Tủ sách ước mơ

HNN - Thảo đặt chân đến điểm trường A Lù vào một chiều cuối thu. Ngôi trường nhỏ bé nằm lọt thỏm trên sườn đồi hoang vu, chỉ vỏn vẹn vài dãy nhà cấp bốn xiêu vẹo, lớp tôn amá đỏ au vì gió lạnh, nép mình bên khung cửa lớp, ánh mắt tròn xoe vừa ngỡ ngàng vừa hiếu kỳ nhìn cô giáo mới đến.

Ngay trong buổi học đầu tiên, Thảo chợt nhận ra những đứa trẻ nơi đây thiếu cả những điều tưởng chừng như nhỏ bé nhất là những cuốn sách. Trong lớp học im phăng phắc, cô thấy các em cắm cúi chép bài từ những trang sách giáo khoa cũ kỹ, giấy đã ố vàng, góc bìa nhàu nhĩ, bong tróc, thậm chí có quyển được chắp vá bằng băng dính như thể là báu vật phải giữ gìn. Có em chẳng có sách, đành ngồi ghé sát vào bạn, từng đôi mắt cùng dõi theo một dòng chữ, từng cái đầu nhỏ chụm lại bên nhau trong thứ ánh sáng le lói lọt qua khung cửa sổ cũ nát.

Và rồi, khi cô cất giọng kể câu chuyện về “Dế Mèn phiêu lưu ký”, những ánh mắt rụt rè phút chốc bừng lên sự sống, long lanh như thể đang trông thấy cả một thế giới phiêu lưu đầy màu sắc mở ra trước mắt. Giữa bốn bức tường phủ rêu và gió thổi hun hút, trí tưởng tượng của các em như cất cánh, vượt ra khỏi những con dốc mù sương, khỏi những mái nhà vách nứa, để bay đến một nơi xa xôi nơi Dế Mèn dũng cảm đang bắt đầu chuyến hành trình của riêng mình.

- “Cô ơi, con Dế Mèn… nó có thật không ạ?” - Một cậu bé ngập ngừng.

Lòng Thảo nhói lên khó tả. Những đứa trẻ này đã quá quen với việc trèo đèo lội suối, với đôi chân chai sần đi rừng, chăn trâu, hái rau rừng thay cho trò chơi tuổi thơ. Vậy mà… lại chưa một lần được cầm trong tay một cuốn truyện tử tế, chưa từng biết đến cảm giác lật từng trang sách. Cô không muốn những đôi mắt sáng ấy mãi chỉ mường tượng về thế giới bên ngoài qua lời kể bập bõm giữa tiết học. Cô muốn các em được chạm, được thấy, được mơ. Và ngay khoảnh khắc ấy, cô đã thầm hứa với lòng mình: phải mang đến cho các em một tủ sách thật sự.

Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng.

Lần đầu tiên cô Thảo trình bày ý tưởng với thầy hiệu trưởng, nhưng người đã gắn bó cả đời với vùng đất này khẽ thở dài, giọng trầm buồn:

- Sách quý thật đấy cô Thảo ạ… Nhưng ở đây khó lắm. Mình còn lo bữa ăn, manh áo cho tụi nhỏ chưa xong. Với lại, ai mà gửi sách lên tận đây? Đường đi vất vả thế kia mà…

Thảo cắn nhẹ môi. Cô hiểu, nhưng nếu chỉ vì khó khăn mà dừng lại, thì liệu những đứa trẻ nơi đây sẽ còn bao nhiêu lần được chạm vào một thế giới khác? Những ngày sau đó, cô miệt mài viết thư. Cô gửi về cho những người bạn cũ, đồng nghiệp xa xôi, cho cả những địa chỉ từ thiện cô tìm được qua mạng mỗi lần tranh thủ lên thị trấn bắt sóng. Trong những dòng thư mộc mạc, cô kể về đôi mắt long lanh của lũ trẻ khi nghe cô đọc sách, về đôi bàn tay bé xíu nâng niu từng trang sách cũ như báu vật, và về khát khao trong trẻo được học, được biết nhiều hơn về thế giới ngoài kia.

“A Lù, ngày… tháng… năm…

Gửi những người bạn thân yêu,

Khi viết những dòng này, tôi đang ngồi trong căn phòng nhỏ của mình giữa một vùng đất xa xôi, nơi những triền núi Tây Bắc nối nhau trùng điệp. Nơi đây, có một ngôi trường nhỏ nép mình bên sườn đồi, và trong đó là những đứa trẻ chưa một lần được cầm trọn vẹn một cuốn truyện cổ tích.

....

Vì vậy, hôm nay, tôi viết bức thư này gửi đến các bạn - những người tôi tin vẫn luôn tin vào sức mạnh của sách, vào những điều tốt đẹp. Nếu trong góc nhà bạn có một cuốn sách cũ, một truyện tranh đã từng làm bạn mỉm cười, xin đừng để nó nằm yên mãi trên giá. Hãy để những đôi bàn tay nhỏ nơi đây được chạm vào tri thức. Hãy để những ánh mắt ấy được một lần sáng lên vì phép màu của con chữ.

Chỉ một cuốn sách cũng có thể làm thay đổi cả một tâm hồn non trẻ.

Chỉ một tủ sách nhỏ thôi - cũng có thể mở ra cả một tương lai.

Tôi và những đứa trẻ nơi bản nghèo này, đang ngóng chờ một điều kỳ diệu như thế.

Từ tận đáy lòng mình - xin cảm ơn.

...”

