Từ Chúa Jesus AI đến Pháp sư ảo: AI đang định hình đức tin theo cách nào?
Giáo sư Nam Tek-Jin phát hiện trong nghiên cứu của mình rằng mọi người có xu hướng tin tưởng 'mù quáng' vào những gì AI nói, có thể là vì niềm tin của họ phần lớn bị ảnh hưởng bởi mong muốn của họ.
Tác giả: Jo He-rim
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: www.koreaherald.com
Tại một nhà thờ Tin lành ở Đức, hàng trăm người tụ tập trước một màn hình dựng phía trên bàn thờ khi buổi lễ do trí tuệ nhân tạo (AI) điều khiển bắt đầu. Một vị Mục sư hóa thân tuyên đọc bài giảng Bác ái là quy luật của toàn thể nền đạo đức Kitô giáo, của thần học luân lý xã hội, và những người sùng đạo đứng lên và ngồi xuống cùng nhau sau khi cầu nguyện, theo sự dẫn dắt của nhà thuyết giáo kỹ thuật số.
Đây không phải là cảnh trong phim khoa học viễn tưởng - mà là một buổi lễ nhà thờ thực sự diễn ra tại Nhà thờ St.Paul ở thị trấn Fuerth, bang Bayern, Đức vào tháng 6 năm 2023.
Công nghệ AI là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như con người đang chuyển đổi các ngành công nghiệp và thậm chí cả tôn giáo - một lĩnh vực từng được cho là sâu sắc về mặt con người và tâm linh.
Giữa những phản ứng trái chiều về tác động của AI đối với đức tin và các hoạt động tôn giáo, các nhà thờ kitô giáo và cơ sở tự viện Phật giáo đang giới thiệu “AI Jesus” và “AI Buddha” để trả lời câu hỏi cấp bách: AI sẽ trở thành một công cụ trung thành cho sự phát triển tâm linh hay một thế lực đe dọa sự tồn tại của Chúa?

Một du khách đang trò chuyện với một pháp sư do AI tạo ra tại một ngôi đền AI ở Seoul. (KAIST)Ảnh: koreaherald.com
Tháng 12 năm 2024, tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, một nhóm các nhà nghiên cứu đã lập một cơ sở tín ngưỡng tôn giáo AI để tìm hiểu cách mọi người nhận thức và tương tác với một thực thể tâm linh do AI tạo ra.
Những dải ruy băng, nến và chuông đầy màu sắc lấp đầy không gian mờ tối, tạo nên bầu không khí nghi lễ. Một pháp sư ảo, nói bằng giọng của một phụ nữ trung niên, đưa ra lời bói toán và an ủi khi du khách nhập ngày sinh của họ vào máy tính bảng và chia sẻ nỗi lo lắng của họ, tìm kiếm lời khuyên.
“Mặc dù chúng tôi không thể xác nhận liệu nó có gợi lên đức tin tôn giáo thực sự hay không, chúng tôi thấy rằng mọi người ban đầu chỉ giao tiếp với pháp sư AI một cách nhẹ nhàng, sau đó dần dần chia sẻ những mối quan tâm sâu sắc hơn và tìm kiếm lời khuyên nghiêm túc”, Giáo sư Khoa Thiết kế Công nghiệp tại Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) Tiến sĩ Nam Tek-Jin, người đứng đầu thí nghiệm, nói với The Korea Herald, nhật báo tiếng Anh.

AI Jesus bên trong buồng xưng tội (Ảnh chụp màn hình video do Phòng nghiên cứu thực tế nhập vai đăng tải)Ảnh: koreaherald.com
Dự án có tên gọi là “Sham AI”, lấy cảm hứng từ Shaman giáo Hàn Quốc, sử dụng giao diện lập trình ứng dụng của OpenAI nhưng không đào tạo cụ thể về cơ sở dữ liệu bói toán. Kết quả của dự án sẽ được trình bày tại Hội thảo tương tác giữa máy tính và con người năm nay dự kiến diễn ra vào tháng 4 năm 2025.
Giáo sư Nam Tek-Jin cho biết: “Nhiều người tham gia cho biết họ đã trải qua sự an ủi về mặt tâm lý và nhận được sự hướng dẫn có ý nghĩa về những mối quan tâm của họ”.
Với các hình đại diện chuyển động, giọng nói và văn bản được truyền tải bằng ngôn ngữ tự nhiên, có vẻ như mọi người sẵn sàng chấp nhận các nhân vật do AI tạo ra và thậm chí tin tưởng vào suy nghĩ của họ.
