Từ chiến hào đến màn ảnh: Câu chuyện của một nhà đầu tư ngoại đồng hành với điện ảnh Việt
Không chỉ được biết đến là Chủ tịch Dragon Capital - một trong những công ty quản lý quỹ đầu tư lớn và gắn bó lâu năm với thị trường Việt Nam, ông Dominic Scriven còn khiến công chúng bất ngờ khi xuất hiện với vai trò đồng sản xuất bộ phim 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' (gọi tắt là 'Địa đạo'), một tác phẩm điện ảnh về chiến tranh Việt Nam đang lập kỷ lục doanh thu và đánh thức những cảm xúc sâu thẳm nơi khán giả Việt.
Là một người nước ngoài, từng học tiếng Việt, đam mê lịch sử và văn hóa Việt Nam, ông Dominic đã dành hơn 3 thập kỷ gắn bó với mảnh đất này. Việc đầu tư làm phim chiến tranh không chỉ thể hiện tình yêu của ông với Việt Nam, mà còn mở ra một góc nhìn mới về mối liên hệ giữa văn hóa, lịch sử và kinh doanh có trách nhiệm trong thời đại mới.

Ông Dominic Scriven trao đổi với đạo diễn phim Địa đạo
Điều gì đã đưa ông đến với dự án phim “Địa đạo”, một bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam? Ông nhận lời mời với tư cách đồng sản xuất trong hoàn cảnh nào?
Tôi là người đam mê lịch sử và văn hóa Việt Nam. Hồi mới sang Việt Nam đầu thập niên 90, tôi có đọc cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh. Tôi thực sự cảm động về tác phẩm và có cảm hứng về đề tài chiến tranh từ đó. Sau đó, tôi có gặp anh Bảo Ninh và đặt vấn đề làm phim. Trong suốt hơn mười mấy năm sau đó, tôi cố gắng tập hợp đủ nguồn lực để làm nhưng do quá tham vọng mà cuối cùng thất bại. Nguyên nhân thất bại thì có nhiều, nhưng nguyên nhân lớn nhất có lẽ là do không tìm được một đạo diễn đủ can đảm. Đạo diễn giỏi thì có nhiều, nhưng giỏi và dám nhận một tác phẩm như thế này để làm phim thì người ta cũng sợ nên né.
Cách đây hơn 2 năm, tôi có duyên gặp đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, nghe anh chia sẻ về dự án phim “Địa đạo”. Tôi thấy nội dung khá hay và đúng thời điểm. Anh Chuyên là một đạo diễn giỏi, với bộ phim nổi tiếng “Sống trong sợ hãi”. Cũng may là có một số cá nhân tâm huyết nữa kết hợp như anh Nam (FPT), chị Hoa (Galaxy), anh Trung Hà (Chứng khoán Thiên Việt)… Đặc biệt là chị Hoa, người có nhiều kinh nghiệm chuyên môn vì đang vận hành hệ thống cụm rạp chiếu phim Galaxy.
Nhưng là một nhà đầu tư tài chính, tại sao ông lại quyết định “dấn thân” vào lĩnh vực điện ảnh, đặc biệt là một bộ phim chiến tranh có chiều sâu lịch sử và cảm xúc như “Địa đạo”?
Có thể bạn sẽ bất ngờ, nhưng tôi luôn tin rằng đầu tư không chỉ là chuyện tiền bạc. Tôi không phải nhà làm phim chuyên nghiệp, nhưng với hơn 30 năm sống tại Việt Nam, tôi cảm nhận lịch sử đất nước này chứa đựng những câu chuyện đặc biệt cần được kể lại một cách chân thực, cảm xúc và đầy nhân văn.
