Xuyên đêm kiểm tra 2 chợ đầu mối: 'Nỗi đau' nhiều năm vẫn tồn tại
Lãnh đạo TPHCM đề nghị các đơn vị quản lý chợ đầu mối và các sở ngành phối hợp giám sát chặt diễn biến thị trường, bảo đảm hàng hóa dồi dào, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá cả hợp lý.
Đêm 22 rạng sáng 23/1, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng dẫn đầu đoàn khảo sát, làm việc tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Thủ Đức nhằm đánh giá tình hình mãi lực, hoạt động cung ứng hàng hóa nông sản thiết yếu phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn thành phố.
Tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP Thủ Đức), ông Nguyễn Nhu – Phó Tổng giám đốc chợ cho biết, chợ hiện có 1.424 điểm kinh doanh với 918 thương nhân. Tổng lượng rau – trái cây – hoa tươi nhập chợ trong năm 2024 hơn 900.000 tấn, giảm 80.221 tấn (8,1%) so với năm 2023. Lượng hàng nhập chợ bình quân khoảng 2.477 tấn/đêm.
“Lượng hàng nhập chợ giảm khoảng 30% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Nguyên nhân một phần do kinh tế khó khăn, sức mua giảm nên hàng nhập chợ giảm theo; phần khác do việc mua bán tự phát tại các khu vực dân cư xung quanh chợ và các tuyến đường trên Quốc lộ 1A, đường Ngô Chí Quốc, Tỉnh lộ 43… hoạt động mạnh, các xe container và xe tải xuống hàng ngay các kho trong khu dân cư quanh chợ đầu mối để cung cấp hàng cho khu vực kinh doanh tự phát” – ông Nhu nói.
Ông Nhu cũng nói rằng, việc kinh doanh tự phát xung quanh chợ tiềm ẩn nguy cơ hàng gian hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; đặc biệt làm cho các thương nhân trong chợ rất khó khăn, giảm sút doanh thu và lợi nhuận. Không ít điểm kinh doanh trong chợ đã phải ngưng hoạt động vì chịu lỗ trong thời gian dài và không thể cầm cự nổi.
Tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (huyện Hóc Môn), ông Lê Văn Tiễn, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn cũng nói rằng, “nỗi đau” nhiều năm nay của chợ là việc các điểm kinh doanh bên ngoài chợ vẫn còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình kinh doanh của thương nhân trong chợ.
Thời gian qua, Tổ công tác được thành lập theo Quyết định của UBND huyện thường xuyên tuần tra, kiểm tra và xử lý quyết liệt nhưng các điểm kinh doanh bên ngoài vẫn tồn tại song song với chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, gây bất bình cho tiểu thương kinh doanh hợp pháp trong chợ.
“Việc người tiêu dùng mua hàng hóa bên ngoài không đảm bảo an toàn thực phẩm đã gây ngộ nhận là mua hàng tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn” – ông Tiễn nói.
Về cung ứng hàng Tết, từ ngày 25 đến 29 tháng Chạp, chợ đầu mối nông sản Hóc Môn sẽ tăng lượng hàng khoảng 30% so với ngày thường, ngày cao nhất đạt khoảng 3.500 tấn/ngàyđêm ( tăng 50%). Riêng thịt heo, ngày 28 tháng Chạp dự kiến đạt 780 tấn/ngày đêm, từ 10.000 - 12.000 con/đêm (tăng 100% so với ngày bình thường).
Chợ đầu mối Hóc Môn cũng phối hợp với Đội quản lý An toàn thực phẩm (Đội 9) kiểm soát nguồn hàng nhập chợ đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa rõ ràng, có đầy đủ hóa đơn, chứng từ. Đối với nguồn thịt heo phải có dấu kiểm tra thú y, phải có đeo vòng nhận diện đúng theo quy định. Đồng thời thường xuyên lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau củ quả, chất tạo nạc, tăng trưởng trên thịt heo trong các ngày cao điểm để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bữa ăn của người dân thành phố…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng cho biết, qua khảo sát hai chợ đầu mối Thủ Đức và Hóc Môn, thành phố ghi nhận các chợ đầu mối đã chuẩn bị lượng hàng dồi dào, bảo đảm giá cả hợp lý phục vụ thị trường Tết.
Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Dũng đề nghị đơn vị quản lý các chợ đầu mối tiếp tục theo dõi sát hình hình hàng hóa để điều chỉnh kịp thời, giữ ổn định lượng hàng hóa và giá cả phục vụ người dân dịp Tết.
Lãnh đạo TPHCM cũng yêu cầu các cơ quan, ban ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm các mặt hàng kinh doanh trong chợ, kể cả hàng hóa xung quanh chợ nhằm tạo công bằng trong kinh doanh, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời quản lý giá chặt chẽ, không để xảy ra biến động tăng giá trong dịp Tết.