Từ A-Z về nguyên nhân và rủi ro sức khỏe gây đột quỵ mới nhất
Đột quỵ được chia làm 2 dạng, gồm: Đột quỵ do thiếu máu cục bộ (đột quỵ do huyết khối, đột quỵ do thuyên tắc) và đột quỵ do xuất huyết não (chảy máu não). Mỗi phân loại có nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ cụ thể.

Theo Very Well Health, nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây đột quỵ tùy thuộc vào phân loại và mức độ tắc nghẽn hay xuất huyết mạch máu não. Cả đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết não đều có một số yếu tố nguy cơ giống nhau. Trong khi một số yếu tố như tuổi tác và di truyền không thể thay đổi thì những yếu tố rủi ro khác có thể dẫn tới đột quỵ như huyết áp cao, béo phì và hút thuốc có thể kiểm soát được, cho phép bạn thực hiện các bước để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ trong tương lai.
Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não, đây là bệnh lý cấp tính nguy hiểm cần được phát hiện và cấp cứu khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi nguồn máu cung cấp cho não đột ngột bị tắc nghẽn, gián đoạn và giảm lưu lượng. Khi đó, não bị thiếu oxy và nguồn cung dinh dưỡng dẫn tới sự chết dần của các tế bào não chỉ trong vài phút.
1. Nguyên nhân gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ là loại đột quỵ phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% các ca đột quỵ não. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ xảy ra khi động mạch cung cấp máu cho não (hoặc trong những trường hợp hiếm gặp, tĩnh mạch) đột nhiên bị chặn, tắc nghẽn. Điều này khiến máu chứa oxy không đủ để cung cấp cho một cơ quan hoặc một phần của cơ thể. Khi xảy ra ở não, các tế bào não sẽ nhanh chóng chết dần chỉ trong vài phút, đe dọa tới tính mạng nếu không can thiệp kịp thời.
Nói cách khác, sự tắc nghẽn mạch máu não có thể xảy ra khi cục máu đông hình thành trong mạch máu (còn gọi là huyết khối) hoặc mảng bám động mạch ở nơi khác di chuyển lên mạch máu não và dẫn tới tắc nghẽn đột ngột. Có nhiều tình trạng tương tự có thể gây ra đột quỵ do huyết khối và tắc mạch, bao gồm:
-Rung nhĩ (Afib): Là một rối loạn nhịp tim hoặc nhịp tim không đều, xảy ra khi tín hiệu điện trong tim bị gián đoạn. Bệnh thường gặp ở người lớn tuổi do nhiều nguyên nhân khác nhau, kéo dài trong vài giây nhưng cũng có thể vĩnh viễn. Rung nhĩ gồm nhiều loại khác nhau, gồm: Rung nhĩ kịch phát, rung nhĩ dai dẳng, rung nhĩ kéo dài và cuồng nhĩ.

Đột quỵ còn gọi là tai biến mạch máu não (Ảnh: ST)
Rung nhĩ có thể dẫn đến hình thành cục máu đông tại chỗ hoặc khiến cục máu đông hoặc mảng bám từ nơi khác trong cơ thể bong ra. Điều này được giải thích là do tâm nhĩ không thể đẩy máu đúng cách khiến máu bị mắc kẹt lại trong các góc và rãnh nhỏ của tim, sau đó đông lại thành các cục huyết khối. Với tất cả các cơn co thắt bất thường trong tâm nhĩ, những cục máu đông này có thể được bơm vào hệ thống tuần hoàn, bao gồm cả mạch máu não.
- Xơ vữa động mạch: Xảy ra khi các động mạch bị tắc nghẽn bởi các mảng bám (được hình thành từ các chất béo, cholesterol, canxi và các chất khác) tích tụ trong lòng động mạch. Nếu như các mảng bám này vỡ ra hình thành nên huyết khối và di chuyển đến một trong những động mạch não có thể gây đột quỵ do thiếu máu cục bộ.
- Rối loạn đông máu: Rối loạn đông máu được hiểu là tình trạng mất khả năng kiểm soát quá trình đông cầm máu của cơ thể do có quá ít hoặc giảm chức năng tiểu cầu hay các yếu tố đông máu khác. Người mắc chứng rối loạn có thể bị chảy máu quá mức ngay cả khi không có chấn thương nào.
Tình trạng rối loạn đông máu có thể gây hình thành cục máu đông ở động mạch, tĩnh mạch và mao mạch, chẳng hạn như huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và một rối loạn di truyền gọi là hội chứng kháng phospholipid (APS - Antiphospholipid Syndrome) có thể dẫn đến hình thành cục máu đông bất thường, làm tăng nguy cơ bị tắc nghẽn mạch máu, bao gồm cả mạch máu não dẫn tới đột quỵ. Trong đó, hội chứng kháng phospholipid là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ phổ biến nhất ở người trẻ tuổi. Người ta ước tính rằng cứ 5 người thì có 1 người bị đột quỵ trước 40 tuổi có thể bị APS.

Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây đột quỵ tùy thuộc vào phân loại và mức độ tắc nghẽn hay xuất huyết mạch máu não (Ảnh: ST)
- Nhiễm trùng: Chẳng hạn như viêm màng não do vi khuẩn, nhiễm trùng huyết có thể gây biến chứng do phản ứng viêm dẫn tới cục máu đông hình thành sâu trong não hoặc các bộ phận cơ thể khác - khi vỡ ra di chuyển lên não, dẫn tới tắc nghẽn mạch máu não.
2. Nguyên nhân gây đột quỵ do xuất huyết não
Đột quỵ do xuất huyết não được hiểu là tình trạng mạch máu trong não bị vỡ, gây hoại tử các mô não xung quanh do không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng. Theo phân loại thì có hai loại đột quỵ do xuất huyết não, gồm: Xuất huyết nội sọ và xuất huyết dưới nhện. Trong đó, xuất huyết nội sọ được hiểu là loại đột quỵ xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu vào não; còn xuất huyết dưới nhện là loại đột quỵ xảy ra do mạch máu trong lớp màng nhện mỏng bao bọc não bị vỡ và xuất huyết, tích tụ dưới màng nhện và gây áp lực lên não của người bệnh.
Có khoảng 20% các ca đột quỵ não là do xuất huyết. Phần lớn các cơn đột quỵ xuất huyết não là do tăng huyết áp mạn tính nghiêm trọng (huyết áp cao) khiến động mạch não vỡ ra. Các nguyên nhân và yếu tố góp phần khác có thể kể đến gồm:
- Chấn thương vùng đầu: Những chấn thương nghiêm trọng tại đầu có thể gây ra nhiều rủi ro, bao gồm cả chảy máu não, tụ máu não.
- Phình động mạch máu não: Là tình trạng động mạch trong não xuất hiện những điểm phồng như quả bóng có chứa máu, xảy ra khi thành động mạch bị yếu dẫn tới áp lực lên các mô não hoặc dây thần kinh xung quanh. Khi các khối phòng này vỡ ra sẽ gây ra tình trạng xuất huyết não, đột quỵ và đe dọa tính mạng.

Có hai loại đột quỵ do xuất huyết não, gồm: Xuất huyết nội sọ và xuất huyết dưới nhện (Ảnh: ST)
- Khối u não: Cả khối u não lành tính và khối u não ác tính (ung thư não) phát triển lớn lên về kích thước có thể tăng áp lực lên cấu trúc não và chèn ép các mạch máu trong não dẫn tới đột quỵ do xuất huyết não hoặc chèn ép vào dây thần kinh gây liệt, thoát vị não,... Chảy máu do u não thường có thể được chẩn đoán bằng phương pháp chụp cắt lớp (chụp CT).
- Dị dạng động - tĩnh mạch não (AVM): Đặc trưng bởi sự biến dạng của các mạch máu bẩm sinh khiến chúng yếu và dễ bị vỡ hơn. Xuất huyết não là một trong những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm nhất của bệnh dị dạng mạch máu não.
- Rối loạn chảy máu: Các bệnh lý di truyền như bệnh máu khó đông và bệnh hồng cầu hình liềm có một đặc điểm chung là người bệnh dễ bị xuất huyết, ngay cả những trường hợp chỉ chảy máu nhẹ cũng có thể trở nên khó kiểm soát.
- Xơ gan:Khi gan bị tổn thương, gan sẽ sản xuất ít yếu tố đông máu hỗ trợ quá trình đông máu hơn. Kết hợp với các yếu tố nguy cơ tim mạch như huyết áp cao hơn, tăng dấu hiệu viêm và ảnh hưởng tới lưu lượng máu lên não ở bệnh nhân xơ gan, nguy cơ bị đột quỵ do xuất huyết não cũng cao hơn, theo một nghiên cứu năm 2017 trên NIH.
3. Yếu tố nguy cơ làm tăng rủi ro bị đột quỵ não
Cả đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết có não nhiều yếu tố nguy cơ giống nhau, một số có thể thay đổi được nhưng một số yếu tố nguy cơ thì lại không. Cụ thể:
- Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được rủi ro đối với đột quỵ:
+ Tuổi tác: Càng lớn tuổi thì nguy cơ đột quỵ càng cao. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thì nguy cơ bị đột quỵ sẽ tăng gấp đôi sau mỗi 10 năm kể từ tuổi 55 và phần lớn đột quỵ xảy ra ở người già trên 65 tuổi.
+ Tiền sử gia đình: Di truyền đóng vai trò trong nhiều tình trạng góp phần làm tăng rủi ro bị đột quỵ. Nhìn chung, một người có tiền sử gia đình từng bị đột quỵ hoặc mắc một số rối loạn di truyền có thể gây ra đột quỵ, chẳng hạn như bệnh hồng cầu hình liềm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn với người không có yếu tố này.
- Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được:
+ Tình trạng sức khỏe: Đang mắc các bệnh gồm huyết áp cao, cholesterol cao, bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì.
+ Lối sống kém lành mạnh: Chẳng hạn ăn quá nhiều chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, muối (natri); kém hoặc không vận động thể chất; nghiện rượu, thường xuyên hút thuốc lá (bao gồm cả chủ động và thụ động).
+ Từng có tiền sử đột quỵ trước đó, bao gồm cả cơn thiếu máu não thoáng qua.
+ Mang thai: Huyết áp cao nghiêm trọng trong tam cá nguyệt thứ ba, được gọi là tiền sản giật không chỉ tác động tiêu cực tới thai nhi mà còn có khả năng gây xuất huyết não cho mẹ.
+ Thuốc tránh thai: Việc sử dụng thuốc tránh thai hay các liệu pháp điều chỉnh hormone, thay đổi nội tiết tố cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ.
Nhìn chung, tỷ lệ bị đột quỵ, dù do thiếu máu não cục bộ hay xuất huyết não, thì chúng ta có thể giảm đáng kể một số yếu tố nguy cơ gây ra bằng cách can thiệp tới: Chế độ ăn uống lành mạnh hơn, thường xuyên tập thể dục, duy trì cân nặng lý tưởng, hạn chế hoặc bỏ rượu bia, bỏ thuốc lá, học cách kiểm soát căng thẳng, kiểm soát đường máu, cholesterol và huyết áp.
Nguồn: Very Well Health, CDC