“Địa đạo” là một trong số ít bộ phim khai thác chiều sâu tâm lý, nỗi đau, niềm tin và sự hy sinh của người Việt trong chiến tranh. Chúng tôi không làm phim để thương mại hóa lịch sử. Chúng tôi tham gia vì tin rằng bộ phim này cần được thực hiện. Khi được mời tham gia “Địa đạo”, tôi cảm thấy ngay rằng, đây không đơn thuần là một dự án điện ảnh, mà là một lời mời kể lại một câu chuyện mà Việt Nam xứng đáng được kể lại, một cách chân thực và xúc động. Tôi không thể từ chối một cơ hội kể chuyện về Việt Nam theo một cách mà thế giới cần phải biết.
Khi xem bộ phim lần đầu trên màn ảnh rộng, cảm xúc của ông ra sao?
Tôi thực sự xúc động, đặc biệt những cảnh trong lòng địa đạo, nơi mà con người gần như bị tước đoạt hết ánh sáng, sự sống, nhưng vẫn không mất đi lòng tin và nghị lực.
Trước khi công chiếu, tôi cũng có dịp mời một số bạn bè người nước ngoài xem phim (có phụ đề tiếng Anh) và gần như tất cả họ đều ấn tượng và xúc động. Hơn 120 phút của bộ phim thực sự đã chạm đến họ. Họ cảm động về hoàn cảnh gian khó ở trong một môi trường chật hẹp như ở địa đạo, về tinh thần quả cảm và sự hy sinh của người Việt Nam trong cuộc kháng chiến.
Là một người nước ngoài, ông cảm nhận thế nào về chủ đề chiến tranh Việt Nam qua lăng kính điện ảnh?
Tôi nghĩ, chiến tranh là một phần rất quan trọng trong căn tính Việt Nam hiện đại. Nhưng thay vì nói về chiến tranh bằng khẩu hiệu hay số liệu, tôi tin điện ảnh là cách hiệu quả để truyền tải ký ức – bằng cảm xúc, bằng nhân vật, bằng hình ảnh mà người xem có thể thấy chính mình trong đó.
Địa đạo là một lời tri ân bằng điện ảnh dành cho những người đã sống và chiến đấu dưới lòng đất vì tương lai trên mặt đất.
“Địa đạo” không hô hào, không phán xét, chỉ kể chuyện và chính điều đó khiến người xem bị cuốn vào.
Trong quá trình sản xuất phim, ông đã tham gia và đóng góp theo những cách cụ thể nào?
Tôi tham gia với tư cách nhà đầu tư đứng đằng sau hỗ trợ. Nhóm sản xuất không can thiệp vào nghệ thuật vì chúng tôi tin vào đạo diễn và ekip làm phim. Nhưng chúng tôi góp phần làm sao để câu chuyện ấy được lan tỏa, đúng cách và đến đúng người. Chúng tôi thực sự ấn tượng và đánh giá cao tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm và chuyên nghiệp của ekip làm bộ phim này.
Sau khi phim ra mắt và gây được tiếng vang mạnh mẽ, ông nhận thấy khán giả, đặc biệt là giới trẻ, đón nhận bộ phim như thế nào?
Tôi rất vui khi thấy nhiều bạn trẻ đến rạp xem “Địa đạo”, không phải vì tò mò, mà vì thật sự muốn hiểu về quá khứ của đất nước mình. Rất nhiều người sau khi xem đã chia sẻ những dòng cảm xúc sâu sắc. Tôi nghĩ điện ảnh đã làm được điều mà sách giáo khoa khó có thể làm, đó là khiến người ta không chỉ hiểu, mà còn cảm được lịch sử.
Các ông có kế hoạch quảng bá bộ phim này ra nước ngoài?
Sau khi bộ phim được công chiếu ở Việt Nam, chúng tôi và cả đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng đang có kế hoạch để đưa bộ phim “Địa đạo” tham gia các liên hoan phim quốc tế trong thời gian tới để quảng bá đến các khán giả ở nước ngoài. Mà không chỉ riêng bộ phim này, đây cũng là cơ hội để quảng bá năng lực làm phim của Việt Nam, quảng bá văn hóa, lịch sử của Việt Nam ra thế giới.
