Từ năm 2025, sản xuất, sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, từ năm 2025 trở đi nếu cá nhân, tổ chức nào sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Theo Nghị quyết số 173/2024/QH15, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.

Luật sư Diệp Năng Bình

Luật sư Diệp Năng Bình

Trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh bày tỏ sự đồng tình về quyết định cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng của Quốc hội.

Luật sư Bình nêu rõ, từ năm 2025 trở đi, sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng sẽ trở thành mặt hàng bị cấm tại Việt Nam. Theo đó, nếu cá nhân, tổ chức nào sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển... các loại mặt hàng bị cấm này thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có).

Cụ thể, về xử lý vi phạm hành chính, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật phân tích, căn cứ Điều 4 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chủ thể vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thương mại là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là 200.000.000 đồng đối với cá nhân và 400.000.000 đồng đối với tổ chức;

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có thể phải chịu hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Điều này.

Về xử lý hình sự, nếu hành vi trên có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể xử lý theo Điều 190 và/hoặc Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

Căn cứ Điều 190 của Bộ luật này quy định về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến cao nhất là 15 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm vào loại tội danh theo Điều 190 này thì có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Còn căn cứ Điều 191 của Bộ luật này quy định về tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến cao nhất là 10 năm tù giam. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại phạm vào loại tội danh theo Điều 191 này thì có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Nguyên Vũ

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/tu-nam-2025-san-xuat-su-dung-thuoc-la-dien-tu-va-thuoc-la-nung-nong-bi-xu-ly-the-nao-post534868.html
Zalo