đèn âm hồn đã làm được như thờ cúng tổ tiên, nghĩ về những giá trị không chỉ cho hiện tại mà sống cho giá trị của mỗi gia đình. Ngoài những yếu tố đó thì văn hóa Việt còn rất nhiều thứ đẹp, hồn hậu. Rất mong mọi người có thể khai thác và biến chúng trở thành những tác phẩm có giá trị và phát huy được thế mạnh của điện ảnh, giúp cho văn hoa sống mãi, đặc biệt là để cho bạn bè nước ngoài yêu văn hóa Việt Nam.

Khi làm bộ phim này, tôi không đặt nặng vấn đề doanh số nhưng rất muốn mọi người ra xem và tự hào. Rằng, ở đâu đó trên mảnh đất hình chữ S này cũng có những phong tục như thế, cũng có thể khai thác để đưa vào điện ảnh.

Phim đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả. Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng thị trường điện ảnh Việt cần có những sản phẩm chất lượng cao hơn nữa. Anh đánh giá thế nào về sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt và những yếu tố cần chú trọng để nâng cao chất lượng phim Việt?

Trong thời gian vừa qua, đặc biệt khi tôi bắt đầu dấn thân vào điện ảnh, tôi thấy hầu hết mọi người đều đưa ra một công thức, đó là chỉ chú trọng vào bán vé ở Việt Nam mà quên đi những giá trị về nghệ thuật trong bộ phim. Mọi người sẽ chỉ làm những vấn đề khá bình thường, chỉ có giá trị thức thời. Ví dụ, năm sau khi ta xem phim của năm nay cũng sẽ lỗi thời, do đó việc cải tiến nội dung là vô cùng quan trọng.

Khi Đèn âm hồn ra đời không đi theo công thức đó, dựa hoàn toàn vào văn hóa Việt Nam khiến cho mọi người có trải nghiệm như được quay trở về một xã hội Việt Nam ngày xưa với những giá trị rất truyền thống. Tôi - bằng một tiếng nói rất nhỏ bé của mình rất mong mình có thể mở ra một hướng đi mới.

Nói chung, điện ảnh cần phải đa dạng, cần cho khán giả nhiều sự lựa chọn hơn, giống như món ăn không thể chỉ có một công thức chế biến. Lúc đó, những bộ phim chất lượng sẽ ra đời và được khán giá đón nhận chứ không đi theo mãi một con đường cũ. Vì như vậy nó sẽ kìm hãm sự phát triển đích thực của điện ảnh.

Đạo diễn Hoàng Nam cho biết, Nam và ekip đã cố gắng mang cách kể chuyện bằng điện ảnh - tức là dùng hình ảnh đẹp để kể chứ không lạm dụng thoại theo phong cách sân khấu kịch nói cho Đèn âm hồn.

Đạo diễn Hoàng Nam cho biết, Nam và ekip đã cố gắng mang cách kể chuyện bằng điện ảnh - tức là dùng hình ảnh đẹp để kể chứ không lạm dụng thoại theo phong cách sân khấu kịch nói cho Đèn âm hồn.

Nhìn từ thành công của Đèn âm hồn, anh có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong tương lai? Cụ thể là ngành điện ảnh, có những chiến lược gì cần được triển khai để thúc đẩy ngành công nghiệp này?

Trước khi đến với điện ảnh, tôi cũng là một người rất quan tâm và lắng nghe những chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tôi thấy Nhà nước ta đã nhận thấy được điện ảnh phải cần được phát triển để giống Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, đó là sức mạnh mềm của văn hóa.

Điện ảnh phát triển sẽ góp phần giúp văn hóa đất nước đi lên, không những thế, khi xuất khẩu đi nước ngoài thì quyền lực mềm này sẽ khiến cho thị trường nước ngoài yêu quý văn hóa, người Việt Nam và cả sản phẩm đến từ Việt Nam.

Nếu bộ phim thành công, ra được nước ngoài, tôi nghĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho quốc gia, mọi người biết đến Việt Nam, yêu quý Việt Nam, đến Việt Nam du lịch, đầu tư nhiều hơn.

Giống như Hàn Quốc đã làm được trên chính đất nước Việt Nam khi làn sóng văn hóa đi trước, kinh tế đi theo sau. Tôi mong một ngày không xa Việt Nam cũng làm được như vậy, nếu chúng ta đủ quyết tâm. Bằng tiếng nói của mình, tôi hy vọng sẽ có thể có nhiều chính sách, thêm nhiều sự hỗ trợ trực tiếp cho những nhà làm phim như chúng tôi.

Tôi tin chắc các nhà làm phim Việt Nam đều có chung suy nghĩ ấy, làm sao phải cụ thể hóa, hỗ trợ mọi mặt cho nhà làm phim từ thủ tục, phim trường và có những quỹ, giúp phim thúc đẩy ra nước ngoài. Tôi tin rằng như vậy chắc chắn trong tương lai nền điện ảnh Việt Nam sẽ chuyên nghiệp và phát triển.

Xin cảm ơn đạo diễn Hoàng Nam!

Nguyệt Hà (thực hiện)

Nguyệt Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-tin-hieu-vu-tru-gui-xuong-den-su-bung-no-cua-den-am-hon-304839.html
Zalo