Rồi một ngày, điều kỳ diệu cuối cùng cũng gõ cửa, một nhóm sinh viên tình nguyện từ Hà Nội liên hệ với cô. Họ nói đã đọc được bức thư, đã nghe câu chuyện về những ánh mắt trẻ thơ thèm khát tri thức. Họ muốn quyên góp sách và tự mình mang lên tận nơi. Thảo lặng người.

Thế nhưng, ngày nhóm sinh viên xuất phát, trời bất ngờ đổ cơn mưa lớn. Những con đường núi vốn đã khó đi nay hóa lầy lội, trơn trượt. Chiếc xe chở sách sa lầy giữa đoạn đường rừng, không cách gì tiến lên được. Họ đành phải dừng lại, che bạt trú mưa, chờ đợi. Thảo không thể giấu nỗi sự bồn chồn. Cả buổi chiều hôm đó, cô không thể đứng yên. Đêm đến, tiếng mưa rơi lộp độp trên mái tôn như gõ vào tim cô từng nhịp lo âu. Và rồi, tin nhắn đến: “Cô ơi, bọn em xin lỗi… Trời mưa quá lớn, đường sạt lở, xe không thể đi tiếp được. Bọn em buộc phải quay về”.

Cô lặng người, ngồi thẫn thờ bên bàn, ánh mắt trôi vô định về phía góc lớp học tối. Trong lòng là một khoảng trống nghẹn ngào, cảm giác mọi nỗ lực đang bị vùi lấp dưới bùn đất, giữa nơi rừng núi lúc nào cũng như thử thách lòng người. Sáng hôm sau, khi mưa vừa ngớt, bầu trời còn vương hơi lạnh và ẩm ướt, Thảo bước vào lớp, nhẹ nhàng hỏi: “Ai muốn có sách để đọc nào?”.

Cả lớp như bừng tỉnh. Những cánh tay nhỏ xíu đồng loạt giơ cao. Đôi mắt các em rực sáng - không phải vì tò mò, mà vì khát vọng thực sự đang được gọi tên.

- Vậy thì chúng ta sẽ tự đi lấy sách nhé các con!

Và thế là, một đoàn học trò nhỏ được hình thành - một đoàn quân tí hon nhưng gan dạ, sẵn sàng lên đường. Họ đội nón lá, quấn áo mưa bằng bao tải cũ, có em đi chân đất, có em cõng theo em nhỏ, quàng một chiếc khăn ướt sũng nước. Con đường rừng vẫn trơn trượt, vết bánh xe hôm qua còn in hằn dưới lớp bùn nhão. Nhưng chẳng ai kêu than. Không đứa trẻ nào lùi lại.

Khi cả nhóm đến điểm hẹn, trước mắt họ là những thùng sách được chất cao ngất, gọn gàng giữa nền đất ẩm. Lũ trẻ như vỡ òa, những tiếng reo vang lên, líu ríu như bầy chim non vừa thấy tổ đầy quả chín. Cả nhóm ùa tới, tíu tít mở từng thùng, đôi mắt tròn xoe nhìn từng cuốn sách như nhìn một phép màu vừa rơi xuống từ bầu trời. Một cô bé run run ôm chặt lấy quyển Hoàng tử bé, áp nó vào ngực như sợ có ai đó giành mất, thì thầm: “Cô ơi, đẹp quá! Sách mới quá…” Cô Thảo bật cười, một nụ cười xen lẫn nước mắt.

Chiều hôm ấy, dưới ánh nắng yếu ớt sau mưa, đoàn học trò nhỏ cùng nhau khiêng từng thùng sách vượt rừng trở về. Thùng sách nặng, bùn vẫn còn dính bết dưới chân, nhưng không một ai than vãn. Vì hôm nay, các em không chỉ mang về sách mà còn mang theo cả hy vọng, cả những giấc mơ được chạm tay vào. Từ hôm đó, "Tủ sách ước mơ" chính thức ra đời. Thảo tự tay sơn lại một góc lớp, đóng thêm giá, dán tên từng ngăn bằng giấy màu. Và rồi, mỗi ngày, vào giờ ra chơi, lũ trẻ lại ùa vào góc tủ sách như ong về tổ mật, chuyền tay nhau từng cuốn, đọc chăm chú đến mức quên cả tiếng trống.

Và rồi, một ngày nọ, cô Thảo bắt gặp một em nhỏ đang lúi húi viết sau lớp học. Em giấu kín một cuốn sổ tay, nơi những dòng chữ nguệch ngoạc hiện lên là những câu chuyện đầu đời do chính em tưởng tượng ra. Cô lặng người bởi khi một đứa trẻ bắt đầu viết nghĩa là em đã bắt đầu tin rằng, mình cũng có thể tạo ra thế giới của riêng mình.

Một buổi chiều, khi nắng đang nhạt dần sau dãy núi xa, cậu bé từng ngơ ngác hỏi cô về Dế Mèn phiêu lưu ký bỗng rụt chạy đến, thì thầm: “Cô ơi… lớn lên con cũng muốn viết sách như bác Tô Hoài. Con sẽ viết về con dế mà con bắt được trong vườn nhà con…”

Thảo khựng lại, rồi cúi xuống xoa đầu cậu bé. Trong ánh mắt trong veo kia không còn là sự ngây thơ đơn thuần nữa – mà là một mầm mơ ước, đang khe khẽ nhú lên giữa đất trời cằn cỗi. Có lẽ, một cuốn sách không thể thay đổi cuộc đời ai ngay lập tức. Nhưng một tủ sách, một thói quen đọc sách có thể mở ra cả một chân trời.

Linh Châu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/van-hoa-nghe-thuat/tac-gia-tac-pham/tu-sach-uoc-mo-153860.html
Zalo