Phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc - mục tiêu, quyết tâm của toàn Đảng và ý nguyện, khát vọng của người dân Việt Nam

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đưa ra các luận điệu xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng ta về việc đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Cần nhận diện rõ các luận điệu sai trái, thù địch đó; đồng thời, làm rõ nội dung liên quan, nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhận diện các luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, chống phá chủ trương của Đảng về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Ngày 13-8-2024, phát biểu tại cuộc họp thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, Đại hội XIV của Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi mang tính thời đại; thời cơ, thuận lợi đi liền với nguy cơ, thách thức. Với thế và lực đã tích lũy được sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, với thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Việt Nam hội tụ đủ điều kiện cần thiết để chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới. Do đó, “cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung các văn kiện”(1). Đây là chủ trương định hướng cho việc xây dựng các văn kiện Đại hội XIV của Đảng, nhất là việc đổi mới nội dung, hình thức các văn kiện cho phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới.

Đặc biệt, ngày 20-9-2024, trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, đề cập về công tác chuẩn bị nội dung dự thảo các văn kiện, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định sự thống nhất của Trung ương khi đánh giá về thế và lực của đất nước sau 40 năm đổi mới: “Với thế và lực đã tích lũy được sau 40 năm đổi mới, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, với những thời cơ, thuận lợi mới, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, chúng ta đã hội tụ đủ những điều kiện cần thiết và Văn kiện Đại hội XIV phải đề ra được định hướng chiến lược, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để giải phóng toàn bộ sức sản xuất, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, lấy nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là nền tảng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc Việt Nam”(2).

Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thời điểm khởi đầu là Đại hội XIV của Đảng. Từ chủ trương đúng đắn, thể hiện quyết tâm cao của Đảng ta, các thế lực thù địch, phản động tỏ thái độ hằn học, liên tục đưa ra luận điệu chống phá, hòng xuyên tạc chủ trương của Đảng ta. Có thể nhận diện luận điệu chống phá của các thế lực phản động, thù địch ở các vấn đề chủ yếu sau:

Một là, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội hay trên các trang báo điện tử của các trung tâm truyền thông nước ngoài sử dụng tiếng Việt, các thế lực thù địch rêu rao rằng “kỷ nguyên vươn mình dân tộc Việt Nam là mù mờ, mị dân, hoang tưởng, không có căn cứ trong thực tiễn nên không thể thực hiện được”, “hô hào khẩu hiệu”....

Hai là, chúng quy chụp rằng, quan điểm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam mang tính chủ quan. Thậm chí, có phần tử cơ hội chính trị còn mỉa mai việc cơ quan, bộ, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức hội nghị, hội thảo để khẳng định, lan tỏa những vấn đề lý luận, thực tiễn về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là “đánh chống khua chiêng”, “tát nước theo mưa”!

Những nhận thức nêu trên là phiến diện, sai lầm gây xáo trộn về tư tưởng, niềm tin, ý chí trong một số cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm của các thể lực thù địch trong bối cảnh năm 2025 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, khi cả dân tộc bước vào giai đoạn “tăng tốc về đích”, cần tập trung mọi nguồn lực, phát huy động lực để hoàn thành mục tiêu đề ra. Các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch có thể tác động đến nhận thức, tư tưởng, ý chí, niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân nên rất cần có luận cứ đấu tranh xác đáng, thuyết phục.

Thống nhất ý chí trong toàn Đảng, toàn dân về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Kỷ nguyên là một khái niệm mang tính phân kỳ lịch sử, dựa trên sự kiện, dấu mốc có tính bước ngoặt. Đây là một thời kỳ phát triển mới, tạo ra thay đổi căn bản, toàn diện. Kỷ nguyên mới của dân tộc là thời kỳ phát triển mới trong tiến trình lịch sử mà ở đó, mục tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện, đã hoàn thành, sẽ tạo ra bước ngoặt cho tiến trình phát triển để dân tộc bước vào một thời kỳ phát triển mới. Với hàm nghĩa này, từ thế kỷ XX đến nay, có thể nhận định Việt Nam đã có hai sự kiện mang tính bước ngoặt: kỷ nguyên độc lập dân tộc được đánh dấu bằng thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kỷ nguyên đổi mới đất nước được ghi dấu bằng quyết sách quan trọng về đổi mới đất nước ở Đại hội VI của Đảng (năm 1986), mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước; trong đó, kỷ nguyên độc lập mở ra thời kỳ độc lập cho dân tộc, chấm dứt hơn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp và hàng nghìn năm phong kiến; kỷ nguyên đổi mới tạo nền tảng quan trọng để chuyển sang thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, mang lại thay đổi về chất, mang tính bước ngoặt cho đất nước ta.

Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Thành phố Hồ Chí Minh hội nhập và phát triển _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc gắn với việc Việt Nam chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới, nâng tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của nước ta lên một tầm cao mới.

Một là, điều kiện khách quan để định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Hiện nay, thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại. Từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để định hình trật tự thế giới mới. Đây là giai đoạn quan trọng nhất để Việt Nam xác lập vị thế của mình và hoàn thành mục tiêu chiến lược 100 năm. Sự biến chuyển có tính thời đại này là cơ hội to lớn đối với Việt Nam.

Mặc dù thế giới vẫn xảy ra các cuộc xung đột, tranh chấp căng thẳng, kéo dài, nhưng về cơ bản, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng đồng thời là mục đích hướng đến của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cạnh tranh giữa các nước, nhất là các nước lớn tuy quyết liệt, nhưng đều tránh xu hướng đối đầu, xung đột trực diện, mong muốn duy trì hòa bình để ổn định và phát triển. Trong khi đó, những vấn đề an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống vẫn tiếp tục diễn ra mà không một quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được, đòi hỏi có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ để cùng giải quyết nhằm bảo đảm lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và lợi ích riêng của quốc gia, dân tộc. Mặc dù các cường quốc tiếp tục đóng vai trò chính trong việc thiết lập các mối quan hệ quốc tế, nhưng các quốc gia vừa và nhỏ, trong đó có Việt Nam cũng có nhiều cơ hội hơn để tham gia vào các diễn đàn khu vực, quốc tế và tham gia vào giải quyết vấn đề toàn cầu. Đó là thời cơ để Việt Nam khẳng định và chứng tỏ tiềm lực, vị thế của mình.

Xu hướng liên kết quốc tế, nhất là liên kết về kinh tế tiếp tục được thúc đẩy, hình thành các chu trình sản xuất, cung ứng toàn cầu, mở ra cơ hội để Việt Nam tham gia vào các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng đó. Trên cơ sở của việc nâng cấp các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường, gia tăng vốn đầu tư, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Hơn nữa, việc thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại đã ký và tiếp tục đàm phán gia nhập hiệp định thương mại mới, sáng kiến về chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng trong thời gian tới sẽ tạo khuôn khổ cho hợp tác kinh tế, giúp giảm thiểu tác động từ các rủi ro bất định trên thế giới. Điều này giúp cho Việt Nam có một môi trường tốt để tiếp tục gia tăng các mối quan hệ hợp tác với các nước, nhất là hợp tác trên lĩnh vực kinh tế.

Đặc biệt, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với tốc độ phát triển nhanh chóng dựa trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), cơ sở dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud computing)… sẽ tạo động lực và sức bật cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới vào phát triển sản xuất cũng như hiện đại hóa xã hội. Thực tiễn cho thấy, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhờ tận dụng lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lực lượng sản xuất của Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc cả trên phương diện chủ thể của lực lượng sản xuất - người lao động và điều kiện, tiền đề phát triển lực lượng sản xuất - tư liệu sản xuất. “Lực lượng lao động ước đạt 53,2 triệu người vào năm 2025, với cơ cấu chuyển dịch tích cực; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm mạnh, còn 25,8%; chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng cao với 70% lao động qua đào tạo. Nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các lĩnh vực then chốt, như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin được tập trung phát triển, bước đầu hình thành đội ngũ lao động với tư duy số và kỹ năng số ngày càng được nâng cao”(3). Ngoài ra, tư liệu sản xuất vô hình (dữ liệu số) ngày càng chiếm vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế số. Điều này chính là động lực thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, hiện đại hóa phương thức sản xuất, là cơ sở để Việt Nam chuyển mạnh sang sản xuất theo chiều sâu, tăng năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay, ngoài lực lượng lao động thủ công, còn có đội ngũ lao động có trình độ khoa học - công nghệ hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, góp phần làm thay đổi toàn bộ cấu trúc sức sản xuất của lực lượng sản xuất trong bối cảnh mới. Đặc biệt, hiện nay trí tuệ nhân tạo đang dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số và ngày càng gia tăng qua từng năm. Do đó, sự kết nối giữa con người với trí tuệ nhân tạo là đặc điểm nổi trội của lực lượng sản xuất trong bối cảnh mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam xác lập một phương thức sản xuất tiên tiến, hiện đại - phương thức sản xuất số.

