Đà Lạt 'sống dậy' từ những cuốn album

Sau đúng 10 năm kể từ tác phẩm mở đầu cho series viết về Đà Lạt là tập tản văn 'Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách', tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên vừa cho ra mắt 'Đà Lạt, thành phố trong album' – cuốn sách khép lại bộ tứ du khảo, khảo cứu, khảo luận về 'thành phố sương mù'.

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: NVCC

Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: NVCC

Ba tập trước đó lần lượt là Đà Lạt, một thời hương xa (2016), Đà Lạt, bên dưới sương mù (2019) và Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (2020). Ở bộ sách này, theo thời gian, tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên cho thấy những cách tiếp cận luôn luôn thay đổi, từ điền dã với những suy tư và từ ngữ bay bổng trong cuốn đầu tiên cho đến “lặn sâu” vào các kho tài liệu lưu trữ, hàng đống sách báo trong 2 cuốn sau.

Đà Lạt, thành phố trong album, anh lại dấn sâu vào một nguồn khác, khi đó là những album ảnh của các gia đình, bộ sưu tập của các nhiếp ảnh gia hoặc chỉ đơn thuần là những tấm ảnh lẻ tẻ được rao bán hay tặng kèm cho người ưa cổ mà số phận long đong của chúng bất khả truy ngược trở về nguồn gốc...

Từ những phông nền của bức ảnh này, tác giả đã cấu trúc nên cuốn sách với 2 phần chính: Phong cảnh & phong vị - tập hợp những địa điểm, thói quen độc đáo của cư dân Đà Lạt gần một thế kỷ trước, cũng như Người & thời - những cá thể nổi trội giữa dòng thời gian, qua đó làm rõ bối cảnh không gian văn hóa đô thị mà các bức ảnh, nhóm ảnh, bộ ảnh góp phần tạo ra.

Các tham chiếu thú vị

Từ “mẫu số chung” của những bức ảnh tư liệu, anh dẫn ta đến những “chi tiết” nổi bật của Đà Lạt, từ các cấu phần trong logic không gian gồm hồ, đồi và phố của những bản vẽ quy hoạch thời kỳ đầu, cho đến các “cư xá” hiện đại lấy hậu cảnh là dãy Lang Bian, các đập nước, thủy điện hay khách sạn Hôtel du Parc ghi đậm dấu vết của nhiều tha nhân….

Không đi sâu vào tìm hiểu các biến động lịch sử hoặc quan điểm về khoa học quy hoạch như hai cuốn sách trước, ở tác phẩm này, Nguyễn Vĩnh Nguyên đã tạo được thế cân bằng giữa những kiến thức lý tính cũng như cảm nhận cảm tính, qua đó tạo nên một góc nhìn mới vừa xa vừa gần, vừa thực vừa mộng, vừa trực tiếp vừa gián tiếp… đối với những gì đã tạo nên một hình dung chung về miền cao nguyên xứ sở.

Chẳng hạn đối với đồi Cù, từ những tấm ảnh ghi lại những cuộc dã ngoại (picnic) cuối tuần, những nhóm thanh niên “hãy ngồi xuống đây” cùng nhau hòa ca như Trịnh Công Sơn hay Lê Uyên – Phương một thời đã từng, những cặp uyên ương cùng ngồi trên “đồi êm êm, cỏ im im, mộng ước rất hiền” mà Phạm Duy có lần đã viết trong bản Cỏ hồng… tác giả đã khái quát nên những khái niệm về khoảng trống (Espaces libre) và khu vực bất kiến tạo (Zone non aedificandi).

Trịnh Công Sơn và các bạn trên đồi Cù, ảnh chụp khoảng năm 1965. Ảnh: Trích từ sách

Trịnh Công Sơn và các bạn trên đồi Cù, ảnh chụp khoảng năm 1965. Ảnh: Trích từ sách

Tuy vậy khi đặt nó bên cạnh Hồ Xuân Hương, anh cũng nhìn thấy các yếu tố “tĩnh và động, mềm buông và cứng rắn, lõm sâu và nhấp nhô, trong suốt và đặc khối, âm và dương trong một chỉnh thể hướng đến sự hòa quyện tương sinh của một không gian thuần-hòa”.

Không dừng ở đó, anh cũng xoáy sâu vào những khía cạnh ít người chú ý trong các nghiên cứu về lịch sử đô thị Đà Lạt, từ đó tạo nên những cú đột phá trong khía cạnh vi lịch sử mà sự hoành tráng của hướng tiếp cận đại sử thường làm lu mờ. Ta thấy điều đó trong cách mà anh chứng minh cộng đồng người Hoa cũng có vai trò đặc biệt trong cơ cấu dân số và ảnh hưởng đến cả ẩm thực cũng như thương mại nơi đây.

Hay qua bài viết xoay quanh đập nước, thủy điện, anh cũng cho thấy các đời chính quyền sau thời Hoàng triều Cương thổ có chính sách ứng xử với cộng đồng người bản địa ra sao khi cơ ngơi của họ bị ảnh hưởng bởi những công trình này…

Bên cạnh đó, Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng đã để lại kết luận và suy ngẫm mới về nhiều khía cạnh, mang đến tầm vóc cũng như sức nặng cho tác phẩm này. Chẳng hạn qua chương sách về ẩm thực, ta sẽ biết Đà Lạt đã mang lại "chất Pháp" giản dị trên bàn ăn ra sao với các thức, các món quen thuộc nhằm đánh tan đi tâm trạng u uất của những người Pháp vốn đang chơi vơi, ít nhiều bất mãn trên xứ Đông Dương.

