Tự do tín ngưỡng, tôn giáo vùng dân tộc thiểu số: Nhất quán trong quan điểm và hành động

Đa dạng các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo của 53 dân tộc thiểu số đã góp phần tạo nên bức tranh tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam sinh động và đầy màu sắc.

Thời gian qua, nhất quán trong quan điểm của Đảng, thực thi và áp dụng pháp luật của Nhà nước, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số được bảo đảm, đời sống tinh thần được nâng cao, đóng góp quan trọng vào mục tiêu xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo nhằm biểu dương, tôn vinh, khích lệ lãnh đạo chức sắc, phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 13/6/2024. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt đoàn đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo nhằm biểu dương, tôn vinh, khích lệ lãnh đạo chức sắc, phát huy truyền thống “phụng đạo, yêu nước”, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, ngày 13/6/2024. (Nguồn: TTXVN)

Nhất quán trong quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước

Hiến pháp Việt Nam năm 2013 đã hiến định tại Điều 5: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Đồng thời, tại Điều 16 Hiến pháp cũng khẳng định công dân Việt Nam thuộc thành phần dân tộc đa số hay thiểu số đều bình đẳng trước pháp luật, được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ công dân như nhau: “Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình lãnh đạo Nhà nước và xã hội, luôn khẳng định nguyên tắc “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” giữ vị trí chiến lược quan trọng trong chính sách đoàn kết các dân tộc.

Trên cơ sở nguyên tắc có tính chất tiên quyết đó, vấn đề bảo đảm quyền của các dân tộc thiểu số và đấu tranh chống lợi dụng vấn đề dân tộc đã được Đảng và các thành tố khác cấu thành hệ thống chính trị Việt Nam xác định là những vấn đề cơ bản và cấp bách để xây dựng để phát triển Việt Nam hiện nay.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của mọi người và được “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”; đồng thời, Nhà nước “bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật”. Như vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có thể được coi như một quyền tự nhiên của bất kỳ con người nào trong xã hội, không kể họ có là dân tộc gì, địa vị trong xã hội thế nào và trong những hoàn cảnh cụ thể nào.

Đồng bào các dân tộc thiểu số là bộ phận không tách rời trong lịch sử, văn hóa Việt Nam. Lịch sử đất nước Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói riêng gắn liền với cuộc sống lao động sản xuất, đoàn kết giúp đỡ nhau, sát cánh bên nhau trong lao động sản xuất, đánh đuổi giặc ngoại xâm, đối phó với thiên tai, dịch bệnh...; cùng với mục tiêu muốn lý giải đời sống của chính mình, các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đã ra đời bởi những nguồn gốc xã hội, nguồn gốc tâm lý - ý thức và nguồn gốc nhận thức như vậy.

Trên thế giới có những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo gì, tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam có đủ các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đó như các hình thức tôn giáo nguyên thủy như Saman giáo, Bái vật giáo, Tôtem giáo hay các tôn giáo hiện đại như Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài...

Cứ vào cuối tuần, những giáo dân thuộc Chi hội Ea Hiu của Hội thánh Tin lành lại cùng nhau cất vang tiếng thánh ca. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Cứ vào cuối tuần, những giáo dân thuộc Chi hội Ea Hiu của Hội thánh Tin lành lại cùng nhau cất vang tiếng thánh ca. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

Bảo đảm thực thi trong thực tiễn

Thứ nhất, các tổ chức tôn giáo được công nhận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo được thực hiện theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số thuận lợi thực hành các hoạt động tôn giáo.

Thời gian qua, trên cơ sở quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã công nhận thêm 01 tổ chức tôn giáo (Giáo hội Phúc âm Ngũ tuần Việt Nam), cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 03 tổ chức (Hội thánh Phúc âm Toàn vẹn Việt Nam; Hội thánh Tin lành Liên hiệp Truyền giáo Việt Nam; Giáo hội Các Thánh hữu Ngày sau của Chúa Giê-su Ky-tô Việt Nam).

Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, có thêm hơn 1.100 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung[1], nâng tổng số cả nước có trên 3.300 điểm nhóm Tin lành được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc có 1.647 điểm nhóm, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có 1.744 điểm nhóm[2]. Trong số đó, đáng chú ý 13 tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm Thanh Hóa và Nghệ An) đã cấp mới đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 797 điểm nhóm theo đạo Tin lành.

Chấp thuận thành lập các chi hội Tin lành từ các điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung với 2 mô hình: Từ một điểm nhóm thành lập một chi hội; Từ một số điểm nhóm cùng tổ chức, tín đồ cùng ngôn ngữ, giao thông thuận lợi thành lập chi hội,... nhằm phục vụ sinh hoạt tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên thế giới có những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo gì, tại vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam có đủ các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo đó, từ các hình thức tôn giáo nguyên thủy như Saman giáo, Bái vật giáo, Tôtem giáo hay các tôn giáo hiện đại như Công giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Tin lành, Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài...

Thứ hai, các tổ chức tôn giáo được hướng dẫn chủ động phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành theo giáo lý, giáo luật tôn giáo; đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho các chức sắc, chức việc tôn giáo trong thực hành các hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.

Hằng năm, số lượng chức sắc, chức việc, nhà tu hành và những người hoạt động tôn giáo chuyên nghiệp không ngừng tăng nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần của nhân dân. Kể từ khi thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, cả nước có hơn 6.500 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 16.783 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc[3].

Điển hình tại khu vực Tây Nguyên, trước năm 2016, Công giáo tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên mới có 345 linh mục ( Đắk Lắk là 67 linh mục, Lâm Đồng có 206 linh mục (trong đó có 5 linh mục là người dân tộc thiểu số), Kon Tum có 35 linh mục; Gia Lai có 37 linh mục)Sau khi Luật tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, tại Giáo phận Ban Mê Thuột đến năm 2022 có thêm 02 linh mục trẻ là người Xơ Đăng và M’Nông; 20 nữ tu Dòng Nữ vương Hòa Bình là người dân tộc thiểu số.

Hoặc tại giáo phận Hưng Hóa của Công giáo Việt Nam, bao gồm địa giới của 10 tỉnh, thành phố thuộc miền Tây Bắc Việt Nam ( Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên và Sơn La, một phần các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, và một phần TP. Hà Nội với số lượng đông đảo đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Dao, Nùng, H’Mông,..), năm 2006 mới chỉ có 31 linh mục phục vụ 200.000 tín đồ nhưng đến hết năm 2022, đã có 144 linh mục triều và 36 linh mục dòng phục vụ khoảng 265.000 tín đồ[4].

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tỉnh Bình Thuận không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm mà còn là dịp để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu nét đặc trưng của cộng đồng người Chăm. (Nguồn: TTXVN)

Lễ hội Katê của đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn tỉnh Bình Thuận không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của đồng bào Chăm mà còn là dịp để thu hút du khách tham quan, tìm hiểu nét đặc trưng của cộng đồng người Chăm. (Nguồn: TTXVN)

Thứ ba, những ngày lễ trọng của các đồng bào các tôn giáo như: lễ Phật đản, lễ Vu lan của Phật giáo; lễ Giáng sinh, lễ Phục sinh của Công giáo và Tin lành; lễ hội Yến Diêu Trì Cung, lễ kỉ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài; lễ hội Katê của đồng bào Chăm; tháng chay Ramadan của người Hồi giáo... được tạo điều kiện và phối hợp tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ là đồng bào các dân tộc thiểu số tham dự. Nhiều ngày lễ trọng của tôn giáo đã trở thành ngày lễ chung của cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam.

Điển hình như: Lễ hội Kate của đồng bào người Chăm là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng rất độc đáo để tưởng nhớ đến các vị thần như Ppo Klaung Girai, Ppo Rome, nhưng đồng thời cũng là dịp để đồng bào người Chăm từ khắp mọi miền đất nước trở về quê hương để đoàn tụ cùng gia đình, bạn bè, dòng họ và sinh hoạt tín ngưỡng tại các đền, tháp, làng, dòng họ...