Như vậy, bên cạnh thách thức, tình hình thế giới, khu vực, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang mang lại thời cơ to lớn để Việt Nam gia tăng thế và lực, phát huy lợi thế sẵn có để thúc đẩy đà tăng trưởng, tạo môi trường chính trị ổn định, tạo tiền đề vật chất quan trọng để bước vào một giai đoạn phát triển bứt phá trong những năm tiếp theo.

Hai là, những nhân tố chủ quan để định vị mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng lòng, đồng thuận và nỗ lực của nhân dân, Việt Nam đã khai thác được mọi tiềm năng, khơi thông được các nguồn lực, tích lũy được thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Những thành tựu to lớn đó được thể hiện trên tất cả phương diện:

Về kinh tế, quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam ở trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ đó, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, bị khủng hoảng về mọi mặt sau chiến tranh, Việt Nam vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Cũng nhờ đó, đời sống của nhân dân ngày càng được nâng cao, tiềm lực quốc phòng - an ninh được củng cố.

Về chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò to lớn cũng như uy tín của mình trong việc lãnh đạo trực tiếp, toàn diện mọi mặt của đời sống xã hội. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị mang lại kết quả to lớn, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh. Ngoài ra, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có những dấu ấn nổi bật, được triển khai đồng bộ, toàn diện từ Trung ương đến cơ sở, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Về xã hội, cùng với việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, các lĩnh vực của đời sống xã hội tiếp tục được coi trọng, tạo điều kiện cho con người Việt Nam phát triển toàn diện, quyền con người ngày càng được bảo đảm. Đặc biệt, trong thời điểm khó khăn, cấp bách, như thiên tai, dịch bệnh, sức mạnh dân tộc với tinh thần đoàn kết, chia sẻ, tự lực, tự cường lại được phát huy tối đa, tạo thành nội lực to lớn giúp Việt Nam vượt qua khó khăn, thách thức; đồng thời, thể hiện ngày càng đậm nét tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta đang xây dựng.

Về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, mặc dù cục diện thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều quốc gia vừa và nhỏ phải gia tăng sự phụ thuộc vào các cường quốc trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn kiên trì và giữ vững phương châm: Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên hàng đầu. Từ một nước chủ yếu có mối quan hệ với các nước láng giềng và các nước trong khuôn khổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa trước kia, đến nay Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 nước; đồng thời, xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới và khu vực.

Với thời cơ mà bối cảnh quốc tế, khu vực mang lại cùng kết quả to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã tích lũy được qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hoàn toàn có cơ sở để khẳng định Việt Nam đã và đang hội tụ điều kiện, tiền đề để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Quan điểm về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kết quả của quá trình đánh giá thấu đáo kết quả mà Việt Nam đã đạt được qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đồng thời, lường đoán, dự báo bối cảnh tình hình mới với thời cơ thuận lợi từ xu hướng hòa bình, hợp tác cũng như sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang đem lại cho dân tộc Việt Nam. Đây là sự hội tụ giữa “ý Đảng” và “lòng dân”, giữa mục tiêu, quyết tâm của toàn Đảng và ý nguyện, khát vọng của cả trăm triệu người dân Việt Nam. Với kết quả đã đạt được cùng thời cơ mà cục diện thế giới, khu vực mang lại, đã đến lúc nhân dân Việt Nam có quyền và có thể nêu cao khát vọng cao đẹp về một Việt Nam hùng cường, phồn thịnh và hạnh phúc như đã từng khát vọng về một kỷ nguyên độc lập hay kỷ nguyên đổi mới trước đó. Đó là một khát vọng chính đáng, tạo động lực tinh thần to lớn, cổ vũ, khích lệ toàn dân tộc vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu cao đẹp phía trước. Điều này đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần chỉ rõ khi nhắc đến kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đó là: “Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được nhiều thành tựu vĩ đại”, hay “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”(4).

