Kêu gọi đầu tư vào non thiêng Bạch Mã: Mở cửa phát triển nhưng không bất chấp - Kỳ 1: Mở ra cơ hội cho Bạch Mã
Từng có nhiều ý tưởng 'đánh thức' Bạch Mã được đặt ra và thu hút các nhà đầu tư quan tâm, nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn không thể triển khai.


Nhìn từ Sapa (Lào Cai), Bà Nà (Đà Nẵng)… nhiều người tỏ ra lo lắng cho Bạch Mã cũng đúng. Nếu không đầu tư để khai thác thì quá tiếc bởi tiềm năng vô cùng to lớn. Nhưng nếu không được nghiên cứu thận trọng, đầu tư một cách bài bản, khoa học thì sẽ đánh đổi, để lại những hệ lụy lâu dài.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc thông báo cho thuê rừng phát triển du lịch ở Bạch Mã này dựa trên Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí VQG Bạch Mã giai đoạn 2024 - 2030” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) phê duyệt. Cụ thể, quy hoạch 12 điểm tổ chức du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với diện tích hơn 2.500ha; 14 tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí với tổng diện tích hơn 1.650 ha, tổng chiều dài các tuyến là 182,49km. Quy hoạch ở các điểm, tuyến du lịch này sẽ có các phân khu dịch vụ - hành chính, phục hồi sinh thái, bảo vệ nghiêm ngặt.
Thông báo của VQG Bạch Mã chỉ rõ việc cho thuê môi trường rừng để kinh doanh với 15 tuyến/điểm du lịch, như: điểm du lịch đỉnh núi Bạch Mã, chân núi Bạch Mã, Khe Ao, khe Su, thác Phướn, thác Mơ, Chà Măng - Thượng Nhật, Nhị Hồ; tuyến Trung tâm Du khách VQG Bạch Mã - Bạch Vân Tự - Địa đạo Bạch Mã - Hải Vọng Đài; tuyến Trung tâm du khách VQG Bạch Mã - Km 8 - Thác Trĩ Sao - Hồ Truồi… với diện tích hơn 2.500ha.
Theo lãnh đạo VQG Bạch Mã, đề án này hướng tới phát huy tiềm năng, lợi thế và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của VQG Bạch Mã. Ngoài ra, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, cũng như bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường, giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, danh thắng và tri thức bản địa…

Mục tiêu cụ thể được xác định là góp phần từng bước tự chủ về tài chính thông qua nguồn thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ; phấn đấu đến năm 2030 và các năm tiếp theo, lượng khách tham quan hàng năm đạt trên 300.000 lượt tại các điểm và tuyến du lịch trong vườn, với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15%; doanh thu từ du lịch đạt từ 100 - 150 tỷ đồng.
Ngoài ra, đề án xác định đến năm 2030 thu hút được 5 - 10 nhà đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa để kinh doanh phát triển du lịch dịch vụ tại VQG Bạch Mã; tạo việc làm cho 150 đến 300 lao động trực tiếp, 300 đến 600 lao động gián tiếp; nâng cao trình độ cho 150 đến 300 người trong lĩnh vực du lịch... góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao sinh kế cho người dân.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQG Bạch Mã cho hay, theo quy trình, nhà đầu tư quan tâm phải lập hồ sơ đăng ký thuê môi trường rừng, sau khi được chọn phải lập dự án đầu tư.

Nhiều người yêu Bạch Mã tỏ ra vừa mừng, nhưng cũng vừa canh cánh nỗi lo cho “Đà Lạt giữa lòng miền Trung”. Nỗi lo ấy hiện hữu bởi từng có nhiều địa danh tương tự như Bạch Mã đã rơi vào cảnh đô thị hóa, bê tông hóa, phá hỏng cảnh quan sinh thái, sai mục đích quy hoạch… Nói về nỗi lo này, người đứng đầu VQG Bạch Mã cũng bày tỏ, chính bản thân ông cũng rất lo lắng. Tuy nhiên, theo ông Linh đây là mô hình mới bởi cơ hội sẽ mở ra, vấn đề là quá trình triển khai cần phải cẩn trọng.


Theo các tiêu chí chấm điểm tại hướng dẫn hồ sơ kỹ thuật đăng ký thuê môi trường rừng, VQG Bạch Mã khuyến khích các nhà đầu tư có hiệu suất đầu tư cao (đầu tư xây dựng ít nhưng đem lại doanh thu cao); có phương án đầu tư, xây dựng phù hợp với đề án được duyệt, hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến rừng, có khả năng đem lại nguồn thu tốt nhất cho vườn và địa phương. Đặc biệt, các quy định mang tính nguyên tắc là chỉ được xây dựng các công trình ở những nơi đất chưa có rừng hoặc các khoảng trống dưới tán rừng. Điều này sẽ hạn chế việc ảnh hưởng tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng hiện có khi cho phép làm du lịch sinh thái.


Ông Linh cũng chỉ rõ những nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại VQG Bạch Mã; phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về lâm nghiệp, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, văn hóa, du lịch và các quy định của pháp luật khác có liên quan; phù hợp với chiến lược quốc gia, quy hoạch ngành và địa phương về phát triển du lịch, lâm nghiệp, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, không ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, không chặt phá rừng; các công trình xây dựng phải dựa vào thiên nhiên, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Ngoài ra, không làm mất quyền sở hữu của Nhà nước về rừng, tài nguyên thiên nhiên trên mặt đất và dưới lòng đất; không làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử - văn hóa…

Đây là giai đoạn ban đầu xây dựng hồ sơ đăng ký để thuê môi trường rừng chứ chưa phải lập dự án đầu tư. Sau khi VQG Bạch Mã nhận các hồ sơ, khi đó mới tiến hành xem xét, lập báo cáo chi tiết về từng dự án và sẽ lấy ý kiến rộng rãi.

VQG Bạch Mã căn cứ hồ sơ đăng ký của tổ chức, cá nhân để tổ chức đánh giá nhằm lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng bảo đảm theo tiêu chí của hồ sơ kỹ thuật. Tiếp đó tiến hành thực hiện kiểm kê, thống kê hiện trạng rừng theo trạng thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng để làm căn cứ bàn giao mốc giới, hiện trạng và quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.
Khi nhà đầu tư đã được lựa chọn ký hợp đồng thuê môi trường rừng sẽ thực hiện các thủ tục pháp lý để lập và triển khai dự án theo quy định của pháp luật hiện hành tiến hành thủ tục về bảo vệ môi trường; lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; làm các thủ tục xin giấy phép xây dựng. Ngoài ra, khi vận hành khai thác dự án đảm bảo các điều kiện cần thiết theo quy định pháp luật hiện hành liên quan đến an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường…

“Việc triển khai hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng đã được quy định rất chặt chẽ bởi các văn bản pháp luật có liên quan. Đòi hỏi chủ rừng và các cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi tổ chức khảo sát, lập hồ sơ đăng ký thuê môi trường rừng và lập, triển khai thực hiện các dự án đầu tư ở trong rừng đặc dụng theo đúng quy định”, ông Linh khẳng định.

