Từ câu chuyện dao cắt khoai tây nhìn về mối liên kết công - tư trong nghiên cứu khoa học

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, doanh nghiệp và viện nghiên cứu phải tích cực liên kết với nhau, cùng đưa các công trình nghiên cứu đi vào thực tiễn.

“Ngay cả con dao cắt khoai tây, chúng ta cũng phải nhập khẩu”

Đây là tâm tư được một doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc mang tới "Diễn đàn kết nối các sản phẩm khoa học và công nghệ ngành nông nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân", do Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì trong chiều ngày 10/7, tại Hà Nội.

Chủ doanh nghiệp nói rằng bên anh chuyên sản xuất khoai tây, nhưng anh vô cùng đau lòng khi chứng kiến thực trạng khoai tây Việt Nam càng trồng càng lỗ, vì nước ta thiếu khâu chế biến. Theo đó, khoai tây Việt Nam hiện chỉ để nấu ăn, dùng cho các bếp ăn công nghiệp, trong khi khoai tây dùng cho nhà hàng khách sạn, làm BBQ,…100% là nhập khẩu. Nếu khoai nhập về giá ít nhất 50.000 đồng/kg thì nông dân Việt Nam trồng ra chỉ bán được vài nghìn đồng/kg.

“Nhỏ như con dao răng cưa để chế biến khoai tây, mà chúng tôi tìm không ra suốt mấy tháng nay. Như thế làm sao chúng ta cạnh tranh được? Chúng tôi rất mong các nhà khoa học chủ động liên lạc với chúng tôi, để chúng ta đẩy mạnh khâu chế biến”, vị này cho biết.

Tại diễn đàn, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác với các viện nghiên cứu.

TS. Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu mong muốn nhà khoa học trong nước có thể giúp ông giải quyết 2 vấn đề: Một là phát triển giống đậu tương rau nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong khi nguồn giống nội địa có sự hạn chế.

Hai là phát triển công nghệ giúp nước trái cây (nước cam, nước bưởi,…) không bị tách nước, có thể bảo quản ở nhiệt độ thường với thời gian dài hơn, tiện lợi cho quá trình vận chuyển. Công nghệ này đã được phát triển mạnh trên thế giới, vài năm gần đây Trung Quốc cũng làm được nhưng Việt Nam vẫn còn nhen nhóm.

“Tôi đề xuất xây dựng một không gian, diễn đàn để bà con nông dân, doanh nghiệp đưa ra ý tưởng, các nhà khoa học có thể căn cứ vào đó để nghiên cứu. Ở chiều ngược lại, khi nghiên cứu được triển khai, công bố trên cơ sở dữ liệu đó, nông hộ có thể tìm hiểu thông tin, chủ động tiếp cận”.

“Thực tế người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà với kết quả nghiên cứu nói chung do thụ hưởng của người dân và doanh nghiệp chưa cao. Cần minh bạch hóa về tính thẩm định của hệ thống tiêu chuẩn, để khi sản phẩm đưa ra thị trường có thể giúp doanh nghiệp tăng giá trị sản phẩm và người dân thụ hưởng đúng với chất lượng”, ông Hưng nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty San Hà, doanh nghiệp có bề dày hàng chục năm trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm, cũng nói rằng muốn đặt hàng các nhà khoa học, song chưa biết rõ Viện nào, khoa học gia nào.

“Thay vì phải mua 70.000 con giống hay gia súc, gia cầm từ nước ngoài, San Hà thực sự mong muốn nhà khoa học Việt Nam sản xuất được từ trong nước. Mua sản phẩm nước ngoài thì phụ thuộc vào nhà phân phối, đây là điều bất cập", bà Ngọc Hà bày tỏ.

Sản phẩm khoa học công nghệ đi vào cuộc sống

Thực tế trong vòng 20 năm trở lại đây, nhiều nghiên cứu, sản phẩm khoa học đã được các viện nghiên cứu chuyển giao cho doanh nghiệp và mang lại hiệu quả tích cực.

GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nói rằng, từ trước năm 2000, Việt Nam dùng giống lúa của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế IRRI. Song sau đó, phần lớn giống lúa Việt Nam đều được nội địa hóa, năng suất bình quân 10 tấn/ha. Năng suất, chất lượng cải thiện nên giá lúa xuất khẩu tăng từ khoảng 300 USD lên hơn 600 USD/tấn.

“Viện cũng có nhiều hình thức đổi mới, mong muốn doanh nghiệp cùng tham gia như việc doanh nghiệp đầu tư liên kết từ đầu, để các nhà nghiên cứu làm ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện có 18/106 giống theo mô hình này. Có 8 giống được đầu tư từ đầu. 10 giống là được đầu tư trong lúc đang nghiên cứu”, GS.TS. Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Về phía doanh nghiệp, bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed) nói rằng, từ năm 2006 đến nay, Vinaseed đã phối hợp với các viện nghiên cứu công lập để chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất. Theo bà Liên, những giống mới này chiếm khoảng 50% cơ cấu doanh thu của công ty.

“Hợp tác công - tư là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, kết nối nghiên cứu với thị trường”, Chủ tịch HĐQT Vinaseed Trần Kim Liên khẳng định.