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã khai thác được mọi tiềm năng, khơi thông được các nguồn lực, tích lũy được thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo (Trong ảnh: Bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng quốc tế Đà Nẵng) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã khai thác được mọi tiềm năng, khơi thông được các nguồn lực, tích lũy được thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo (Trong ảnh: Bốc, xếp hàng hóa xuất khẩu tại Cảng quốc tế Đà Nẵng) _Nguồn: nhiepanhdoisong.vn

Từ nhận định đó, thời điểm bắt đầu của kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là từ khi bắt đầu nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng với mục tiêu xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu chính đáng; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao(5). Đây là mục tiêu rất rõ ràng, vừa trên cơ sở nhận định, đánh giá khách quan về kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đồng thời, cũng là sự kết tinh ý chí, khát vọng, niềm tin của cả dân tộc Việt Nam về một giai đoạn phát triển bứt phá của đất nước trong những năm tiếp theo.

Mặc dù Việt Nam đã hội đủ các yếu tố để chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, nhưng bên cạnh thời cơ, thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Một trong những khó khăn, thách thức phải kể đến là nguồn lực ở trong nước và nước ngoài chưa được khơi thông và phát huy tối đa. Sự không vững vàng về lập trường tư tưởng, dao động về niềm tin và ý chí của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân phần nào ảnh hưởng đến việc Việt Nam chuẩn bị điều kiện để tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; chưa kể đến sự chống phá ngày càng tinh vi, quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Do đó, một mặt, cần đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; mặt khác, cần kiên trì, kiên quyết đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Điều này góp phần tạo ra sự thống nhất về nhận thức, đồng thuận về tư tưởng, tập trung về hành động để phát huy tối đa sức mạnh vật chất, tinh thần của cả dân tộc; đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình.

Có thể khẳng định, quan niệm về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam thể hiện sự đúng đắn trong đường lối của Đảng và tầm nhìn, tư duy chiến lược của người đứng đầu Đảng ta, là sự hội tụ giữa “ý Đảng” và “lòng dân”; giữa định hướng mang tầm chiến lược của Đảng với niềm tin, ý chí, khát vọng của cả dân tộc về một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc trong tương lai. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch về kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam chính là cách thức để tạo ra sự đồng thuận, đồng sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thách thức, đưa đất nước vững bước tiến vào một giai đoạn phát triển bứt phá ở phía trước./…

TS LÊ THỊ CHIÊN
Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 35 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

-------------

(1) GS, TS Tô Lâm: “Xây dựng Văn kiện Đại hội là công việc rất hệ trọng, nhằm tổng kết, đánh giá kết quả, thành tựu đạt được trong nhiệm kỳ khóa XIII và 40 năm đổi mới; hoạch định, xác định rõ tầm nhìn, bước đi, đưa đất nước ta phát triển nhanh, bền vững”, Tạp chí Cộng sản, số 1.044 (tháng 8-2024), tr. 11
(2) Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”, Tạp chí Cộng sản, số 1.046 (tháng 9-2024), tr. 13
(3) GS, TS Tô Lâm: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tạp chí Cộng sản, số 1.045 (tháng 9-2024), tr. 5
(4) GS, TS Tô Lâm: “Một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản, số 1.050 (tháng 11-2024), tr. 3
(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 36

Theo tapchicongsan.org.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/202504/phat-trien-dat-nuoc-phon-vinh-hanh-phuc-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-muc-tieu-quyet-tam-cua-toan-dang-va-y-nguyen-khat-vong-cua-nguoi-dan-viet-nam-72012f2/
Zalo