Tự hào con cháu Vua Hùng, tự hào là người Việt Nam!
PGS. TS. Bùi Hoài SơnHơn 4000 năm dựng nước và giữ nước, tinh thần thời đại các Vua Hùng luôn tỏa sáng trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, thì giá trị từ ngày Giỗ Tổ không chỉ là sự trở về với cội nguồn, mà còn là điểm tựa tinh thần vững chắc.
Tiếp nối tinh thần “con Lạc cháu Hồng”
Trong hành trình dựng xây đất nước suốt hàng nghìn năm, câu chuyện “con Rồng cháu Tiên” không chỉ là huyền thoại khởi nguồn, mà còn là biểu tượng thiêng liêng gắn kết lòng dân, hun đúc nên bản sắc và sức mạnh của cộng đồng người Việt. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương vì thế không đơn thuần là một nghi lễ truyền thống, mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về cội nguồn chung của dân tộc, từ đó hình thành một tinh thần "đồng bào" đầy nhân văn - những người cùng bọc trứng, chung huyết mạch, không phân biệt vùng miền, dân tộc, hay địa phương.

Ảnh: Nhật Bắc
Khi Việt Nam thúc đẩy cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính để nâng cao hiệu quả quản trị, thay đổi ấy - dù là tất yếu - cũng có thể làm nảy sinh khoảng cách tâm lý, sự hoài nghi hoặc cảm giác "mất gốc" đối với một bộ phận người dân. Chính trong bối cảnh đó, tinh thần “con Lạc cháu Hồng” từ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương cần được khơi dậy như một điểm tựa tinh thần, một chất keo kết nối để mọi người đều cảm thấy mình là một phần không thể thiếu của cộng đồng dân tộc.
Tinh thần “con Lạc cháu Hồng” trong thời đại mới chính là lời khẳng định: dù bản đồ hành chính có những đường vẽ mới, thì cội nguồn dân tộc vẫn là một - bất biến và thiêng liêng. Đó là nền móng để mỗi người Việt Nam, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn đến đô thị, đều có thể cùng chung bước đi, góp phần tạo nên một Việt Nam hùng cường, văn minh và đoàn kết bền vững trong thế kỷ XXI.
Trao truyền khát vọng, thắp lên ý chí
Trong bối cảnh đất nước chuyển mình bước vào kỷ nguyên số, hội nhập toàn cầu và cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt, một trong những yêu cầu cấp thiết nhất là xây dựng một thế hệ trẻ có bản lĩnh, có lý tưởng, có khát vọng vươn cao và đủ sức gánh vác tương lai đất nước. Để làm được điều đó, bên cạnh tri thức và kỹ năng, chúng ta cần bồi đắp nền tảng tinh thần vững chắc: lòng yêu nước, ý chí tự cường và trách nhiệm công dân. Và không có biểu tượng nào truyền cảm hứng sâu sắc hơn cho tinh thần ấy bằng chính ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.

Tiếp nối tinh thần “con Lạc cháu Hồng” trong kỷ nguyên mới
Chính tại Đền Hùng, Bác Hồ từng căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ở đó, sự nối dài lịch sử không phải bằng thời gian, mà bằng hành động. Nếu thời đại Hùng Vương là thời đại mở cõi, khai sơn phá thạch, thì thời đại hôm nay là thời đại của bảo vệ chủ quyền số, làm chủ công nghệ, làm giàu bằng trí tuệ và nhân cách. Việc “giữ nước” hôm nay không còn là cầm gươm ra trận, mà là giữ cho được hồn cốt dân tộc trong mỗi công dân toàn cầu mang dòng máu Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương, vì thế, cần trở thành một không gian giáo dục văn hóa sâu sắc cho thế hệ trẻ, giúp họ hiểu về cội nguồn dân tộc, biết trân trọng quá khứ để vững tin vào tương lai. Qua những câu chuyện lịch sử, truyền thuyết dân gian, những giá trị đạo lý như hiếu kính, đoàn kết, kiên cường, sáng tạo… sẽ được thấm dần vào nhận thức của lớp trẻ - không bằng mệnh lệnh, mà bằng cảm hứng.
