TS. Trần Khắc Tâm: 'Cơ chế, chính sách thông thoáng là lực đẩy lớn giúp doanh nghiệp Việt bứt phá'
TS. Trần Khắc Tâm cho rằng cơ chế, chính sách thông thoáng cộng với đội ngũ công chức, cơ quan quản lý Nhà nước có tâm, có tầm chắc chắn sẽ là những lực đẩy rất lớn giúp doanh nghiệp Việt bứt phá.
Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Tạp chí VietTimes có cuộc trao đổi với TS. Trần Khắc Tâm, Chủ tịch HĐTV Công ty Trần Liên Hưng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, đại biểu Quốc hội khóa XIII.
Vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đưa ra thông điệp “kỷ nguyên mới” - “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Vậy các doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang có sự chuẩn bị như thế nào để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, thưa ông?
Tôi rất vinh dự khi là một trong số các doanh nhân được tham gia buổi gặp mặt Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam. Trong buổi gặp mặt này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắn nhủ rất nhiều đến đội ngũ doanh nhân. Điều này cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước nói chung, cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói riêng đến cộng đồng doanh nhân.
Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã phát biểu tại buổi gặp mặt doanh nhân, chúng ta đang bước vào “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Có thể thấy, sau khi thống nhất đất nước, với sự nỗ lực, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, Việt Nam từ một đất nước đối mặt với vô vàn khó khăn đã vươn lên mạnh mẽ. Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói rằng “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Tôi cho rằng, khi chúng ta đã có vị thế, đã có được cơ đồ vững chắc thì đây là thời điểm chúng ta hướng đến “kỷ nguyên vươn mình” như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nói.
Về các doanh nghiệp, doanh nhân, trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để khẳng định vị thế của mình ở cả thị trường trong nước và chỗ đứng trên trường quốc tế. Dịch bệnh Covid-19 và khủng hoảng kinh tế thế giới đã khiến các doanh nghiệp đứng giữa muôn trùng khó khăn nhưng cũng là một phép thử đối với khả năng chống chịu, sự nhạy bén, sức mạnh nội lực của các doanh nhân – người đứng đầu các doanh nghiệp.
Và, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đứng vững trước sóng gió với sự nhanh nhạy và thích ứng tốt với sự biến chuyển của kinh tế. Tôi cho rằng, đó chính là sự chuẩn bị rất tốt để sẵn sàng bước vào một “kỷ nguyên mới của dân tộc”.
Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới?
Để đánh giá về vai trò, vị thế của doanh nghiệp tư nhân thì chúng ta cần phải xem xét những con số. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2023, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 46% GDP, tạo ra khoảng 30% nguồn thu ngân sách nhà nước, thu hút 85% lực lượng lao động.
Có thể nói, trong những năm qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò rất lớn kỷ nguyên mới của dân tộc. Bởi, theo một thống kê cho thấy, doanh nghiệp tư nhân chiếm khoảng 98% trong tổng số hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đã đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk… và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng ta thấy rằng, Việt Nam có khoảng 29 doanh nghiệp tư nhân có giá trị vốn hóa trên thị trường chứng khoán vượt con số 1 tỷ USD, có 6 tỷ phú tham gia vào câu lạc bộ tỷ phú thế giới năm 2021. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đạt kim ngạch xuất khẩu cao, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Không ít doanh nghiệp tư nhân đã thực hiện chuyển đổi một cách mạnh mẽ, mạnh dạn đầu tư vào các ngành công nghiệp mới; tiên phong đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng xanh, tuần hoàn.
Có thể nói, ở một số lĩnh vực, tôi thấy rằng, doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành quan trọng của nền kinh tế. Đây chính là điểm mạnh, thể hiện vai trò của đội ngũ doanh nhân trong việc Việt Nam đang hướng tới “kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói rằng, rất vui mừng và tự hào khi nước ta có được đội ngũ doanh nhân đông đảo, lớn mạnh, khẳng định vai trò, đóng góp to lớn cho công cuộc đổi mới, phát triển kinh tế đất nước.
