'Tam bất thông' gây ra nghịch lý tăng trưởng kinh tế khu vực nội địa

Giữa những con số ấn tượng về tăng trưởng kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đã chỉ ra một nghịch lý 'tam bất thông', bao gồm: nguồn lực bất thông suốt, cơ chế bất thông thoáng và quản trị bất thông minh như một 'nút thắt' chính kìm hãm sự phát triển đồng đều của nền kinh tế.

Tại sự kiện về thị trường bất động sản Việt Nam 2024 do Batdongsan.com.vn tổ chức sáng 13/11, PGS.TS Trần Đình Thiên đã có những nhận định tổng quan về kinh tế Việt Nam và thế giới 2024 - 2025.

Tại đây, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh nền kinh tế 10 tháng qua có sự tăng trưởng tốt, thông qua các chỉ số quan trọng như GDP, xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên, chỉ số cho khu vực nội địa chưa tích cực, thể hiện ở kết quả tăng trưởng tín dụng và giải ngân đầu tư công mặc dù có nhiều nỗ lực nhưng vẫn chậm, chưa được như kỳ vọng.

“Hàm ý ở đây cho thấy dòng tiền - dòng máu của nền kinh tế đang yếu. Cần lưu ý nền kinh tế có thể tốt nhưng khu vực nội địa vẫn yếu kém. Kinh tế tăng trưởng tốt vì dựa nhiều vào FDI”, ông Thiên nhận định doanh nghiệp Việt đang gặp nhiều khó khăn.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết chỉ số của khu vực nội địa chưa tích cực như mong đợi.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết chỉ số của khu vực nội địa chưa tích cực như mong đợi.

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhắc lại thời điểm kết thúc quý I/2024, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường nhiều hơn doanh nghiệp gia nhập mới, cho thấy tình trạng đáng báo động. Đến nay, sau 3 quý, tình thế đã đảo ngược tuy nhiên sức doanh nghiệp còn đang yếu.

Ông Thiên cũng lưu ý, các doanh nghiệp rời khỏi thị trường sẽ tác động ngay đến tăng trưởng kinh tế vì làm giảm ngân sách thuế, giảm số việc làm, giảm thu nhập… Trong khi các doanh nghiệp đăng ký mới cần ít nhất khoảng 6 tháng để đóng góp vào GDP, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Lý giải nguyên nhân gây ra nghịch lý kinh tế tăng trưởng - nội địa yếu kém, ông Thiên chỉ ra lạm phát thấp, lãi suất cao kéo dài; doanh nghiệp giỏi chống chịu nhưng chậm lớn, khó trưởng thành; tình trạng thừa tiền - thiếu vốn; doanh nghiệp khát vốn, đói vốn nhưng không thể, không dám vay; các “đầu tàu” kinh tế chạy chậm hơn toa tàu; ngoại lực lấn át…

Cốt lõi vấn đề, theo chuyên gia, đến từ bộ ba điểm nghẽn - tam bất thông, bao gồm nguồn lực bất thông suốt, cơ chế bất thông thoáng và quản trị bất thông minh.

"Tam bất thông" tạo nên một vòng luẩn quẩn, kìm hãm sự phát triển của khu vực nội địa. Doanh nghiệp thiếu vốn, khó tiếp cận thị trường, gặp rào cản về thể chế, dẫn đến năng lực cạnh tranh yếu, khó mở rộng quy mô và phát triển bền vững.

PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, nếu không tháo gỡ được "tam bất thông", nghịch lý "ấm ngoài, lạnh trong" sẽ tiếp tục tồn tại, gây ra những hệ lụy. Đáng mừng là Việt Nam đang nỗ lực để khắc phục các điểm nghẽn này.

"Chúng ta đang nỗ lực điều chỉnh cơ chế chính sách đối với khu vực kinh tế nội địa để doanh nghiệp không phải chịu khổ vì lãi suất cao, thủ tục phiền hà, chi phí giao dịch quá lớn... Làm được điều đấy tôi tin rằng môi trường đầu tư của chúng ta sẽ tốt lên", ông nói.

Đề cập về triển vọng 2025, ông Thiên cho biết kinh tế thế giới đang đối mặt với những thách thức già hóa dân số, xung đột toàn cầu…đòi hỏi tích hợp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đó là những thách thức sống còn nhưng đồng thời là cơ hội cho Việt Nam vươn lên.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//goc-nhin-chuyen-gia/tam-bat-thong-gay-ra-nghich-ly-tang-truong-kinh-te-khu-vuc-noi-dia-1103615.html
Zalo