Từ phát hiện hàng trăm sản phẩm sữa giả, đừng để người tiêu dùng 'lĩnh đủ'

Qua vụ sữa giả, có thể thấy người tiêu dùng đã đặt niềm tin để lựa chọn sản phẩm, nhưng niềm tin ấy đã bị đánh tráo từ khâu sản xuất, phân phối.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sữa bột giả có quy mô lớn

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an triệt phá đường dây sữa bột giả có quy mô lớn

Có những dòng tin tức khiến người ta buộc phải dừng lại, không chỉ vì độ “nóng” của thông tin, mà bởi sự lạnh lùng đến cay đắng của sự thật.

Vụ việc vừa phanh phui về một đường dây sản xuất và phân phối sữa bột giả với gần 600 sản phẩm đã len lỏi vào hàng nghìn gia đình suốt nhiều năm qua là một ví dụ.

Sữa - thức uống mà người ta vẫn mặc định là giàu dinh dưỡng và an toàn bỗng nhiên lại đem đến sự thật cay đắng. Thứ mà người tiêu dùng tin tưởng là thực phẩm chăm sóc sức khỏe, lại đang âm thầm bào mòn sức khỏe và giờ là bào mòn cả niềm tin.

Hai công ty gồm Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group đã sản xuất nhiều loại sữa bột cho người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai mà không hề có giấy phép, không qua bất kỳ kiểm nghiệm nào. Theo kết luận ban đầu, có sản phẩm chỉ đạt 30% hàm lượng dinh dưỡng so với công bố. Những hộp sữa ấy được rao bán tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội, với bao bì sang trọng, tem nhãn đầy đủ, mã QR rõ ràng. Tất cả chỉ là vỏ bọc cho những hành vi gian dối có tổ chức và kéo dài trong nhiều năm.

Người tiêu dùng, trong hành trình chăm sóc người thân đã tin tưởng vào những thương hiệu “nghe như thật”, vào những đoạn video quảng cáo có sự góp mặt của người nổi tiếng. Họ đã kiểm tra, đã so sánh, đã cân nhắc để rồi đặt trọn niềm tin. Nhưng hóa ra, niềm tin ấy đã bị đánh tráo từ khâu sản xuất, phân phối, đến cả những người nổi tiếng vốn được xem là “bảo chứng” cho chất lượng sản phẩm.

Một số nghệ sĩ đã lên tiếng xin lỗi vì đã quảng cáo sản phẩm giả. Nhưng lời xin lỗi, dù chân thành, cũng không thể xoa dịu được cảm giác bị phản bội của hàng triệu người tiêu dùng.

Vụ việc này đặt ra câu hỏi nhức nhối: Ai chịu trách nhiệm khi cả một chuỗi dài từ sản xuất, phân phối đến kiểm soát và truyền thông đều “đánh rơi” vai trò của mình, chỉ người tiêu dùng là lĩnh đủ.

Đây cũng là lúc cần nhìn lại những lỗ hổng pháp lý. Đơn cử năm 2018, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ về Luật An toàn thực phẩm ra đời có quy định tại điều 5 cho phép doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm thực phẩm thường. Sau khi tự công bố, doanh nghiệp chỉ cần gửi bản công bố tới cơ quan quản lý để lưu hồ sơ, không cần chờ xác nhận hay kiểm định trước khi lưu hành. Nghĩa là cơ chế "tiền đăng - hậu kiểm". Chủ trương này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh, giảm chi phí xã hội. Nhưng thực tế hậu kiểm có thể đã không theo kịp và vô tình trở thành vùng trũng cho hàng giả, hàng kém chất lượng sinh sôi? Đây chỉ là một trong nhiều lỗ hổng mà chúng ta cần nhìn lại.

Vụ việc lần này cũng như một chiếc gương phản chiếu nhiều lỗ hổng về quản lý, giám sát thị trường; về khung pháp lý bảo vệ người tiêu dùng và cả trong nhận thức về trách nhiệm với xã hội của người nổi tiếng. Đã đến lúc cần một cuộc cải tổ thực sự trong quản lý thực phẩm và hàng tiêu dùng bằng cách quy định rõ trách nhiệm đến các đơn vị liên quan, hiện đại hóa công tác hậu kiểm, đồng thời, cần khẩn trương xây dựng cơ chế bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng như nhiều nước phát triển đã làm.

Các cơ quan chức năng cũng cần minh bạch hơn trong công bố danh sách các sản phẩm đạt chuẩn, tăng cường thông tin để người dân có thể nhận biết và tự bảo vệ mình. Và trước hết, người tiêu dùng hãy biết tự bảo vệ mình, hãy tự trang bị cho mình “lá chắn” bằng cách tiêu dùng tỉnh táo. Không vì rẻ mà nhắm mắt chọn mua. Không vì lời lẽ có cánh mà gạt bỏ hoài nghi. Không phó mặc sức khỏe cho những lời hứa trôi nổi trên mạng xã hội.

Với người nổi tiếng, sức ảnh hưởng càng lớn, trách nhiệm càng nặng. Mỗi lời nói, mỗi hình ảnh trong một clip quảng bá có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin và cả sinh mệnh của cả hàng nghìn người.

Hy vọng từ cú cảnh tỉnh này, một hành lang pháp lý chặt chẽ hơn sẽ được thiết lập. Và hơn cả, một thị trường minh bạch, một cộng đồng tiêu dùng tỉnh táo và một hệ sinh thái quảng cáo có đạo đức sẽ dần hình thành.

MINH THÁI

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/tu-phat-hien-hang-tram-san-pham-sua-gia-dung-de-nguoi-tieu-dung-linh-du-409621.html
Zalo