Ngược lại thì ẩm thực Pháp cũng như món Hoa cũng để lại dấu ấn trong cộng đồng cư dân Đà Lạt qua lối sống thanh nhã, lịch thiệp, "dĩ Âu vi trung" hay món xíu mại giờ đã trở thành một “nét văn hóa” vô cùng điển hình trong ngày hiện tại.

Với nguồn trái cây dồi dào của cao nguyên này, anh cũng khơi gợi được tinh thần riêng ẩn đằng sau đó khi biến chúng thành món mứt với mong muốn “kéo dài vòng đời hương sắc của những khu vườn và âm thầm ấp ủ, lưu trữ thời gian một cách chu đáo”.

Các tác phẩm viết về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: NXB Trẻ

Các tác phẩm viết về Đà Lạt của Nguyễn Vĩnh Nguyên. Ảnh: NXB Trẻ

Những cố nhân xưa

Trên nền những hậu cảnh ấy, những chứng nhân từng gắn bó một thời sâu sắc với vùng đất này cũng được hiện lên. Họ hoặc ẩn hiện một cách trực tiếp như ông Nguyễn Anh gắn liền với nghề chữa cassette trên đường Minh Mạng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu với các tấm bưu thiếp “thơm mùi ký ức” hay ông Phạm Gia Triếp – Trưởng Ty thông tin Đà Lạt với những tờ báo và các chương trình phát thanh hậu thuẫn cho sự thành công của Thanh Tuyền, Tuấn Ngọc… từ khách sạn Hôtel du Parc; nhưng cũng có thể hiện lên như một chấm phá đại diện cho vài biến động của vùng đất này.

Đó là nữ sĩ Hayashi Fumiko đại diện cho thời chính biến Nhật lật đổ Pháp mà vài năm trước độc giả đã có may mắn được đọc tiểu thuyết Phù Vân về những người Nhật đến với nơi đây và những sang chấn bám riết mãi họ. Đó cũng là vị họa sĩ André Maire với những bức chì son vẽ cảnh chùa chiền trong sự thanh bình…

Ông Nguyễn Anh (ngồi, giữa) trong tiệm radio của mình. Ảnh: Album gia đình ông Nguyễn Anh, tác giả cung cấp trong sách.

Ông Nguyễn Anh (ngồi, giữa) trong tiệm radio của mình. Ảnh: Album gia đình ông Nguyễn Anh, tác giả cung cấp trong sách.

Con người trong Đà Lạt, thành phố trong album của Nguyễn Vĩnh Nguyên dường như đã được giản thể để trở thành những lát cắt ký ức, nơi số phận của họ cũng gắn liền với định mệnh của thành phố này. Điều này khiến ta nhớ đến W.G.Sebald trong cuốn Vành đai sao thổ, người đã thực hiện một cuộc hành trình dọc theo bờ biển nước Anh để khám phá những tàn tích, những thành quách, những gì còn lại ẩn chìm dưới dòng lịch sử. Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng đang đi lại chính hành trình đó, khi anh dẫn lời chính nhà văn này trong những trang đầu sách về một cuộc hẹn với thời quá khứ.

Ta cũng thấy điều đó trong những chiêm nghiệm mang tính thư nhàn (mà không nâng cao quan điểm) có phần tương đồng với Thoreau. Ta cũng thấy nó trong “cao điểm” của ngày hiện tại, để từ đây nhìn xuống những gì còn lại như Kazuo Ishiguro từ nước Anh xa xôi, như sự tiếc nuối rất Lévi-Strauss hay một flâneur cứ loanh quanh mãi như Patrick Modiano ám ảnh hoài mãi bởi những danh bạ hay các con phố xung quanh Paris…

Và cũng sẽ là một thiếu sót lớn nếu không nhắc đến Susan Sontag mà những suy tư vượt xa thời đại trong cuốn Bàn về nhiếp ảnh của bà tràn khắp trong sách. Sontag từng nói đại để rằng khi màn trập hạ xuống cũng chính là lúc cái chết đến với khoảnh khắc hiện tại. Tuy không phải là cuốn sách bàn về nhiếp ảnh, nhưng Nguyễn Vĩnh Nguyên cũng đã bổ sung vào đó để cho ta thấy sát na memento mori chỉ là nhất thời, bởi cũng từ những tấm ảnh được anh sử dụng, những gì thuộc về quá khứ một hôm nào đó sẽ được phục dựng.

Và không chỉ thế, có thể nói chính hành động viết cũng phủi đi những lớp bụi mờ, để qua đó Đà Lạt cũng “là sự Vượt Qua, cứu vãn cái phù du của thực tại, hướng đến một sự sống vĩnh cửu”. Đà Lạt, thành phố trong album là sự hiệp đồng níu giữ quá khứ từ “những tấm ảnh” – một chứng nhân đã chết, qua “hành động viết” – chết thêm lần nữa, để phủ định của phủ định trở thành khẳng định, từ đây Đà Lạt sống dậy thêm một lần nữa giữa dòng thời gian.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/da-lat-song-day-tu-nhung-cuon-album-46736.html
Zalo