Khi một Nhà nguyện Peter ở Lucerne là nhà thờ nhỏ, giản dị và được xếp hạng là nhà thờ lâu đời nhất ở thành phố này của Thụy Sỹ. Tuy nhiên, gần đây nhà thờ này lại đột nhiên nổi tiếng nhờ công nghệ cao và việc nhờ cậy đến cha xưng tội chạy bằng AI, có thể nói chuyện bằng 100 ngôn ngữ, bên trong một gian phòng xưng tội vào tháng 8 năm ngoái, những quan sát tương tự đã được thực hiện.
Được thiết kế với hình đại diện và giọng nói của một chàng trai trẻ, Chúa Jesus AI đã tương tác với hơn 1.000 tín đồ trong hơn hai tháng như một phần của thí nghiệm được tiến hành với sự hợp tác của Nhà thờ Peterskapelle ở Lucerne, Thụy Sĩ và Phòng nghiên cứu thực tế nhập vai tại Đại học Khoa học Ứng dụng và Nghệ thuật Lucerne.
Trong khi thí nghiệm này gây ra cuộc tranh luận sôi nổi, hơn hai phần ba trong số 230 người dùng đã phản hồi cho biết tương tác của họ với AI là một “trải nghiệm tâm linh”.
Theo Philipp Haslbauer, một thành viên của phòng nghiên cứu, các cuộc trò chuyện giữa những người tin Chúa và Chúa Jesus AI đã đề cập đến những chủ đề quan trọng và nhạy cảm, từ “Tại sao phụ nữ không phải là linh mục?” đến tình yêu, tình dục, cái chết và thế giới bên kia.
Tuy nhiên, nhận thức về sự hiện diện của AI trong tôn giáo lại khác nhau rất nhiều, với những người chỉ trích coi đó là sự gián đoạn làm suy yếu các truyền thống tôn giáo.

"AI Jesus" đã trở lại Phòng nghiên cứu thực tế nhập vai tại Đại học Khoa học ứng dụng và Nghệ thuật Lucernesau một thời gian ở một nhà thờ địa phương. (Trung tâm thực tế nhập vai, HSLU). Ảnh: koreaherald.com
Chúa Jesus AI tại nhà thờ Thụy Sĩ bị gọi là “báng bổ” hoặc “tác phẩm của quỷ dữ” trong các bình luận trực tuyến.
“Nói một cách đơn giản, đây là sự báng bổ và đi ngược lại Kinh thánh. Nó mang lại cảm giác xúc phạm. Đừng để đây là khởi đầu cho việc chấp nhận AI ở những nơi như thế này”, một du khách đã đăng trên Tripadvisor trong bài đánh giá của mình về Chúa Jesus AI tại nhà thờ Lucerne.
Phe đối lập tin rằng giáo sĩ AI thiếu tâm linh thực sự và thẩm quyền thiêng liêng và lo ngại rằng các dịch vụ do AI điều khiển có thể làm giảm sự thờ phượng.
Ngoài ra, còn có lo ngại rằng thông tin sai lệch và thiên kiến thần học có thể được tạo ra bằng công nghệ “không hoàn hảo”.
Giáo sư Nam Tek-Jin phát hiện trong nghiên cứu của mình rằng mọi người có xu hướng tin tưởng “mù quáng” vào những gì AI nói, có thể là vì niềm tin của họ phần lớn bị ảnh hưởng bởi mong muốn của họ.
Đức Giáo hoàng Francis cũng đã cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn của AI sau khi một bức ảnh giả về Ngài mặc một chiếc áo khoác phao màu trắng lớn lan truyền trên mạng. Gọi công nghệ này là “thú vị và gây mất phương hướng”, Đức Giáo hoàng đã thúc giục việc tạo ra một Điều ước quốc tế để đảm bảo việc sử dụng công nghệ AI một cách có đạo đức.
AI cũng gây chấn động vào năm 2017, khi anh Anthony Levandowski, cựu kỹ kỹ sư xe tự lái người Mỹ gốc Pháp, đồng sáng lập chương trình lái xe tự động của Google, ra mắt Tôn giáo mới, được gọi là Con đường của tương lai (Way of the Future - WOTF), tôn giáo này ủng hộ “sự nhận thức, chấp nhận và tôn thờ một vị Thần dựa trên AI được phát triển thông qua phần cứng và phần mềm máy tính”.