Được sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và chính quyền cơ sở, trong những năm gần đây đã trở thành một sinh hoạt tín ngưỡng chung của cộng đồng các đồng bào dân tộc thiểu số tại Ninh Thuận và Bình Thuận.

Thứ tư, tạo điều kiện, hướng dẫn các đơn vị có liên quan, các chức sắc, chức việc tôn giáo thực hiện đúng quy định của pháp luật trong xây dựng, mở rộng, trùng tu, tôn tạo các di tích tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo nhằm phục vụ nhu cầu thực hành các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đa phần các cơ sở để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế bởi lẽ nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số thường là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cơ sở tôn giáo phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước được cải tạo, nâng cấp, xây dựng.

Điển hình, như việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các tộc người thiểu số, các tỉnh, thành phố ở vùng Tây Nam Bộ đã huy động kết hợp lồng ghép nhiều nguồn vốn của Trung ương, địa phương, tổ chức phi chính phủ và người dân để tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa các thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng cổ truyền của cộng đồng (chùa Phật giáo Nam tông của người Khmer, thánh đường Islam của người Chăm, miếu thờ ông Bổn, bà Thiên Hậu của người Hoa)...

Tạo điều kiện tối đa để xây dựng và thành lập Học viện Phật giáo Nam tông Khmer (ở Cần Thơ), các trường trung cấp Pali Khmer (ở Sóc Trăng và Trà Vinh) và các trường cao đẳng, trung cấp nghề, trung học dân tộc nội trú đã được đầu tư xây dựng nhằm góp phần thúc đẩy công tác giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho con em và sư sãi người Khmer.

Thứ năm, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộ, vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo; lợi dụng sự chân chất, thật thà, nhẹ dạ, cả tin của đồng bào các dân tộc thiểu số để xuyên tạc quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về dân tộc và tôn giáo, gây lên tâm lý hoang mang, chống đối xã hội.

Trọng tâm là nhận diện và đấu tranh với các đối tượng cực đoan núp bóng tôn giáo hoạt động chống đối chính quyền, kêu gọi thành lập “Vương quốc Mông”, “Nhà nước Khmer”, “tà đạo Hà Mòn”, “Tin lành Đề ga” nhằm kích động ly khai, tự trị ở vùng dân tộc thiểu số, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân tin theo các tổ chức đội lốt tôn giáo, tổ chức bất hợp pháp như: Hội thánh của Đức Chúa trời Mẹ, “Đạo Bà Cô Dợ”, “Hội thánh Giê Sùa”…, góp phần xây dựng môi trường sinh hoạt tôn giáo lành mạnh phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực, Việt Nam có thêm hơn 1.100 điểm nhóm được đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, nâng tổng số cả nước có trên 3.300 điểm nhóm Tin lành được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, trong đó tại các tỉnh miền núi phía Bắc có 1.647 điểm nhóm, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước có 1.744 điểm nhóm. Trong số đó, đáng chú ý 13 tỉnh miền núi phía Bắc (bao gồm Thanh Hóa và Nghệ An) đã cấp mới đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho 797 điểm nhóm theo đạo Tin lành; có hơn 6.500 người được phong phẩm, suy cử làm chức sắc; 16.783 người được bổ nhiệm, bầu cử, suy cử làm chức việc.

[1] Ban Tôn giáo Chính phủ (2023), Sách trắng Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, tr.88.

[2] Ban Tôn giáo Chính phủ (2023), Sách trắng Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, tr.97.

[3] Ban Tôn giáo Chính phủ (2023), Sách trắng Tôn giáo và Chính sách Tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, tr.88.

ThS. NGUYỄN TRƯỜNG ANH

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tu-do-tin-nguong-ton-giao-vung-dan-toc-thieu-so-nhat-quan-trong-quan-diem-va-hanh-dong-312040.html
Zalo