Từ bộ phim chưa từng công bố về ngày 30/4/1975, nhớ về tình cảm chí nghĩa chí tình của bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam
Sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế đã trở thành một phần của lịch sử kháng chiến chống xâm lược của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như vì hòa bình, lẽ phải và công lý trên thế giới. Cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng có sự ủng hộ to lớn của bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình.
Từ món quà ý nghĩa nhân 50 năm đất nước Việt Nam thống nhất
Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã tổ chức lễ trao tặng bộ phim tài liệu “Victory Vietnam” (Chiến thắng của Việt Nam) do đạo diễn người Thụy Điển Bo Öhlén thực hiện.

Hình ảnh người dân Thụy Điển vui mừng trong ngày 30/4/1975 trong bộ phim tài liệu “Victory Vietnam”.
Sau gần 50 năm, bộ phim với những hình ảnh lịch sử về ngày 30/4/1975 tại Stockholm khi người dân Thụy Điển tưng bừng xuống đường ăn mừng chiến thắng của nhân dân Việt Nam- bất ngờ được tìm thấy trong kho lưu trữ của Thư viện Hoàng gia Thụy Điển vào năm ngoái và được khôi phục để trao tặng cho Việt Nam. "Victory Vietnam không chỉ ghi lại lịch sử mà còn thể hiện tình hữu nghị sâu sắc giữa hai dân tộc. Bộ phim là biểu tượng nhân văn về hòa bình, đoàn kết quốc tế và hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai"- không phải vô cớ Đại sứ Thụy Điển Johan Ndisi nhấn mạnh như vậy trong buổi lễ trao tặng phim.
Trong các nước phương Tây, Thụy Điển nổi lên như một tấm gương sáng chói về tình đoàn kết vô tư, nhiệt thành với Việt Nam, luôn là người bạn ủng hộ Việt Nam ngay cả ở những thời điểm khó khăn nhất, mạnh nhất, sớm nhất. Tháng 10/1968, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lập Phòng Thông tin tại Stockholm. Ngày 11/1/1969, ở đỉnh điểm của cuộc chiến tranh tại Việt Nam, Chính phủ Thụy Điển trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, lập Đại sứ quán ở Hà Nội và triển khai chương trình viện trợ chính thức cho đất nước hình chữ S. Cũng trong những giờ phút khó khăn nhất của cuộc chiến tranh những năm 1972-1973, nhân dân Thụy Điển đã rầm rộ xuống đường đòi chấm dứt chiến tranh, ký Hiệp định Paris về Việt Nam.

Thủ tướng Olof Palme từng dẫn đầu các đoàn biểu tình chống chiến tranh Việt Nam.
Chống chiến tranh ủng hộ Việt Nam cũng đã trở thành khẩu hiệu tranh cử của nhiều đảng chính trị lớn ở Thụy Điển lúc bấy giờ. Ngày 14/12/1974, tại Stockholm, Thủ tướng Olof Palme – người từng dẫn đầu các đoàn biểu tình chống chiến tranh Việt Nam- và những người lãnh đạo Đảng Cộng sản và một số đảng cánh tả của Thụy Điển đã ra Thông cáo chung tố cáo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu phá hoại Hiệp định Paris.
Trước đó, hồi tháng 4/1974, trong buổi chiêu đãi chào mừng Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm Thụy Điển, Thủ tướng Olof Palme đã bày tỏ lòng khâm phục của Chính phủ và nhân dân Thụy Điển đối với nhân dân Việt Nam. Ông nhấn mạnh: “một dân tộc, bằng lòng dũng cảm và sự kiên cường của mình, đã dẫn dắt cả một thế giới tiến lên trên con đường của lương tâm chính trị”.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thống nhất đất nước của nhân dân ta toàn thắng vào ngày 30/4/1975, hàng trăm nghìn người dân Thụy Ðiển đã đổ ra đường ăn mừng và biến ngày 1/5/1975 thành Ngày hội của Chiến thắng- đó cũng là những khoảnh khắc rất đặc biệt của lịch sử đã được đạo diễn Bo Öhlén thực hiện trong bộ phim tài liệu “Victory Vietnam” vừa được công bố.
Mãi mãi trân trọng, yêu quý và khắc ghi

Cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam của phụ nữ London, 1967.
Cách đây 6 năm, một cuộc triển lãm đặc biệt với tên gọi “Nhật ký hòa bình” đã khai mạc tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò. Triển lãm là câu chuyện về thời kỳ đấu tranh hào hùng của dân tộc Việt Nam (1945 – 1975) và cũng là lời cảm ơn gửi tới bạn bè quốc tế- những người đã luôn sát cánh, đấu tranh cho hòa bình của đất nước Việt Nam.

Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam ở Anh (ngày 4-7-1969). Ảnh: Press Photo
Từ những thông tin, hình ảnh từ cuộc triển lãm, thế hệ hôm nay có cơ hội biết được rằng trong những năm tháng chiến tranh ấy, đã có làn sóng phản chiến dữ dội ngay trong lòng nước Mỹ cũng như tại nhiều nước; đã có một tình yêu hòa bình luôn âm ỉ cháy trong lòng nhân dân tiến bộ, đã có những người lính phản chiến, sinh viên xuống đường biểu tình, yêu cầu chấm dứt cuộc chiến tranh ở Việt Nam...

Chủ tịch Cuba Fidel Castro với các chiến sỹ đoàn Khe Sanh, Quân Giải phóng Trị Thiên Huế trong chuyến thăm vùng giải phóng Quảng Trị, ngày 15/9/1973. Ảnh tư liệu: TTXVN
Còn cách đây 10 năm, trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Vũ Xuân Hồng- khi đó là Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã từng nhấn mạnh:Có thể nói phong trào nhân dân thế giới ủng hộ và bảo vệ Việt Nam đã có ngay từ khi đế quốc Mỹ bắt đầu can thiệp vào Việt Nam. Nòng cốt của các phong trào này từ nhân dân Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Các phong trào này đã phát triển tạo nên mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, chưa từng có trong lịch sử thế kỷ 20.
Phong trào đó phát triển rộng khắp ở tất cả các châu lục, bao gồm các tầng lớp nhân dân, từ những người dân thường đến trí thức, từ người già đến người trẻ, sinh viên, nhà báo, kể cả những chính khách ở các nước tư bản lúc bấy giờ. Ở mỗi nước có một lực lượng nòng cốt gọi là nhóm đoàn kết với Việt Nam.
Ở mỗi châu lục đều có sự liên kết tạo thành một mạng lưới, cả thế giới liên minh lại thành một mặt trận có thể nói là “nhất hô bá ứng”, đồng hành với từng chiến dịch, từng giai đoạn phát triển và từng đà thắng lợi của nhân dân Việt Nam.
“Chúng ta không bao giờ quên những các phong trào như Áo ấm cho Việt Nam, Xe đạp cho Việt Nam, Tủ thuốc cho Việt Nam. Không bao giờ chúng ta quên những lời nói bất hủ đã tạo thành động lực, không những động viên nhân dân Việt Nam mà còn tạo thành khẩu hiệu để tập hợp nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam như câu nói của Chủ tịch Fidel Castro: “Vì Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Và ở Ấn Độ lúc bấy giờ đi đâu cũng thấy một câu nói: “Tên tôi là Việt Nam, tên anh là Việt Nam, tên chúng ta là Việt Nam. ”- ông Vũ Xuân Hồng nhấn mạnh.
Tình đoàn kết, sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh đầy vinh quang vì độc lập dân tộc là những điều Việt Nam mãi trân trọng. Như khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với bạn bè quốc tế – các lực lượng tiến bộ, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các tổ chức nhân đạo và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới – đã đồng hành, giúp đỡ và ủng hộ Việt Nam trong suốt những năm tháng đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp tái thiết và phát triển đất nước sau chiến tranh. Tình cảm và sự hỗ trợ chí nghĩa, chí tình, vô tư trong sáng đó sẽ mãi mãi được nhân dân Việt Nam trân trọng, yêu quý và khắc ghi trong trái tim mình”.