Tự hào trưởng thành từ người chiến sĩ

'Thời gian còn công tác hay khi rời quân ngũ về với đời thường, nhiều người gặp đã hỏi có phải tôi trưởng thành từ chiến sĩ Trường Sơn. Những lúc như thế, tôi cảm thấy thật cảm động và tự hào. Bởi một lẽ rất đơn giản, mình đã phấn đấu từ người chiến sĩ'. Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó chủ tịch thường trực Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, nguyên Phó chủ nhiệm về Chính trị Tổng cục Kỹ thuật bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng lời tự sự như vậy khi cơn mưa rừng nơi biên cương phía Bắc của Tổ quốc vừa ngớt.

Là một trong những đại biểu khách mời tham dự chương trình “Về nơi khởi nguồn” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại Nguyên Bình, Cao Bằng ngày 15-8-2024, niềm vui gặp lại đồng đội dường như khiến ông quên đi những mệt mỏi sau hành trình vượt hơn 300km từ Hà Nội về đây. Ở tuổi 80, mặc dù sức khỏe đã yếu đi nhiều nhưng đến Khu di tích rừng Trần Hưng Đạo, gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào các dân tộc ở huyện Nguyên Bình, ông như được trở lại tuổi 17 khi mới nhập ngũ.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn phát biểu trong chương trình "Về nơi khởi nguồn"

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn phát biểu trong chương trình "Về nơi khởi nguồn"

Mùa Xuân năm 1961, rời quê hương Sơn Tây, Hà Nội, Hoàng Anh Tuấn được biên chế về Đoàn vận tải ô tô 245 (còn gọi là Đoàn 3 - Đoàn An Khê) thuộc Tổng cục Hậu cần, đóng quân ở phía Tây Cầu Diễn (Hà Nội). Sau hai tháng hoàn thành chương trình huấn luyện tân binh, Hoàng Anh Tuấn cùng một số đồng chí khác được cử đi đào tạo lái xe. Ông tâm sự: “Thú thật lúc đó tôi không thích lắm. Lý do thật đơn giản, vì tôi nghĩ đã là bộ đội thì phải tập luyện trên thao trường, sau đó trực tiếp cầm súng làm nhiệm vụ ở chiến trường, chặn đánh bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm… Hiểu tâm tư của tôi, các cán bộ gặp giải thích, lại được học tập chính trị, xác định quân nhân phải chấp hành mệnh lệnh và nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, tôi cũng vui vẻ đi học lái xe”.

Tháng 10-1961, đơn vị tổ chức bổ túc tay lái. Hoàng Anh Tuấn cùng đồng đội được cầm vô lăng đưa xe ngược lên các tuyến đường núi Việt Bắc, Tây Bắc, vận chuyển vật chất, hậu cần phục vụ xây dựng các căn cứ, kho tàng, doanh trại. Những dốc Cun, đèo Thung Khe, Mộc Châu… là mỗi cung đường luyện thần kinh và tay lái của người lái xe. Nhớ nhất là mỗi lần hành quân đến Cao Bằng, cánh lái xe lại kể cho nhau nghe câu chuyện Bác Hồ từng gặp gỡ, nói chuyện với hai đại đội ô tô đầu tiên của Quân đội ta ở thôn Nà Roác, xã Bạch Đằng, huyện Hòa An ngày 28-3-1951. Lời dặn “Xe, xăng là mồ hôi, nước mắt, xương máu của nhân dân, các chủ phải chăm sóc xe, yêu xe như con, quý xăng như máu...” của Người như văng vẳng bên tai khiến họ thêm quyết tâm hành động, vững tin thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hơn 60 năm sau, trở lại Cao Bằng, mặc dù địa hình, địa vật đã có nhiều thay đổi nhưng lòng người nơi đây vẫn vậy. Cùng với các đại biểu anh hùng, tướng lĩnh và sĩ quan hôm nay thăm rừng Trần Hưng Đạo - nơi ra đời của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn được nhân dân đón tiếp nồng hậu. Dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sĩ đầu tiên, ông bồi hồi nhớ tới kỷ niệm từng được gặp Đại tướng ở Trường Sơn cùng biết bao kỷ niệm nơi tuyến lửa.

