Từ di sản văn hóa thành sản phẩm du lịch hấp dẫn
Những điệu dân vũ truyền thống, làn điệu dân ca hay những món hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, đang được bảo tồn, gìn giữ, phát triển thành những sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn.

Biểu diễn văn nghệ mang bản sắc dân tộc phục vụ du khách tại Chợ đêm - Phố đi bộ Mộc Châu.
Vân Hồ - nơi cửa ngõ của tỉnh Sơn La có nhiều homestay mang đậm phong cách của đồng bào dân tộc Mông. Trong đó, A Chu homestay ở bản Hua Tạt, là điểm dừng chân lý tưởng của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Khu homestay có kiến trúc nhà gỗ truyền thống của đồng bào Mông, không gian gần gũi thiên nhiên, vườn cây xanh mát. Lối kiến trúc đơn giản, mộc mạc mà đặc biệt cuốn hút, tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Anh Tráng A Chu, chủ A Chu homestay, chia sẻ: A Chu Homestay của gia đình ưu tiên phong cách mang đậm bản sắc cổ truyền dân tộc Mông, kết hợp yếu tố hiện đại, nhằm mang đến cho du khách những dịch vụ và trải nghiệm tốt, thú vị, ý nghĩa. Tại đây, du khách có thể thấy được nét đẹp độc đáo trong văn hóa dân tộc Mông, từ kiến trúc cho đến sinh hoạt sản xuất, ẩm thực và văn hóa tinh thần.
Còn tại Mộc Châu, miền cao nguyên xanh này không chỉ hấp dẫn du khách bởi khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, còn thu hút bởi vốn văn hóa truyền thống giàu bản sắc đang được khai thác, phát triển thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Mộc Châu có 12 dân tộc đang sinh sống. Nhờ thế, văn hóa truyền thống các dân tộc tại đây vô cùng phong phú, nhất là các lễ hội, tín ngưỡng truyền thống được bảo tồn và phát huy. Thị xã hiện có 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong có có 4 di sản văn hóa của riêng các dân tộc sinh sống tại Mộc Châu, gồm có: Lễ Hết chá của người Thái Trắng, nghệ thuật khèn của người Mông, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục của người Mông Hoa, Lễ hội cầu mưa của người Thái Trắng.

Không gian văn hóa tại Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch huyện Quỳnh Nhai 2025.
Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND thị xã Mộc Châu, cho biết: Văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc là tài nguyên nhân văn vô giá mà Mộc Châu đã và đang nỗ lực bảo tồn, phát huy. Mộc Châu đã xác định đó là 1 trong 2 thành tố chính cùng với nông nghiệp xanh để đưa du lịch phát triển nhanh, bền vững.
Về miền sông nước Quỳnh Nhai, miền đất giàu văn hóa truyền thống, du lịch những năm gần đây, phát triển mạnh mẽ, khai thác tiềm năng lớn của vùng lòng hồ thủy điện Sơn La. Dịp đầu năm, Quỳnh Nhai trở thành điểm hẹn du xuân của du khách gần, xa, đến vãn cảnh cầu an ở Khu du lịch văn hóa tâm linh với đền Nàng Han, đền Linh Sơn Thủy Từ; hòa mình vào không khí sôi động của Lễ hội đua thuyền truyền thống; tham gia Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trải nghiệm không gian văn hóa đặc sắc của đồng bào vùng sông nước.
Văn hóa truyền thống được khai thác, phát huy thành yếu tố hấp dẫn, thổi hồn cho du lịch Quỳnh Nhai. Đặc biệt phải kể đến các di sản văn hóa quốc gia đã được công nhận, như: Lễ Cầu An (Pang A) của người La Ha; nghi lễ Xé Pang Á (cầu an) của người Kháng; nghi lễ gội đầu, nghi lễ Kin Pang Then và nghi lễ Tết Xíp xí của người Thái Trắng... cùng nhiều lễ hội, nghi lễ truyền thống đặc sắc thường xuyên được phục dựng, trình diễn phục vụ du khách tại các sự kiện văn hóa - du lịch của huyện.
Anh Đoàn Đông Đức, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ cảm xúc khi tham gia Lễ hội đua thuyền truyền thống huyện Quỳnh Nhai năm 2025: Đến đây, tôi thấy khung cảnh thiên nhiên lòng hồ kỳ vĩ, tráng lệ, lễ hội truyền thống sôi động, đặc sắc, người dân thân thiện, mến khách.

Văn hóa truyền thống dân tộc Thái được tái hiện trong một sự kiện tại Mộc Châu.
Những nét đặc sắc của văn hóa các dân tộc Sơn La được quảng bá rộng rãi, khai thác giá trị, tạo điểm nhấn cho các khu, điểm du lịch nổi tiếng, các sản phẩm lưu niệm bằng đồ thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm dân tộc... Lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, dân nhạc, trang phục dân tộc được đưa vào các sự kiện văn hóa - du lịch, tạo nên sức hút cho du lịch Sơn La những năm gần đây. Trong quý I/2025, toàn tỉnh đón 1,76 triệu lượt khách du lịch, doanh thu 1.985 tỷ đồng.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Sở thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Chủ động, linh hoạt, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, để gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chú trọng phục dựng lễ hội dân gian truyền thống, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, di sản đại diện của nhân loại gắn với phát triển kinh tế các địa phương, nhất là phát triển du lịch.
Với 17 di sản văn hóa vi phật thể quốc gia, 96 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, chứa đựng giá trị cả không gian và thời gian về văn hóa và lịch sử lâu đời trên miền đất Sơn La. Những di sản ấy, đang được bảo tồn, gìn giữ và phát huy theo cách riêng, biến di sản thành vốn tài sản có giá trị thực tiễn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội.