Tự hào về công việc của anh và đồng đội

Trước khi cơn bão số 3 (bão Yagi) chuẩn bị đổ bộ vào đất liền, Trung úy Vũ Huy Hoàng, Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Trung tâm huấn luyện Vùng 2 Hải quân tranh thủ gọi điện về nhà dặn dò vợ chú ý theo dõi tin tức về đường đi của cơn bão, chủ động chăm lo sức khỏe bản thân.

Qua câu chuyện anh Hoàng kể, chúng tôi được biết, hành trình để anh và chị Hoàng Nguyễn Huyền Trang về chung một nhà trải qua nhiều gian nan, thử thách. Anh quê ở Hải Dương, sinh sống ở Đắk Lắk. Chị quê ở Hà Nam, vào Bình Dương làm việc. Được bạn bè giới thiệu, anh chị làm quen với nhau qua điện thoại, nhưng khi ấy anh đang lênh đênh trên biển. Họ chuyện trò với nhau không nhiều bởi sóng điện thoại rất yếu. Sau hai tháng kể từ lần đầu nói chuyện, chị nhận được dòng tin của anh hẹn khi nào vào đất liền sẽ gặp nhau.

Trung úy Vũ Huy Hoàng cùng vợ là Hoàng Nguyễn Huyền Trang. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trung úy Vũ Huy Hoàng cùng vợ là Hoàng Nguyễn Huyền Trang. Ảnh do nhân vật cung cấp

Một thời gian sau, buổi chiều tối vừa đi làm về, chị nhận cuộc gọi của anh hẹn ra quán nước ngồi nói chuyện. Lần đầu gặp gỡ, chị bị cuốn hút bởi sự giản dị, nói năng chững chạc, nhẹ nhàng, tinh tế của anh. Tranh thủ những ngày ở đất liền, anh đều dành thời gian ở bên cạnh trò chuyện, tâm sự để cả hai hiểu nhau hơn. Đặc biệt, anh chia sẻ về cuộc sống người lính gắn với những chuyến đi dài trên biển. Cảm nhận được sự chân thành của chàng sĩ quan trẻ nên Huyền Trang có cảm tình.

Sau hơn một năm tìm hiểu, thấy tình cảm đã đến độ “chín”, cả hai báo cáo gia đình thì nhận được sự không đồng tình bởi lý do khoảng cách địa lý quá xa. Tuy quý mến Hoàng nhưng bố mẹ Huyền Trang không giấu được sự lo lắng rằng con gái lấy chồng bộ đội sẽ chịu nhiều thiệt thòi, vất vả. Hiểu được băn khoăn, lo lắng của bố mẹ Huyền Trang, Hoàng đã tìm mọi cách để thuyết phục. Và rồi, năm 2022, họ chính thức nên duyên vợ chồng trước sự chứng kiến của đơn vị, đại diện hai bên gia đình. Sau hôn lễ, anh chị thuê căn nhà trọ ở Bình Dương. Hết phép, anh lại về Đồng Nai tiếp tục công tác. Ở biển không có sóng điện thoại, lâu lâu mới nhận được cuộc gọi của chồng, thời gian nói chuyện lâu nhất là... gần 2 phút. Những lúc ốm, Huyền Trang chỉ biết tủi thân một mình, ngắm bộ quân phục của anh được treo ngay ngắn trong tủ và thầm cầu mong chuyến công tác của anh cùng đồng đội thuận lợi.

Chị Trang trải lòng: “Là phụ nữ ai cũng muốn có chồng ở bên để làm “trụ cột” trong gia đình. Vẫn biết rằng, làm vợ bộ đội thời bình thì nỗi vất vả chẳng thấm vào đâu so với những người vợ bộ đội thời chiến, song nhiều lúc tôi cũng thấy tủi thân bởi anh đi biền biệt, mọi việc lớn nhỏ phải tự xoay xở vượt qua. Nhưng rồi nghĩ đến nhiệm vụ của anh, tình yêu của anh luôn hướng về gia đình, tôi lại thấy mình phải mạnh mẽ vượt qua”.

Nhớ nhất là kỷ niệm khi anh chị vừa cưới xong, chuyển sang nhà trọ mới, hết phép anh trở về đơn vị, trời mưa kéo dài, phòng bị dột khắp nơi. Chị chỉ biết dùng chậu để hứng nước và di chuyển đồ đạc. Những lúc như thế, nước mắt hòa cùng nước mưa, thấy tủi thân lắm, nhưng nhớ đến những lời động viên của chồng, chị như được tiếp thêm nghị lực để vượt qua khó khăn.

Thời điểm này, cơn bão số 3 đã đi qua, nhưng hậu quả để lại thật tàn khốc. Hằng ngày theo dõi tin tức, chứng kiến hình ảnh đồng đội của anh đang căng mình khắc phục hậu quả bão lũ xảy ra trên nhiều tỉnh, thành phố phía Bắc, chị Huyền Trang vừa thấy đồng cảm, xót xa, vừa cảm thấy tự hào về con người cũng như công việc của anh và đồng đội đang làm. Chị tâm niệm, bản thân có thể chịu thiệt thòi hơn nhưng đổi lại sẽ đem lại sự bình yên của nhiều vùng quê trên cả nước.

TRẦN THANH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/tu-hao-ve-cong-viec-cua-anh-va-dong-doi-794224
Zalo