Từ 2025, bỏ xuất trình giấy biên nhận thế chấp của ngân hàng khi đăng kiểm ô tô

Từ ngày 1/1/2025, chủ xe đưa ô tô đi đăng kiểm dù là xe trả góp cũng không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng, vẫn được cơ sở đăng kiểm tiếp nhận kiểm định.

Theo quy định hiện hành, hồ sơ đăng kiểm định kỳ xe ô tô thế chấp ngân hàng thay vì đăng ký xe bản chính, chủ xe cần xuất trình bản sao chứng nhận đăng ký xe cùng giấy biên nhận thế chấp bản chính của tổ chức tín dụng có dấu đỏ (còn hiệu lực). Trong đó, các thông tin trên bản sao chứng nhận đăng ký xe phải nhìn rõ, không bị che mờ.

Từ 1/1/2025, chủ xe ô tô trả góp khi đi đăng kiểm không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng (ảnh minh họa).

Từ 1/1/2025, chủ xe ô tô trả góp khi đi đăng kiểm không cần xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng (ảnh minh họa).

Tuy nhiên, theo quy định từ Thông tư 47/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, người dân có ô tô trả góp, thế chấp ngân hàng khi đưa xe đi kiểm định lần đầu hay kiểm định định kỳ cũng không còn phải xuất trình giấy biên nhận thế chấp bản chính giấy đăng ký xe của ngân hàng hay tổ chức tín dụng nữa.

Cụ thể, với ô tô kiểm định lần đầu, chủ xe cần nộp văn bản đề nghị kiểm định ngoài cơ sở đăng kiểm (đối với trường hợp chủ xe có đề nghị); bản chà số khung, số động cơ của xe; bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước); bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

Đồng thời xuất trình giấy tờ về đăng ký xe gồm một trong các giấy tờ: bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính chứng nhận đăng ký xe; bản chính giấy hẹn cấp chứng nhận đăng ký xe.

Đối với ô tô có các thiết bị nâng hàng có sức nâng theo thiết kế từ 1.000 (kg) trở lên; thiết bị nâng người có chiều cao nâng lớn nhất lớn hơn 2,0 (m); xi téc chở khí hóa lỏng, khí dầu mỏ hóa lỏng, khí thiên nhiên nén hoặc các chất lỏng có áp suất làm việc cao hơn 0,7 (bar) hoặc chất lỏng hay chất rắn dạng bột không có áp suất nhưng khi tháo ra dùng khí có áp suất cao hơn 0,7 (bar) theo quy định tại Nghị định số 44/2016, Thông tư bổ sung quy định phải xuất trình thêm giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực (bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính).

Với ô tô kiểm định định kỳ, hồ sơ tương tự như ô tô kiểm định lần đầu, ngoại trừ việc không cần phải nộp các giấy tờ như: bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng (đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước); bản chính giấy chứng nhận cải tạo của xe (đối với xe cải tạo).

Lý giải về việc bỏ giấy biên nhận thế chấp bản chính đăng ký xe của ngân hàng, lãnh đạo Cục Đăng kiểm VN cho biết, do không có quy định nào của pháp luật yêu cầu phải xuất trình giấy tờ này khi thực hiện kiểm định phương tiện. Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân, chủ xe, doanh nghiệp khi đưa xe đi đăng kiểm.

Việc bổ sung xuất trình giấy chứng nhận kết quả kiểm định còn hiệu lực đối với các thiết bị theo Nghị định 44/2016 nhằm đảm bảo chủ xe phải tuân thủ thực hiện Nghị định 44/2016, đồng thời giúp cho hoạt động kiểm định khi cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo về môi trường được đảm bảo toàn diện đối với các trường hợp xe lắp đặt các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

Yến Chi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/tu-2025-bo-xuat-trinh-giay-bien-nhan-the-chap-cua-ngan-hang-khi-dang-kiem-o-to-192241224205546289.htm
Zalo