Mở rộng góc nhìn về hợp tác công - tư trong nông nghiệp, bà Liên thông tin, ở các nước đang phát triển của châu Á, trung bình doanh nghiệp đầu tư vốn từ 50-70%, trong khi Nhà nước đầu tư khoảng 30-50%. Với xu thế này, doanh nghiệp Vinaseed mong muốn tham gia sâu hơn trên toàn chuỗi giá trị sản xuất cây trồng, từ mua bản quyền, chuyển giao, khảo nghiệm giống, đến đưa vào sản xuất và đầu tư công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch.

Bà cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tuyển chọn các ý tưởng từ các viện, trường. Dựa trên cơ sở khoa học, công nghệ, xác định các danh mục đầu tư cụ thể, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị.

Nghiên cứu khoa học bắt đầu từ những việc nhỏ

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, sau khi lướt một vòng các website để tìm hiểu, ông không thấy viện nào đưa các sản phẩm lên quảng bá.

“Thị trường là đi quảng cáo. Sản phẩm mới ra đời, mà không làm rần rần lên sao được”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu vấn đề.

Ông lưu ý các nhà khoa học về việc: “Mình nghĩ mình đam mê, mọi người cũng đam mê. Không phải vậy. Tôi vẫn muốn nhấn mạnh, con người ngày nay bị chi phối bởi vô số thông tin, nếu không truyền thông tốt, thì người ta không biết tới sản phẩm của mình”.

Vị tư lệnh ngành nông nghiệp cũng gửi tới toàn bộ Diễn đàn bức ảnh do đích thân ông chụp một câu châm ngôn tại một viện nghiên cứu ở Bỉ: “Khoa học gặp gỡ cuộc sống”. Ông cũng dẫn chứng slogan của GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam: “Khoa học bén rễ tới đâu, chuyển giao cho nông dân tới đó”.

Do đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các viện nghiên cứu khoa học cần có mối liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và người nông dân. Các nhà khoa học cần bỏ tư duy không biết thị trường thế nào, cứ nghiên cứu rồi Nhà nước mua lại.

“Chúng ta nghiên cứu cái gì cũng phải theo thị trường. Mọi sự thay đổi thị trường, doanh nghiệp là người đầu tiên biết. Giống như vị mặn, vị ngọt trong nước thì con tôm, con cá cảm nhận được đầu tiên. Nhà nước sẽ luôn đi sau doanh nghiệp trong vấn đề này. Vì sao? Vì thị trường chính là hơi thở, là sức khỏe của doanh nghiệp”, ông nói.

Nếu viện nghiên cứu chỉ đứng một mình, thì không hiểu thị trường, và đây là lúc viện nghiên cứu cần doanh nghiệp. Mối hợp tác liên kết giữa viện nghiên cứu và doanh nghiệp, vì thế, có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều so với chỉ một từ “vốn”.

“Đừng nghĩ chúng ta là nhà khoa học, rồi thì doanh nghiệp này nhỏ, doanh nghiệp kia siêu nhỏ, chúng ta không gặp. Không phải thế, chúng ta ngồi ở đây làm quốc sự, giúp cho nông dân và ngành nông nghiệp đi lên. Doanh nghiệp chính là yếu tố giúp cho viện, cho nhà khoa học hiểu thị trường cần gì, nghiên cứu gì”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ.

Ông cũng nhớ lại câu chuyện cách đây không lâu, một vị doanh nhân ngành nông nghiệp gửi cho ông một cái bao tay vốn được dùng khi phụ nữ cắt ớt. Điều này làm ông liên tưởng đến quê nhà, nơi nhiều phụ nữ nông dân bấm ớt bằng tay, bên cạnh phải có mấy xô nước.

“Khoa học có những cái cao siêu, nhưng cũng có những cái nho nhỏ - song giúp ích cho hàng triệu phụ nữ. Một sản phẩm thế thôi, giúp cho biết bao người từ Lào Cai đến tận miền Nam”.

“Tôi muốn khuyến khích các viện nghiên cứu về “giải pháp hữu ích”. Hãy nghĩ tới bà con nông dân, nghĩ làm sao cho họ bớt vất vả. Đó cũng là gợi ý với các nhà khoa học, hãy bước ra gặp nông dân, nghe họ nói thôi cũng có vô số ý tưởng”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắn nhủ.

Tại Diễn đàn, dưới sự chứng kiến của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu đã tiến hành ký kết hợp tác trong việc chuyển giao công nghệ thuộc các nhóm lĩnh vực: Trồng trọt - bảo vệ thực vật; lâm nghiệp; thủy sản; cơ điện - công nghệ sau thu hoạch; thủy lợi - phòng chống thiên tai.

Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ mới được giới thiệu tại không gian trưng bày của diễn đàn như: giống cây trồng, vật nuôi mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, các bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích… có thể chuyển giao ngay cho doanh nghiệp và người dân.

Nhung Bùi

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tu-cau-chuyen-dao-cat-khoai-tay-nhin-ve-moi-lien-ket-cong---tu-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-d219728.html
Zalo