Từ ngày 1/1/2025, các ngân hàng sẽ ngừng thanh toán, rút tiền tại quầy đối với nhóm khách hàng có thông tin không hợp lệ
Theo quy định tại Luật Căn cước 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024, các loại Chứng minh nhân dân cũ (9 số và 12 số) sẽ chỉ còn giá trị sử dụng trong các giao dịch đến hết ngày 31/12/2024.
Kết hợp với quy định của Thông tư 17 về việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và Thông tư 18 về hoạt động thẻ ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), kể từ ngày 1/1/2025, khách hàng không thể sử dụng Chứng minh nhân dân cũ để thực hiện các giao dịch tại ngân hàng.
Đồng thời, những khách hàng chưa cập nhật giấy tờ tùy thân đã hết hạn cũng sẽ bị ngân hàng từ chối giao dịch tại quầy.
Quy định này áp dụng cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức/doanh nghiệp. Như vậy, nếu chủ tài khoản thanh toán và những người liên quan có giấy tờ tùy thân hết hiệu lực hoặc hết hạn sử dụng sẽ không thể thực hiện các giao dịch thanh toán, rút tiền tại quầy.
Sau khi các quy định này được ban hành, nhiều ngân hàng lớn như Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV, VIB, VPBank, TPBank, ACB, SHB,... đã đồng loạt đưa ra thông báo ngừng giao dịch thanh toán, rút tiền tại quầy đối với nhóm khách hàng có thông tin không hợp lệ theo quy định pháp luật kể từ ngày 1/1/2025.
Do đó, để không bị gián đoạn trong giao dịch, các ngân hàng khuyến nghị người dân cần nhanh chóng cập nhật giấy tờ tùy thân là căn cước công dân gắn chip, còn thời hạn sử dụng.
Khách hàng có thể cập nhật, bổ sung thông tin giấy tờ mới tại các quầy giao dịch hoặc trên ứng dụng ngân hàng.
Ngoài ra, một số ngân hàng như TPBank, LPBank,... yêu cầu khách hàng thay thế Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác mà khách hàng cung cấp khi mở tài khoản đã hết hiệu lực hoặc có thay đổi bằng căn cước công dân gắn chip
Chính sách này nhằm thực hiện theo quy định tại Thông tư 17 của NHNN, từ ngày 1/10/2024 cá nhân là người Việt Nam không được dùng Hộ chiếu để mở và sử dụng tài khoản.
Việc cập nhật giấy tờ tùy thân không chỉ đảm bảo quyền lợi của khách hàng mà còn góp phần nâng cao an toàn giao dịch. Đối với các khách hàng tổ chức/doanh nghiệp, thông tin của những người đại diện pháp lý cũng cần được đồng bộ hóa để đáp ứng yêu cầu của ngân hàng. Bên cạnh đó, việc thay đổi này còn hỗ trợ các ngân hàng nâng cao tính minh bạch và bảo mật trong hệ thống tài chính.