Đất hiếm khuấy động thị trường, lý do đến từ Myanmar
Giá đất hiếm đã trở lại thành tâm điểm của thị trường khi bất ngờ tăng vọt từ đầu tháng 11 này. Theo Global Times, nguyên nhân là nguồn cung bị gián đoạn ở Myanmar khiến thị trường trở nên khan hiếm, trong khi nhu cầu ngày càng tăng.
Tại Trung Quốc - thị trường cung cấp đồng thời là nơi tiêu thụ phần lớn đất hiếm cho thế giới - một số nhà sản xuất đã tăng giá sau khi chứng kiến giá đất hiếm niêm yết tăng trong tháng 9 và tháng 10/2024.
Ngày 1/11, Công ty Inner Mongolia Baotou Steel Rare-Earth công bố giá niêm yết đất hiếm cho tháng 11/2024.
Theo đó, một số sản phẩm tăng giá nhẹ, chẳng hạn như praseodymium neodymium oxide, thường được viết tắt là PrNdO.
Ông Wu Chenhui, một nhà phân tích công nghiệp độc lập theo dõi chặt chẽ ngành công nghiệp đất hiếm, cho biết, Myanmar chiếm hơn 50% nguồn cung đất hiếm nặng toàn cầu.
"Cuộc chính biến tại Myanmar đã khiến nhiều khu mỏ khai thác đất hiếm bị đóng cửa, khiến nguồn cung giảm. Nước này chủ yếu sản xuất các quặng ion đất hiếm nặng và trung bình, chiếm 11% sản lượng toàn cầu vào năm 2023", ông Wu Chenhui nói.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ tháng 1-9/2024, nước này đã nhập khẩu 31.000 tấn oxit đất hiếm từ Myanmar, chiếm 74,9% tổng lượng oxit nhập khẩu trong cùng kỳ.
Một báo cáo nghiên cứu được Huatai Securities công bố cho biết, việc Myanmar đình chỉ các hoạt động khai thác, cùng với những hạn chế về môi trường đối với nguồn cung đất hiếm vừa và nặng trong nước, có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguyên liệu này.
Ông Wu Chenhui nhận thấy, trong hai đến ba năm tới, cơ cấu sản xuất đất hiếm dự kiến không thay đổi đáng kể và Trung Quốc tiếp tục chiếm hơn 60% nguồn cung toàn cầu. Triển vọng này khiến giá đất hiếm dự kiến sẽ tăng đều đặn đến một ngưỡng bền vững hơn.