Từ ánh sáng chiến khu đến màn bạc thời đại
Ngày 15.3.1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147-SL, chuyển Phòng Điện nhiếp ảnh thuộc Nha Tuyên truyền và Văn nghệ thành 'Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam', chính thức đặt nền móng cho sự ra đời của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò Tổ quay phim trước khi đi Chiến dịch
Những di sản vô giá
Ngày 18.3.1953, tại Đồi Cọ, xóm Bản Bắc, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Lễ công bố Sắc lệnh số 147/SL. Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh kỳ cựu Trung Sơn (1930-2019) kể lại thời khắc lịch sử: “Tối vui nhất chả thể quên là cơ quan đón nhận Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam do Bác Hồ ký. Điện ảnh cách mạng ở miền Nam cũng như ở Bản Bắc, Đồi Cọ ra đời sớm hơn. Nhưng cần tính từ ngày Sắc lệnh trên ra đời, điện ảnh cách mạng cả nước mới chính thức bước vào đà khởi sắc mới, tạo bước tiến chắc sau này. Đồi Cọ tối đó bừng sáng, thắp mấy ngọn điện. Bà con gần xa kéo tới, đuốc bập bùng trong rừng đêm ẩn hiện như con rồng lửa. Rừng khuya buổi đó lấp lánh bao ánh mắt hy vọng cùng với tin vui chiến thắng dội về”.
Nhà quay phim, NSND Nguyễn Đăng Bảy (1923-2007), là Trưởng ban Nhiếp ảnh của Nha Tuyên truyền và Văn nghệ lúc đó ghi trong nhật ký: “Ánh sáng của thời đại đã chiếu rọi vào lòng người những tình cảm kháng chiến mãnh liệt, làm cho con người gắn liền với cuộc kháng chiến bằng những phần sâu xa nhất của đời sống mình. Văn nghệ phụng sự kháng chiến, nhưng chính kháng chiến đem đến cho văn nghệ một sức sống mới. Sắt lửa của mặt trận đã hun đúc nên nền nghệ thuật của chúng ta”.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đăng Bảy mang máy ảnh hành quân theo các chiến dịch. Năm 1947, tại mặt trận Đông Khê, Bác Hồ gửi cho ông một chiếc máy quay chiến lợi phẩm, đó là một niềm vinh dự lớn lao, một duyên may biến chuyển cuộc đời nghệ thuật của ông.
Ông học thêm nghề quay phim - nghề nghiệp đã làm nên tên tuổi của ông gắn liền với những tác phẩm kinh điển hàng đầu của Điện ảnh Việt Nam. Ông là người được cơ quan giao việc quay tư liệu kháng chiến, tư liệu về Bác Hồ, vinh dự được theo chân Bác trên những dặm đường kháng chiến.
Kỷ niệm sâu sắc nhất là khi ông được quay tư liệu về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tại Chiến khu Việt Bắc năm 1951 với những hình ảnh Bác cưỡi ngựa, gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu mừng đón Bác... Khi quay toàn cảnh Đại hội Đảng trong hội trường lợp lá cọ giữa rừng, thiếu ánh sáng, đang lúng túng không biết làm sao thì Bác đã bảo dỡ mấy tàu lá cọ trên mái xuống để lấy ánh sáng, quay xong thì lợp lại.
Nhà quay phim lão thành nhớ mãi cử chỉ đó của Bác và bài học tác nghiệp tại hiện trường. Trong những năm tháng hoạt động tại Pháp, Bác đã từng làm công trong một hiệu ảnh, làm báo; sau này Người rất thân thiết với các nhà làm phim nổi tiếng thế giới như Charlie Chaplin (1889-1977), Roman Karmen (1906-1978), Joris Ivens (1898-1989)… nên việc Người chỉ bảo cặn kẽ thể hiện sự quan tâm sâu sắc Bác dành cho những người làm điện ảnh non trẻ.
Nhà quay phim lão thành luôn nhớ lời Bác: “Cái máy quay phim chỉ là cục sắt, vô tri vô giác, Cái đầu của chú là chính, nghề của chú phải luôn nhanh nhạy, chỉ cần một tích tắc là cảnh vật đã biến đổi. Quay phim và chụp hình là nghệ thuật của ánh sáng, mỗi bước trong quá trình thể hiện là một bước về phía ánh sáng” (Nguồn sáng trong đời, NXB Hội Nhà văn, 2022).
Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (2011-2009) nổi tiếng với những thước phim quay về Bác Hồ. Ông là một trong những nhà quay phim đầu tiên trên chiến trường Nam Bộ từ năm 1947. Cuối năm 1950, từ Khu 9 (Tây Nam Bộ) ông được ra Việt Bắc để quay phim Đại hội Đảng toàn quốc. Ông còn được giao một nhiệm vụ đặc biệt là quay một số cảnh sinh hoạt đời thường của Bác để đồng bào miền Nam được thấy rõ Người.
Tại Chiến khu Việt Bắc, nhà quay phim đã được kề cận bên Bác, được tạo mọi điều kiện tốt nhất để quay lại những hình ảnh vô giá về Bác Hồ ở Chiến khu Việt Bắc, như cảnh Bác Hồ đi thăm dân công, thăm nông dân, cưỡi ngựa đi công tác, tắm suối, dạy võ, lội suối, băng rừng, luyện võ, chơi bóng chuyền…

Bác tới thăm và làm việc tại Xưởng phim Thời sự Tài liệu Việt Nam. Ảnh: Tư liệu
Những bài học giản dị mà thấm thía
Đạo diễn, NSND Phạm Văn Khoa, Giám đốc đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (1953- 1956) là người vinh dự được giúp việc Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công và theo Bác lên Chiến khu Việt Bắc. Ông kể lại những bài học trên đường kháng chiến mà Bác đã dạy: “Một hôm Bác hỏi tôi: Chú Khoa làm công tác văn nghệ có thuộc Chinh phụ ngâm và Kiều không? Tôi trả lời: Thưa Bác cháu cũng thuộc lõm bõm thôi ạ. Bác cười và bảo tôi: Thế thì đừng làm văn nghệ nữa! Kho tàng văn học Việt Nam có hai tác phẩm ấy là hay mà chú không thuộc thì thuộc cái gì? Từ hôm đó, mỗi sáng Bác dạy tôi bốn câu Chinh phụ ngâm… Bác đã xa Tổ quốc ba bốn chục năm trời mà vẫn thuộc lòng tác phẩm Chinh phụ ngâm, tôi thấm thía câu Bác nói”. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng và sáng tạo nghệ thuật của mình, ông luôn khắc ghi điều Bác căn dặn: “Làm văn nghệ phải luôn tìm tòi cái mới. Làm được một cái gì được người ta khen, lần sau làm lại như cái trước thì không tốt”.
Hồi ký Phạm Văn Khoa (NXB Hội Nhà văn, 2010) cho thấy sự quan tâm đặc biệt Bác đã dành cho ngành Điện ảnh ngay từ trong bom đạn chiến tranh, trường kỳ kháng chiến gian khổ: “Một hôm, Hồ Chủ tịch có ghé thăm cơ quan điện ảnh, Bác hỏi: Bây giờ các chú làm gì? Chúng tôi báo cáo với Bác, chủ yếu chúng cháu chiếu phim của các nước bạn và chụp ảnh để làm tuyên truyền. Bác Hồ bảo: Các chú có hiểu hai chữ điện ảnh nó rộng lắm. Các chú làm công tác gì cứ nói cụ thể ra. Đến ngày mười lăm tháng ba chúng tôi nhận được quyết định Hồ Chủ tịch ký Sắc lệnh cho thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh”.
Trong ký ức của NSƯT Tố Uyên viết: “Năm 1960, tôi đang học lớp 7 thì được đóng vai bé Nga trong phim truyện Con chim vành khuyên, bộ phim được đưa lên chiếu cho Bác Hồ xem. Bác rất cảm động, thương hai bố con bé Nga (nhân vật phim). Bác dặn tôi, hãy cố gắng đóng nhiều phim và làm nhiều việc có ích cho xã hội, nhất là về mặt văn hóa cho người dân hưởng thụ, Bác mong muốn làm việc và văn hóa phải đi đôi với nhau”. Bà nhớ khôn nguôi ngày Bác Hồ đi xa: “Tôi khóc như một đứa trẻ. Tôi đi bộ suốt từ nhà lên Quảng trường Ba Đình nhập vào dòng người viếng Bác. Bác như một người cha, đã căn dặn chúng tôi - những người làm văn hóa nghệ thuật - phải chịu khó học tập, rèn luyện làm những điều có ích cho xã hội. Chúng tôi đã cố gắng làm tốt lời Bác dạy. Bây giờ các bạn trẻ được sống trong một đất nước hòa bình, xã hội đổi mới, đời sống ấm no càng cần sống, lao động, học tập theo gương Bác”.