Điều quan trọng là truyền cho thế hệ trẻ niềm tin, rằng họ không phải là những người thừa kế thụ động, mà chính là chủ nhân, là người tiếp nối tinh thần Hùng Vương trong kỷ nguyên mới. Mỗi việc tốt họ làm, mỗi ý tưởng đổi mới họ cống hiến, mỗi lần họ đứng lên vì cộng đồng, vì danh dự quốc gia đều là một cách “giữ nước” đầy kiêu hãnh.
Đa dạng hóa hình thức tổ chức
Trong dòng chảy không ngừng của thời đại số, khi công nghệ, truyền thông và lối sống hiện đại đang tác động mạnh mẽ đến từng cá nhân, từng cộng đồng, thì cách thức gìn giữ và lan tỏa các giá trị truyền thống cũng cần được thay đổi linh hoạt, sáng tạo. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - biểu tượng văn hóa thiêng liêng của dân tộc - vì thế không nên dừng lại ở các nghi lễ trang trọng tại đất Tổ Phú Thọ, mà cần được tổ chức đa dạng hơn, sống động hơn, hiện đại hơn.
Tinh thần của ngày giỗ Tổ, nếu được thổi vào nhịp sống hiện đại qua giáo dục, truyền thông, công nghệ, và hoạt động văn hóa cộng đồng, sẽ giúp mọi người dân đều cảm thấy mình là người Việt Nam cùng một cội, cùng một chí hướng. Đó là thứ sức mạnh mềm, bền vững và đầy nhân văn.
Thay vì chỉ tổ chức các hoạt động nghi lễ truyền thống, các địa phương có thể lồng ghép nhiều hình thức sáng tạo, gần gũi và mang tính kết nối cộng đồng cao như: Lễ hội văn hóa đa vùng miền gắn với Giỗ Tổ, nơi các thôn, xã tham gia trình diễn di sản địa phương, từ ẩm thực, trang phục, trò chơi dân gian đến hát xoan, ca trù, quan họ… Ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền, giáo dục về thời đại Hùng Vương qua nền tảng mạng xã hội, video hoạt hình, infographic, hoặc triển lãm số, giúp người trẻ dễ tiếp cận và hứng thú tìm hiểu. Cuộc thi sáng tạo nghệ thuật về chủ đề “Ơn Tổ - Giữ Nước” là nơi học sinh, sinh viên, nghệ sĩ trẻ có thể trình bày cảm xúc về cội nguồn bằng thơ, nhạc, mỹ thuật, thiết kế số, thời trang. Hay Không gian văn hóa Hùng Vương trong trường học...
Quan trọng hơn cả là thay đổi cách tiếp cận: Giỗ Tổ không chỉ là lễ của quá khứ, mà là lễ hội của tương lai - nơi biểu thị cho sự đoàn kết, khát vọng và sự hòa nhập trong đa dạng. Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức các hoạt động giỗ Tổ quy mô vừa và nhỏ tại các địa phương có thể trở thành không gian giao lưu, hòa hợp văn hóa rất hiệu quả. Khi người dân cùng nhau dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, cùng nghe lại truyền thuyết con Rồng cháu Tiên, cùng chia sẻ các phong tục tập quán địa phương, đó không chỉ là hồi tưởng, mà còn là một cách “giữ nước” rất thiết thực, như lời Bác Hồ từng căn dặn. Giữ lấy nước hôm nay là giữ lấy văn hóa, giữ lấy niềm tin, giữ lấy tình yêu đất nước trong từng hành động nhỏ - từ cách ta sống, ta nghĩ, đến cách ta gìn giữ, lan tỏa và sáng tạo nên những giá trị mới trên nền tảng cội nguồn xưa.
Giỗ Tổ Hùng Vương phải trở thành một tuyên ngôn văn hóa cho tương lai, nơi mỗi người dân Việt Nam, ở bất kỳ đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng có thể ngẩng cao đầu mà nói: “Tôi là con cháu các Vua Hùng. Tôi tự hào là người Việt Nam”.