Mặc dù dịch vụ này đã kết thúc ngay sau khi ra mắt, cựu kỹ sư xe tự lái của Google Anthony Levandowski đã thông báo về sự hồi sinh của nhà thờ AI vào cuối năm 2023, cho biết nó đã thu hút được một giáo đoàn “vài nghìn người”. Ông tin rằng AI có tiềm năng mang lại “Thiên đường trên Trái đất”.

Video “Giáo lý Phật giáo ngày nay” do AI tạo ra được đăng trên kênh Youtube của chùa Bongeun.(Ảnh chụp màn hình từ kênh YouTube của chùa Bongeuntemple) Ảnh: koreaherald.com
Các giáo sĩ và kỹ sư tại Hàn Quốc đang tích cực thử nghiệm AI để khám phá tác động của nó đối với tôn giáo, nhận ra rằng đây là “xu hướng tất yếu” sẽ ổn định trong tương lai.
Với hy vọng phát triển AI như một hướng dẫn viên tâm linh để hỗ trợ các hoạt động tôn giáo hàng ngày, các nhà chức trách tôn giáo đang giới thiệu các ứng dụng hỗ trợ AI. Chúng bao gồm các bot tư vấn Phật giáo AI và các nhà sư AI cũng như các ứng dụng Cơ đốc giáo như Chowon, được đào tạo về Kinh thánh. Tổ đình Phụng Ân Tự (봉은사) tọa lạc tại 73 Samseong-dong, quận Gangnam-gu, thủ đô Seoul, Korea cũng đã sử dụng AI để tạo các đoạn video có hình đại diện giống như một vị giảng sư Phật học đang tuyên dương Diệu pháp Như Lai, truyền đạt triết lý đạo Phật từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do, bình đẳng.
Những ứng dụng di động kết hợp AI này cung cấp các buổi thuyết giáo hàng ngày và chạy các chatbot trả lời các câu hỏi từ những khó khăn cá nhân đến những mối quan tâm hiện sinh về sự sống và cái chết, dựa trên các giáo lý tôn giáo.
Ma Sang-uk, một mục sư và là người đứng đầu một viện nghiên cứu giáo dục AI, coi AI không phải là kẻ xâm nhập vào thế giới tâm linh, mà là một “thư viện sách nói”, một công cụ giáo dục và hướng dẫn tôn giáo.
Mục sư Ma Sang-uk nói: “Tôi tin rằng AI có thể mở rộng vào cõi tâm hồn, cung cấp tư vấn và phản hồi dựa trên các mô hình. Nhưng trong cõi tâm hồn, liên quan đến trực giác, tâm linh và các cuộc gặp gỡ với thần thánh, AI không có chỗ đứng”.
“AI thiếu những phẩm chất sâu sắc của con người cần thiết cho sự sáng tạo ở cấp độ cao hơn, những trải nghiệm tâm linh và khả năng yêu thương”.
Mục sư Ma Sang-uk nhấn mạnh rằng công nghệ này có nhiều khả năng trở thành công cụ hỗ trợ giáo sĩ hơn là thay thế họ, và các tôn giáo nên áp dụng công nghệ này để giáo dục thế hệ tương lai.
Giáo sư Nam Tek-Jin cho biết: “Cá nhân tôi không tin rằng mọi người sẽ tôn thờ công nghệ AI như một thực thể thiêng liêng. Nhưng AI có thể thực hiện một số vai trò của tôn giáo, bao gồm cung cấp hỗ trợ tâm linh và hạnh phúc”.
Ông nói thêm rằng AI có thể đóng vai trò là trung gian giữa các cá nhân và tín ngưỡng tôn giáo của họ.
“Những thay đổi mà AI sẽ mang lại cho thế giới sẽ đòi hỏi chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn và quản lý các yêu cầu đạo đức xung đột”, Venerable Boil tại Tổ đình Hải Ấn Tự (해인사), tỉnh Nam Gyeongsang, Korea cho biết. “Mối căng thẳng ngày càng tăng giữa đạo đức tôn giáo và luật pháp và các thể chế đại diện cho lợi ích của nguồn vốn và tập đoàn do AI thúc đẩy sẽ chỉ ngày càng gia tăng”.
Trong khi ý kiến vẫn còn phân tích, các cuộc thử nghiệm vẫn tiếp tục khi các cộng đồng tôn giáo tìm cách hiểu và thích nghi với công nghệ mới nổi.
Tác giả: Jo He-rim
Việt dịch: Thích Vân Phong
Nguồn: www.koreaherald.com