Bức ảnh Nụ cười của cô gái nhỏ miền Nam trong vòng tay Bác lưu giữ khoảnh khắc lịch sử khi diễn viên Trà Giang tặng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 3 năm 1962, thể hiện tình cảm sâu nặng, trìu mến vô bờ bến của Người dành cho nền văn học nghệ thuật cách mạng, cũng là niềm vinh dự lớn lao của Điện ảnh Việt Nam. Khi tặng hoa cho Bác, bà mới tròn 20 tuổi, đang học lớp Diễn viên khóa 1, là đại biểu nhỏ tuổi nhất của Đại hội Văn nghệ toàn quốc năm 1962. “Điều sâu sắc nhất mà tôi cảm nhận được là khi Bác nói về đất nước và trách nhiệm của người nghệ sĩ. Bác nói: Ngày xưa, khi đất nước còn nô lệ, thì văn nghệ sĩ cũng là nô lệ, bị coi là “xướng ca vô loài”. Còn bây giờ, đất nước thuộc về ta nên văn nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. Những điều Bác nói đã theo tôi suốt cả cuộc đời hoạt động nghệ thuật”, theo NSND Trà Giang.
Bà cũng đã được Bác chỉ dạy những bài học giản dị mà thấm thía, luôn giữ lòng tự hào về văn hóa truyền thống dân tộc: “Khi Bác đến thăm Trường Điện ảnh Việt Nam, Bác hỏi thăm: Các cháu học về diễn viên điện ảnh thì học cái gì? - Chúng cháu được học diễn xuất, học văn học, học vũ, học hát. Bác nhắc ngay: Phải nói là học múa mới đúng từ Việt Nam, còn học vũ là chữ Hán... Tôi kể cho Bác nghe, khi tôi đi dự Liên hoan phim quốc tế Moskva, diễn viên các nước ăn mặc rất đẹp, còn tôi thì tự ti vì chỉ có vài bộ áo dài. Bác ân cần bảo tôi rằng, Bác thấy áo dài Việt Nam đẹp lắm. Từ đó về sau, trong mỗi chuyến đi nước ngoài hay những lần gặp gỡ, tôi luôn mặc áo dài. Tôi thấy áo dài Việt Nam mình vừa giản dị, vừa khiêm tốn nhưng cũng rất sang trọng. Tôi cảm nhận Bác không chỉ là một nhà lãnh tụ mà như một người cha, người ông trong gia đình”.
Những kỷ niệm, những bài học vô giá mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho Điện ảnh Cách mạng Việt Nam ngay từ những bước đi đầu tiên non trẻ đã tạo nên một thế hệ chiến sĩ - nghệ sĩ điện ảnh tài năng hàng đầu trên mặt trận văn hóa; đóng góp vào sự phát triển của ngành và nền văn học nghệ thuật của đất nước.
Điện ảnh Việt Nam ngày nay luôn ghi nhớ lời Bác dạy để ngày càng có những đóng góp ý nghĩa, với những giá trị đột phá trong hành trình mới xây dựng đất nước; luôn vẹn nguyên tấm lòng hướng về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Như NSND Nguyễn Đăng Bảy đã nói: “Tôi và những nhà quay phim, những nhà điện ảnh thế hệ chúng tôi không phải là những tín đồ bị lệ thuộc. Chúng tôi đã tìm thấy nguồn ánh sáng trong đời của mình, đi theo Cách mạng với niềm tin lớn, mỗi chúng tôi là một tia sáng và khi hợp lại trở thành nguồn sáng. Điện ảnh Việt Nam là một nguồn sáng vô tận. Mỗi một người đều tự mình tỏa sáng trong niềm tin ấy”.