Từ 'làm quen' đến 'thói quen'

Đứng trước những cơ hội và thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới, chuyển đổi số (CĐS) không còn là một xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Đối với tỉnh Yên Bái, một địa phương có nhiều tiềm năng nhưng cũng đối mặt với không ít thách thức về địa lý, kinh tế và trình độ dân trí, việc đưa người dân từ 'làm quen' với CĐS đến tạo 'thói quen' CĐS cho họ đóng vai trò then chốt trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển, giúp người dân chủ động ứng dụng công nghệ vào mọi mặt của đời sống.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cài đặt ứng dụng Mobile Banking cho người dân.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cài đặt ứng dụng Mobile Banking cho người dân.

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, Yên Bái đã có những bước chuyển khá tích cực trong công cuộc CĐS. Chính quyền tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế và nâng cao đời sống người dân. Hạ tầng CNTT từng bước được đầu tư, đặc biệt là việc phủ sóng Internet và mạng di động đến vùng sâu, vùng xa.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh ngày càng được hoàn thiện, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí khi thực hiện các thủ tục hành chính. Đến nay, 100% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã sử dụng dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử và ứng dụng công nghệ số ở các mức độ khác nhau để đồng hành cùng chính quyền và nhân dân trong công cuộc CĐS…

Bên cạnh đó, một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm của tỉnh như nông nghiệp và du lịch cũng bắt đầu ứng dụng các giải pháp số. Trong nông nghiệp, đã xuất hiện các mô hình sản xuất thông minh, ứng dụng công nghệ trong quản lý cây trồng, vật nuôi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong du lịch, việc quảng bá trực tuyến, đặt phòng và thanh toán điện tử đang dần trở nên phổ biến…

Đồng chí Lê Trí Hà - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: "Việc đưa CĐS từ bước đầu làm quen đến tạo thành thói quen cho người dân đòi hỏi rất nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, quan trọng nhất là ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến đời sống hàng ngày của người dân như y tế, giáo dục, điện, nước, đất đai... Thiết kế giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên nhiều nền tảng (web, mobile). Đồng thời, cần đẩy mạnh xây dựng các nền tảng số cộng đồng, tạo ra các diễn đàn, trang mạng xã hội để người dân có thể trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về CĐS”...

Khách quan cho thấy, quá trình CĐS ở Yên Bái tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu và đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, tỷ lệ người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tiếp cận và sử dụng các dịch vụ số còn hạn chế; kỹ năng số của người dân chưa đồng đều, nhiều người còn thiếu kiến thức và sự tự tin khi sử dụng các thiết bị và ứng dụng công nghệ; hạ tầng số chưa đồng bộ, khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, giữa các nhóm dân cư khác nhau vẫn còn tồn tại; thói quen và tâm lý ngại thay đổi…

Vì thế, việc tạo thói quen CĐS cho người dân đòi hỏi sự kiên trì và phối hợp của nhiều bên liên quan. Trước hết, cần nâng cao nhận thức và kiến thức về CĐS cho người dân bằng cách tổ chức các chiến dịch truyền thông đa dạng; sử dụng các kênh truyền thông truyền thống (truyền hình, phát thanh, báo chí) kết hợp với các kênh truyền thông số (mạng xã hội, website, ứng dụng di động) để tuyên truyền về lợi ích, sự tiện lợi và tính tất yếu của CĐS trong cuộc sống hàng ngày; xây dựng tài liệu, video hướng dẫn trực quan, dễ hiểu với ngôn ngữ đơn giản, hình ảnh minh họa sinh động, phù hợp với nhiều đối tượng người dân, đặc biệt là người lớn tuổi và người dân tộc thiểu số, trong đó tập trung vào các ứng dụng thiết thực như: thanh toán điện tử; mua sắm trực tuyến; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học tập và chăm sóc sức khỏe từ xa...

Thêm nữa, cần tăng cường mời các chuyên gia về CĐS tổ chức các chương trình hội thảo, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và giải đáp thắc mắc cho người dân tại các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cộng đồng với nội dung tập trung vào các kỹ năng sử dụng máy tính, các ứng dụng cơ bản và các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin…

Việc tạo thói quen CĐS cho người dân là một hành trình dài hơi và đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp về nâng cao nhận thức, kỹ năng số, phát triển hạ tầng, nội dung và dịch vụ số, bảo đảm an toàn thông tin và tăng cường phối hợp, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng một cộng đồng số văn minh, nơi mọi người dân đều có thể hưởng lợi từ những tiến bộ của công nghệ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Đặc biệt, sự chủ động và tích cực tham gia của mỗi người dân sẽ là yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc CĐS, giúp đẩy nhanh quá trình xây dựng con người Yên Bái "thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”…

Thiên Cầm

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/266/349093/tu-lam-quen-den-thoi-quen.aspx
Zalo