Dưới góc độ là một doanh nghiệp tư nhân, đồng thời đại diện cho Hiệp hội doanh nghiệp của một địa phương, ông nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp đang gặp những khó khăn gì?
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, dù ở bất cứ thời điểm nào cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức, vấn đề chỉ là khó khăn ít hay nhiều. Thời điểm này, ngoài những thuận lợi như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nền kinh tế đang dần khởi sắc thì doanh nghiệp cũng gặp phải một số khó khăn.
Thứ nhất, trong một khoảng thời gian dài, kinh tế thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng bị suy thoái do tác động bởi nhiều nguyên dân. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp. Minh chứng rõ nét nhất chính là việc hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động hoặc hoạt động theo dạng tồn tại.
Thứ hai, mặc dù Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách về việc ưu đãi tín dụng, ưu đãi nguồn vốn nhưng vì nhiều lý do khác nhau, không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn đó. Có thể là do ngân hàng còn thủ tục, máy móc, có thể nguyên nhân khác là do các kế hoạch phát triển, mô hình của doanh nghiệp chưa đủ thuyết phục ngân hàng cấp tín dụng… Chúng ta đều biết, nguồn tiền chính là máu của doanh nghiệp. Nếu cạn vốn, không có tiền thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ khó khăn.
Bên lề cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 4/10 vừa qua tại Hà Nội, cá nhân tôi cũng đã có trao đổi với một số lãnh đạo các ngân hàng rằng, chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các tổ chức tín dụng. Chúng tôi rất mong Ngân hàng Nhà nước trao đổi, chỉ đạo với các ngân hàng thương mại rà soát đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, nhân viên tại các chi nhánh để có thể thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm khơi thông dòng vốn, cung cấp tài chính do doanh nghiệp hoạt động.
Thứ ba chính là thị trường. Dịch bệnh Covid-19 đã khiến nguồn cung ứng đứt gãy, nhiều thị trường gián đoạn. Vì thế, vấn đề lấy lại thị trường thời điểm hậu Covid-19 là rất khó khăn.
Thứ tư là rào cản về cơ chế, chính sách. Nhiều năm qua, các cơ chế chính sách để phát triển kinh tế đã được sửa đổi để đáp ứng với thực tế. Tuy nhiên, ở nhiều lĩnh vực, các chính sách, luật vẫn chưa theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội.
Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế. Điều này cho thấy để phát triển đất nước, việc thành lập những doanh nghiệp quy mô lớn có vai trò dẫn dắt là rất quan trọng. Theo ông, chúng ta cần những chính sách đột phá nào để có thể hình thành những doanh nghiệp này?
Như tôi đã trao đổi ở trên, doanh nghiệp tư nhân đã trở thành lực lượng dẫn dắt, lan tỏa, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành quan trọng của nền kinh tế ở một số lĩnh vực. Điều này minh chứng bằng nhiều doanh nghiệp đã đạt tầm cỡ quốc tế như Vingroup, T&T Group, Thaco, Vietjet, Vinamilk… và có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong buổi gặp mặt các doanh nhân ngày 11/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định rằng, hoạt động kinh doanh của các doanh nhân còn gặp nhiều khó khăn do nhiều rào cản của cơ chế, chính sách, pháp luật. Năng lực của các cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu và đòi hỏi phát triển của giới doanh nhân.
Tôi cho rằng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã chia sẻ rất đúng về thực trạng hiện nay. Bởi, rào cản cơ chế, chính sách, pháp luật sẽ khiến các doanh nghiệp Việt khó có thể bứt phá, khó cạnh tranh được trên trường quốc tế. Cũng vì rào cản cơ chế, chính sách sẽ khiến việc thu hút FDI, hợp tác quốc tế của chúng ta sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Còn, năng lực của các cơ quan quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của giới doanh nhân thì chắc chắn sẽ làm các chủ doanh nghiệp gặp khó khăn khi triển khai công việc.
Vì vậy, tôi cho rằng, cơ chế, chính sách thông thoáng cộng với đội ngũ công chức, cơ quan quản lý Nhà nước có tâm, có tầm chắc chắn sẽ là những lực đẩy rất lớn giúp doanh nghiệp Việt bứt phá.