Đồng hành, thúc đẩy phát triển nông nghiệp hữu cơ

Tâm huyết với mục tiêu tăng trưởng xanh, nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực cải thiện môi trường, điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh; đồng thời truyền cảm hứng đến cộng đồng cùng thực hiện chuyển đổi xanh, qua đó góp phần tăng lợi thế cạnh tranh, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường...

Bức tranh tươi sáng

Theo Tổ chức Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp. Tại Việt Nam, sau khoảng 20 năm hình thành và phát triển, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm đặc biệt khi “Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030” được phê duyệt.

Cơ hội của ngành nông nghiệp hữu cơ càng được thể hiện rõ trong Lễ công bố các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 vào ngày 4-11 vừa qua. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu, khuyến khích các doanh nghiệp không ngừng tập trung khai thác cơ hội từ xu hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và tiên phong trong cuộc cách mạng xanh. Chúng ta cần hiểu rõ rằng, thương hiệu không chỉ là sự khẳng định về chất lượng mà còn là cam kết về phát triển bền vững.

 Mô hình canh tác luân canh lúa - tôm tận dụng thời điểm nước mặn không xâm nhập tạo nên sắc thái riêng của nông nghiệp hữu cơ.

Mô hình canh tác luân canh lúa - tôm tận dụng thời điểm nước mặn không xâm nhập tạo nên sắc thái riêng của nông nghiệp hữu cơ.

Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành một số chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình sản xuất sản phẩm hữu cơ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ưu tiên triển khai các dự án khuyến nông Trung ương về sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp sử dụng mô hình nông nghiệp hữu cơ đã bắt đầu thu được “trái ngọt”.

Ông Lâm Anh Tú, CEO Công ty Cổ phần Nông sản Hoa Nắng cho biết, khởi đầu từ 2 giống lúa với 3 loại gạo hữu cơ năm 2018, đến nay, Công ty có 10 sản phẩm nhận được nhiều chứng nhận hữu cơ quốc tế; xây dựng được vùng nguyên liệu lúa-tôm hữu cơ, góp phần cải thiện đời sống cho bà con nông dân tại huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Là công ty khởi nghiệp từ năm 2019, ông Phạm Đình Ngãi, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Trà Vinh Farm (Sokfarm) tỏ rõ niềm vui: “Thành tựu đáng tự hào nhất là Sokfarm đã tạo ra được chuỗi giá trị mới cho ngành dừa Việt Nam, cụ thể là chuỗi giá trị từ mật hoa dừa và đạt các chứng nhận hữu cơ quốc tế như USDA, EU, Canada Organic. So với năm 2023, doanh thu của Công ty tăng trưởng khoảng 40%; mở thêm hai kênh bán hàng là cung cấp nguyên liệu trực tiếp cho các nhà máy và xuất khẩu đến thị trường mới là Canada, Australia, ngoài thị trường trước đây là Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Mỹ”.

Hướng phát triển lâu dài, bền vững

Dù ngành nông nghiệp hữu cơ đã đạt những kết quả nhất định, song thị trường này vẫn còn khá non trẻ và phải đối mặt với nhiều thách thức. Việc tạo dựng sắc thái riêng và khẳng định vị thế trên thị trường cần xác định phát triển lâu dài và bền vững, đầu tư nhiều về nguồn lực tài chính. Theo bà Lê Thị Hoài Thương, Giám đốc Công ty Cổ phần Hồ tiêu Việt (Vipep), khó khăn lớn nhất khi làm sản phẩm hữu cơ là sự cạnh tranh giá cả giữa các quốc gia, nguồn tài chính đầu tư xứng đáng đối với sản xuất, chế biến hữu cơ và yếu tố duy trì bền vững chuỗi liên kết giữa nhà nông và nhà chế biến, sản xuất, kinh doanh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi hình thức thương mại, truyền thông. Ông Phan Minh Tiến, CEO Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam cho biết, bên cạnh việc áp dụng các nền tảng trực tuyến để quảng bá sản phẩm, Công ty chú trọng vào việc tổ chức các sự kiện trải nghiệm sản phẩm cho người tiêu dùng, giúp họ hiểu rõ hơn về lợi ích của sản phẩm hữu cơ từ dừa nước. Điều này không chỉ tăng cường mối liên kết với khách hàng mà còn tạo cơ hội để giới thiệu sản phẩm một cách trực tiếp và chân thực nhất.

Nông dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu hoạch lúa tại vùng nguyên liệu lúa-tôm hữu cơ của Công ty Cổ phần Nông sản Hoa Nắng.

Nông dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre thu hoạch lúa tại vùng nguyên liệu lúa-tôm hữu cơ của Công ty Cổ phần Nông sản Hoa Nắng.

Còn đối với Công ty Cổ phần Nông sản Hoa Nắng, “mong muốn của Công ty Hoa Nắng không chỉ là trở thành nơi sản xuất và cung cấp sản phẩm mà còn là cầu nối thông tin cho người quan tâm đến sản phẩm và nông nghiệp hữu cơ, từ đó xây dựng cộng đồng hiểu và yêu thích sản phẩm hữu cơ ngày một lớn mạnh hơn. Vì thế, chúng tôi chú trọng xây dựng nội dung truyền thông chất lượng, chia sẻ kiến thức về nông nghiệp hữu cơ, lối sống xanh tới người tiêu dùng”-ông Lâm Anh Tú chia sẻ.

Đại diện Công ty Sokfarm thì cho rằng, khác biệt nhất trong truyền thông là Công ty đã kể được câu chuyện thương hiệu của mình với khách hàng. Để khách hàng lựa chọn một sản phẩm, ngoài tính năng, giá cả thì nên để khách hàng biết được câu chuyện tại sao doanh nghiệp chọn mô hình này; giá trị xã hội mà doanh nghiệp mang lại cho địa phương là gì. Khi khách hàng hiểu hơn và có cảm tình với thương hiệu thì sẽ dễ dàng đưa ra quyết định mua hàng.

“Để đi lâu dài với nông nghiệp hữu cơ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Doanh nghiệp tham gia thị trường này cần chú trọng "bản sắc" của sản phẩm để tạo dấu ấn riêng. Trước đây, người ta tập trung vào chuỗi giá trị từ trái dừa, nhưng với tình trạng xâm nhập mặn ở miền Tây, 10/1.000 trái dừa bị teo đi, rụng trái dẫn tới giá trị kinh tế cây dừa giảm. Với chuỗi giá trị mới từ mật hoa dừa có thể giúp người nông dân có sinh kế bền vững, tối ưu hóa được các giá trị bản địa. Chúng tôi may mắn chọn được cây dừa, bản thân nó đã hữu cơ rồi nên việc vận động người dân theo mô hình này có nhiều thuận lợi”, ông Phạm Đình Ngãi chia sẻ thêm.

Đứng trước nhiều cơ hội và sự cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự nhạy bén nắm bắt xu thế, nhu cầu của người tiêu dùng để hình thành, phát triển chuỗi cung ứng từ ruộng vườn, nhà máy đến bàn ăn. Có như vậy, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ mới đủ khả năng “phủ xanh” thị trường.

Bài và ảnh: KIỀU OANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-hanh-thuc-day-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-804140
Zalo