Với “Địa đạo”, ông có xem đây là một khoản đầu tư tài chính, cảm xúc hay văn hóa?
Tôi không kỳ vọng thu lợi tài chính từ bộ phim này, mặc dù thành công của nó thật sự rất ấn tượng. Đối với tôi, “Địa đạo” là một khoản đầu tư cảm xúc và văn hóa. Tôi tin vào sức mạnh mềm và văn hóa chính là nền tảng của sự hiểu biết, đoàn kết và phát triển dài hạn. Nếu có thêm cơ hội phù hợp, tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành với các dự án mang chiều sâu văn hóa Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam và tôi tin văn hóa là một cách bền vững để đầu tư vào tương lai đất nước này.
Nếu chọn một thông điệp từ “Địa đạo” mà ông muốn gửi đến khán giả Việt Nam hôm nay, đó sẽ là gì?
Đừng bao giờ quên những gì đã tạo nên nền hòa bình hôm nay và hãy trân trọng từng giá trị nhỏ nhất của đất nước này. “Địa đạo” là một bộ phim về lòng dũng cảm, nhưng cũng là một bộ phim về tình người. Tôi hy vọng mỗi người khi bước ra khỏi rạp sẽ mang theo không chỉ những hình ảnh xúc động, mà cả suy ngẫm sâu sắc về lịch sử, hiện tại và tương lai. Nói cách khác, “Địa đạo” là một lời tri ân bằng điện ảnh dành cho những người đã sống và chiến đấu dưới lòng đất vì tương lai trên mặt đất.
Tên phim: Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối
Tên tiếng Anh: Tunnel: Sun in the Dark
Thể loại: Lịch sử - Chiến tranh - Chính kịch
Thời lượng: 128 phút
Ngôn ngữ: Tiếng Việt, phụ đề tiếng Anh
Đạo diễn & Biên kịch: Bùi Thạc Chuyên (đạo diễn kiêm biên kịch, ấp ủ dự án suốt hơn 10 năm kể từ sau phim ngắn 3D về địa đạo Củ Chi năm 2014).
Nhà sản xuất: HKFilm, Galaxy Play, Galaxy EE, PV2 Investment JSC, Toka Studio, Galaxy Studio (phát hành)
Các nhà đầu tư tiêu biểu: ông Dominic Scriven (Chủ tịch Dragon Capital), ông Nguyễn Thành Nam (nguyên Tổng giám đốc FPT), bà Định Thị Hoa (Chủ tịch Galaxy), ông Nguyễn Trung Hà (Chủ tịch Chứng khoán Thiên Việt)
Diễn viên: Thái Hòa (vai Bảy Theo), NSƯT Cao Minh và các diễn viên điện ảnh trẻ có nghề như Quang Tuấn, Hồ Thu Anh, Diễm Hằng Lamoon…
Nội dung: Lấy bối cảnh sau trận càn Cedar Falls năm 1967, phim kể về đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông, Củ Chi. Họ nhận nhiệm vụ bảo vệ nhóm thông tin tình báo chiến lược và địa đạo trước sự xâm nhập của quân đội Mỹ, phản ánh tinh thần quả cảm và sự hy sinh của người Việt trong chiến tranh.
Thời gian sản xuất: Chuẩn bị: 1 năm
Khởi quay: Từ cuối tháng 2 đến tháng 5 năm 2024 tại Củ Chi.
Công chiếu: Công chiếu trên toàn quốc từ 4/4/2025 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Doanh thu (tính đến 28/4/2025): Hơn 162 tỷ đồng, đạt doanh thu kỷ lục từ trước tới nay về dòng phim chiến tranh.
Âm nhạc: Nhạc nền: Clovis Schneider
Ca khúc chủ đề: Mặt trời trong bóng tối - sáng tác bởi Hứa Kim Tuyền, trình bày bởi Cao Minh và Diễm Hằng Lamoon