Ông kể: “Sau ngày Hiệp định Paris được ký kết, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về thăm quê hương Quảng Bình. Làm việc với lãnh đạo tỉnh xong, Đại tướng ra thăm khu vực tập kết hàng ở Tam Tòa - cửa biển Nhật Lệ. Lúc này, do yêu cầu cần lực lượng bốc xếp hàng, Bộ tư lệnh Trường Sơn tuyển một số tân binh nữ quê Bố Trạch. Tôi khi ấy là Chủ nhiệm Chính trị Binh trạm 19 Trường Sơn, chịu trách nhiệm tiếp nhận lực lượng này.

Trước khi Đại tướng đến, tôi đã cho tập trung đơn vị trên một triền cát để làm công tác chuẩn bị đón Đại tướng đến thăm. Đứng trước hàng quân chưa thật chính quy, Đại tướng hỏi là dân quân hay bộ đội, tôi vừa báo cáo vừa như giải thích rằng tất cả đều là tân binh nên tác phong còn lỗ chỗ. Với cử chỉ thân tình, Đại tướng trò chuyện với các nữ tân binh. Khi được Đại tướng hỏi lý do đi bộ đội, nghe chính những người lính của mình quả quyết báo cáo trước vị chỉ huy cao nhất của Quân đội ta với một khí thế tươi mới cùng sức trẻ hừng hực rằng “thích đi chiến đấu”, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin chiến thắng”.

 Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn.

Dưới tán rừng Trần Hưng Đạo hôm nay, được tham gia và giao lưu trong một chương trình ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn không khỏi bồi hồi, xúc động. Từ một chiến sĩ lái xe Trường Sơn, trưởng thành trong chiến đấu, không ít lần vào sinh, ra tử, bị thương nặng tưởng không thể qua khỏi, ông hiểu hơn ai hết những gian khổ, hy sinh mà mỗi người lính Bộ đội Cụ Hồ phải trải qua.

Là người chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị từ cấp cơ sở đến toàn quân, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn khẳng định, công tác Đảng, công tác chính trị luôn là “linh hồn, mạch sống” của Quân đội. Sự vững mạnh về chính trị là yếu tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định, làm nên cội nguồn sức mạnh để Quân đội ta hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Ông nêu dẫn chứng cụ thể những kết quả của mình và đơn vị đạt được trong gần 15 năm trực tiếp làm nhiệm vụ ở Trường Sơn.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nói: “Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn tổ chức lãnh đạo trực tiếp mọi hoạt động chiến đấu từ chiến trường đến các tổ chức đơn vị cơ sở. Một sự kiện tiêu biểu là năm 1968, 1969, địch đánh phá ác liệt làm tắc đường, xe không vận chuyển hàng giao cho chiến trường được. Nhiều người cho là phải trở lại phương thức gùi thồ. Nhưng Đảng ủy Bộ đội Trường Sơn đã họp ra quyết định phải thắng địch bằng mọi cách, quyết chiến đấu để thông đường và chỉ ra nhiều biện pháp cần khắc phục. Sau đó gần một tháng, với sự nỗ lực cao, Bộ đội Trường Sơn đã đánh địch, mở thông hệ thống đường từ các cửa khẩu, đưa hoạt động vận chuyển vào quỹ đạo và phát triển liên tục không ngừng. Bằng nhiều cách, chúng tôi đã xây dựng lòng dũng cảm, ý chí kiên cường vượt lên mưa bom, bão đạn của địch cũng như những khó khăn của địa bàn rừng núi, làm cho bộ đội tin tưởng đơn vị, tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng”.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn trong một lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

