Bài 1: 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến' trên bàn đàm phán thuế đối ứng

Việt Nam đã có phản ứng kịp thời, chủ động và đầy bản lĩnh trước quyết định áp thuế đối ứng lên hàng hóa đối với nhiều quốc gia của Hoa Kỳ. Từ cuộc điện đàm cấp cao giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đến chuyến công tác khẩn cấp của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, cùng loạt giải pháp về chính sách thuế, tài chính – tất cả đã thể hiện rõ tinh thần 'Dĩ bất biến, ứng vạn biến'. Trong đó, Việt Nam vừa giữ vững nguyên tắc bảo vệ lợi ích quốc gia, vừa linh hoạt ứng xử để mở ra cơ hội đàm phán, ổn định quan hệ thương mại với Hoa Kỳ.

Kiên định nguyên tắc, linh hoạt hành động

Ngày 02/4/2025, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ký ban hành Sắc lệnh áp dụng thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và khu vực thuế quan vào thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, Việt Nam nằm trong nhóm nước bị áp dụng mức thuế đối ứng riêng cao nhất (có thể lên tới 46%), gây lo ngại sâu sắc cho cộng đồng doanh nghiệp và các ngành hàng xuất khẩu chủ lực.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump. Ảnh: TTXVN.

Ngay sau động thái mạnh mẽ từ phía Hoa Kỳ, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, quyết liệt và sáng tạo trong phản ứng chính sách.

Ngày 04/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Donald Trump, khẳng định thiện chí và quyết tâm đối thoại của Việt Nam. Trong cuộc trao đổi, Tổng Bí thư bày tỏ mong muốn hai bên cùng ngồi lại đàm phán để đưa thuế nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ về mức 0%.

Đồng thời, Tổng Bí thư cam kết Việt Nam sẽ mở rộng nhập khẩu các mặt hàng thế mạnh của Hoa Kỳ, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đặc biệt, phía Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ lùi thời điểm áp dụng thuế đối ứng để dành thời gian cho các cuộc tham vấn song phương.

Không chậm trễ, đêm 5/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, với vai trò đặc phái viên của Tổng Bí thư, đã lên đường sang Hoa Kỳ để trực tiếp đối thoại với các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.

Trong các cuộc làm việc với Bộ Tài chính Hoa Kỳ và các bên liên quan, Phó Thủ tướng đã thể hiện rõ nét tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” – một phương châm ngoại giao sâu sắc, nhấn mạnh sự kiên định trong nguyên tắc, đồng thời linh hoạt trong ứng xử.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dẫn đầu làm việc với Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Ảnh: Bộ Ngoại giao.

Điều “bất biến” chính là lập trường vững vàng của Việt Nam: Bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước, tuân thủ các cam kết quốc tế, thúc đẩy thương mại công bằng và hợp tác đôi bên cùng có lợi. Còn điều “vạn biến” nằm ở cách tiếp cận mềm dẻo, chủ động đưa ra giải pháp kỹ thuật, chia sẻ thông tin minh bạch và xây dựng lòng tin.

Việt Nam không chọn đối đầu, mà chọn đối thoại, không phản ứng thụ động mà chủ động kiến tạo kênh thương lượng, phù hợp với vai trò và vị thế ngày càng cao của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kết quả bước đầu đã đến nhanh chóng. Ngày 9/4/2025, phía Hoa Kỳ tuyên bố tạm hoãn 90 ngày áp dụng các mức thuế đối ứng riêng với phần lớn các đối tác, trong đó có Việt Nam – một quyết định được xem như “khoảng thời gian vàng” để các bên tiếp tục đàm phán và doanh nghiệp trong nước kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Cân đối quyền lợi giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người tiêu dùng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, chuyến công tác Hoa Kỳ của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật về đàm phán thuế quan, mà còn thể hiện một trường phái ngoại giao hiện đại – mềm dẻo mà kiên cường, đúng tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vừa bảo vệ chắc chắn lợi ích quốc gia, vừa mở ra những không gian đối thoại chiến lược và lâu dài.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng để đánh giá kỹ tác động và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng để đánh giá kỹ tác động và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế quốc tế nhiều bất định, cách ứng xử chủ động, linh hoạt của Việt Nam là minh chứng rõ ràng cho năng lực điều hành của Chính phủ, đồng thời truyền đi thông điệp mạnh mẽ về một Việt Nam hội nhập, trách nhiệm và vững vàng trên bàn đàm phán quốc tế.

Cũng nhanh nhạy phản ứng về vấn đề này, tại buổi họp báo quý I của Bộ Tài chính ngày 03/4, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh: Mục tiêu cân bằng thương mại là rất quan trọng, nhưng phải theo hướng phát triển bền vững. Những biện pháp ứng phó cần kết hợp cả ngắn hạn và dài hạn, đảm bảo duy trì ổn định quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực tới doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành chức năng để đánh giá kỹ tác động và đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các nhóm giải pháp bao gồm: Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tối ưu chuỗi cung ứng, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Ông Trương Bá Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí cho biết thêm, Bộ Tài chính đã rà soát tổng thể biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và kịp thời tham mưu Chính phủ điều chỉnh.

Ngày 31/3/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP, trong đó giảm mạnh thuế nhập khẩu cho 16 mặt hàng thiết yếu như ô tô, nông sản, ethanol, gỗ… giúp cải thiện cán cân thương mại và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nhiều thị trường mới.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng các tác động toàn diện của chính sách thuế đối ứng Hoa Kỳ để đảm bảo điều chỉnh phù hợp, cân đối quyền lợi giữa Nhà nước – Doanh nghiệp – Người tiêu dùng. Trên cơ sở đó, các đề xuất về thuế suất, lộ trình thực hiện và các phương án hỗ trợ thích ứng cũng đang được báo cáo Chính phủ xem xét.

Thùy Linh

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bai-1-di-bat-bien-ung-van-bien-tren-ban-dam-phan-thue-doi-ung.html
Zalo