'Từ đồng bằng sông Cửu Long đến Mátxcơva': Tình cảm của tác giả với quê hương, gia đình và đất nước

Qua 242 trang hồi ký 'Từ đồng bằng sông Cửu Long đến Mátxcơva', Nhà kinh tế Trần Tử Trung - nguyên Cán bộ Ban Kinh tế Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi lại những kỷ niệm về cuộc đời của ông, quê hương, gia đình và đặc biệt là người cha mà ông đặc biệt kính trọng - liệt sĩ, họa sĩ Trần Văn Sắc - nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ.

“Từ đồng bằng sông Cửu Long đến Mátxcơva” do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2024. Mở đầu, tác giả hồi ức về cuộc đời, từ người nông dân và Bộ đội Cụ Hồ ở tuổi vị thành niên, chưa học xong phổ cập cấp I (1952), theo đoàn quân tập kết ra Bắc (Sầm Sơn, Thanh Hóa), ngày đêm học tập nhảy lớp Bổ túc Văn hóa Công Nông Trung ương, rồi sang Liên Xô (Mátxcơva) học Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov, theo chủ trương của Bác Hồ, tốt nghiệp nhà kinh tế, ngoài ra còn tự học tiếng Anh để có thể tự giao tiếp chủ đề chính trị vào năm 1964.

Theo tác giả “sự nghiệp như viên gạch xây dựng tòa nhà đất nước Việt Nam hùng cường… ở thời đại Hồ Chí Minh. Để làm được điều đó phải gạt qua những ham muốn đời thường”.

Trong sách, tác giả còn tâm đắc thể hiện quan điểm về nền kinh tế thị trường, các vị anh hùng dân tộc, những vị lãnh đạo tài đức như đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, người chỉ huy “chiến trường lúa gạo” sau giải phóng năm 1975 - bà Ba Thi; liệt sĩ - họa sĩ Trần Văn Sắc - nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ… Qua đó, ông bày tỏ sự may mắn được phục vụ, đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm học tập ở nước ngoài về cho quê hương, đất nước bằng góc nhìn rộng mở “không đồng tình về ý kiến cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân; áp giá thị trường trong đền bù giải tỏa đất nông nghiệp của nhân dân; không hình sự hóa đối với hoạt động kinh tế, hài hòa lợi ích và không tư túi, tham nhũng… khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm”… Theo lời tác giả thì “lợi ích Nhà nước cần hiểu theo nghĩa rộng và tầm nhìn xa”. Từ đó tác giả đã đóng góp tích cực cho công cuộc đổi mới, kể cả “cải tạo tư sản” ở thành phố, “điều đó cũng làm tôi nhớ lại một ký ức về đồng chí Võ Văn Kiệt vào tận trại giam thăm nguyên Bộ trưởng Năng lượng Ngọc Hải, ăn mừng thành công đường dây điện 500kV sống mãi…”.

Trong sách, tác giả còn thể hiện tình cảm sâu sắc đối với cha mình là liệt sĩ, họa sĩ Trần Văn Sắc, từng là Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ. Ấn tượng với cha mình là dù bị truy nã nhưng kẻ địch là hạ sĩ quan Pháp, gốc Phi (Algeria) đã bí mật thả cha ông… để nói rằng “biến thù thành bạn nếu có thể, là giải pháp tốt nhất khi đối đầu với kẻ địch trong trường hợp cụ thể. Mâu thuẫn không đối kháng, cạnh tranh là quy luật phát triển của sự vật theo phép biện chứng duy vật”.

Theo lời nhà xuất bản, cuốn hồi ký “Từ đồng bằng sông Cửu Long đến Mátxcơva” không chỉ ghi lại những kỷ niệm về cuộc đời ông, những tình cảm đối với quê hương, gia đình, người cha mà tác giả đặc biệt kính trọng mà tác giả còn dành nhiều trang viết chứa chan tình cảm đối với miền quê Cái Răng chợ nổi chằng chịt sông rạch đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng ông: “Dòng đời nước chảy xôn xao, cuộc trào huyết quản bao đời nơi đây”. Để từ đó, ông đã sáng tác nhiều bài thơ xúc động về đề tài quê hương nơi chôn nhau cắt rốn của mình

"Đường về chợ nổi Cái Răng

Thuyền ghe tấp nập sương giăng tờ mờ…

Nước xuôi, đường rộng bao la

Đường tên tướng Giáp quê nhà mang ơn

Ơn ai gây dựng cơ đồ

Ghi công ông Sắc ở đường Cái Răng

Tâm linh Giám, Sắc gặp nhau

Cái Răng duyên phận nào cùng khắc tên".

TÍN HUY

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202501/tu-dong-bang-song-cuu-long-den-matxcova-tinh-cam-cua-tac-gia-voi-que-huong-gia-dinh-va-dat-nuoc-ea01d17/
Zalo