Theo lời kể của Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, những năm cao điểm của cuộc kháng chiến chống Mỹ, khi triển khai nhiệm vụ, thủ trưởng các cấp luôn nhấn mạnh, trong công tác tư tưởng phải làm cho bộ đội nắm vững tư tưởng quân sự của Đảng, của Quân đội được vận dụng trong Bộ đội Trường Sơn và cho từng binh chủng, từng đơn vị. Đó là tư tưởng tiến công, liên tục tiến công. Với các binh chủng, các lực lượng lại có điểm riêng: Bộ đội xe có tinh thần “gan vàng, dạ ngọc”, luôn vững tay lái, còn người còn xe còn hàng luôn tiến lên phía trước. Bộ đội Công binh với tinh thần “tường đồng, vách sắt” mở nhiều đường mới, đường tránh, khắc phục bom đạn địch, không để tắc đêm, hạn chế tắc giờ, kiên trì bám trụ trọng điểm. Bộ đội Phòng không và lực lượng tham gia đánh máy bay địch thì quyết tâm “nhằm thẳng quân thù mà bắn", bảo vệ xe vận chuyển trên đường, bảo vệ công binh ở các trọng điểm, quay nòng pháo theo bánh xe lăn. Bộ đội Giao liên với tinh thần nối liền tình nghĩa Bắc Nam, quyết tâm đưa nhanh nhiều quân vào Nam, nhiều thương binh ra Bắc cứu chữa. Ở lực lượng thanh niên xung phong lại có tinh thần “Thanh niên xung kích vượt khó khăn, dũng cảm tiến lên”.

Trên cơ sở đó, các phong trào “Đạt cờ thưởng của Bác Hồ”, “Thi đua bắn rơi máy bay Mỹ”, “Vượt cung, tăng chuyến đưa nhiều hàng cho chiến trường”, “Đường cầu thông suốt bảo đảm tốt nhất cho bộ đội xe lập công”… đã được bộ đội và các lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến lửa Trường Sơn thi đua thực hiện nghiêm túc. Từ đây, đã xuất hiện những “Binh trạm vạn tấn” như Binh trạm 32, 42 hay “Tuấn mã Trường Sơn” như các anh hùng Kim Ngọc Quản, Phan Văn Quý… “Mỗi lần chiến đấu ngày đêm, chúng tôi đều có xác định kết quả và những người, đơn vị làm tốt nhiệm vụ, từ Bộ tư lệnh đến các đơn vị đều có thông báo biểu dương kịp thời. Mỗi mùa khô, Bộ tư lệnh đều xem xét trao cờ thưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đơn vị nào xuất sắc nhất và đề nghị tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân cho các cá nhân xuất sắc tiêu biểu” - Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn cho biết.

Khi giao lưu trong chương trình “Về nơi khởi nguồn”, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn nhiều lần nói về tấm lòng của nhân dân Cao Bằng với bộ đội và ngược lại. Có lẽ chính điều đó đã thôi thúc ông cùng với các cơ quan tiến hành xác minh, làm rõ địa điểm Bác Hồ nói chuyện với bộ đội ngành Xe máy Quân đội. Ngay từ khi còn là Bí thư Đảng ủy, Phó cục trưởng về chính trị Cục Xe - máy rồi Bí thư Đảng ủy, Phó chủ nhiệm về chính trị Tổng cục Kỹ thuật, ông đã chỉ đạo các cơ quan hoàn chỉnh hồ sơ để cơ quan chức năng công nhận đây là di tích lịch sử văn hóa. Ngày nay, Di tích “Bác Hồ với ngành Xe - Máy Quân đội” đã trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình về nguồn với quê hương cách mạng của thế hệ trẻ hôm nay.

BÍCH TRANG – BẢO LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/tu-hao-truong-thanh-tu-nguoi-chien-si-791115
Zalo