Hoa cà phê nở trắng núi đồi
Tháng 3 sắp đến, hoa cà phê nở trắng núi đồi, hương hoa dịu nhẹ, tạo nên một nét đặc trưng cho vùng đất Đắk Lắk.
Những ngày cuối tháng 2, hoa cà phê ở Đắk Lắk nở rộ, phủ trắng núi đồi. Thời điểm này, nhiều du khách cũng tranh thủ tìm đến các vườn cà phê để ngắm hoa, chụp hình làm kỉ niệm.
Loài hoa giản dị mà quyến rũ
Tháng 3 sắp đến, đây cũng là thời điểm những nương rẫy cà phê ở Đắk Lắk bắt đầu khoe sắc, phủ trắng núi đồi ở Đắk Lắk.

Hoa cà phê trắng tinh khôi. Ảnh: L.N
Hương hoa cà phê dịu nhẹ, sắc hoa trắng tinh khôi đã tạo nên một bức tranh thiên nhiên đẹp, đặc sắc, nhẹ nhàng và lãng mạn. Bởi thế, từ lâu hoa cà phê đã trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên của Đắk Lắk-thủ phủ cà phê của Việt Nam.
Đưa tay nâng nhẹ một chùm hoa cà phê trong rẫy của mình, chị H’Thơm Niê (ngụ xã Cư Suê, huyện Cư M’Gar), cho biết loài hoa này rất giản đơn, bình dị nhưng lại có sức thu hút riêng biệt.
“Những chùm hoa nhỏ li ti, trắng muốt là hình ảnh rất đặc trưng của Đắk Lắk dịp này. Vì mùi hương đặc trưng nên ai đã một lần ngửi hương hoa cà phê sẽ rất khó quên. Với bà con chúng tôi, hoa cà phê nở rộ đánh dấu một chu kỳ mới, một mùa cà phê mới” - chị H’Thơm nói.

Những chùm hoa cà phê trắng tinh khôi đang nở rộ. Ảnh: T.T
Chị H’Thơm cho hay hoa cà phê chỉ nở rộ từ cuối tháng 2 đến tháng 4 hàng năm. Vì vậy, chị mong du khách đến Đắk Lắk dịp này, ngoài những ly cà phê đặc sản nổi tiếng thì đừng quên tìm đến những vườn hoa cà phê để ngắm vẻ đẹp bình dị, thưởng thức mùi hương dịu êm của hoa.
“Màu trắng tinh khôi và hương thơm dịu êm của hoa chắc chắn sẽ để lại trong mọi người những kỷ niệm đẹp, không làm mọi người thất vọng” - chị H’Thơm nhắn nhủ.

Nhiều du khách thuê trang phục rồi đến chụp hình cùng hoa cà phê. Ảnh: L.N
Vượt hơn 300km từ TP.HCM đến Đắk Lắk công tác, ông Lê Hoài Phương cũng tranh thủ ghé vào các vườn cà phê tại TP Buôn Ma Thuột để ngắm hoa, chụp hình làm kỷ niệm.
Theo ông Phương, ông thích hoa cà phê vì nó có hương thơm ngọt ngào, dịu nhẹ như thấm vào từng ngóc ngách của không gian, lan tỏa khắp những ngôi làng, vườn rẫy.

Du khách thích thú chụp hình giữa những vườn cà phê thơm ngát hương hoa. Ảnh: T.T
“Hương hoa cà phê không nồng nàn, mạnh mẽ mà thanh thoát, êm dịu như một khúc nhạc nhẹ nhàng giữa cái nắng ấm áp của Tây Nguyên. Mỗi dịp lên Đắk Lắk thời điểm này, tôi đều đi vào các khu vườn để ngắm hoa cà phê” - ông Phương nói.
Con ong lấy mật, cần mẫn như người nông dân
Theo anh Nguyễn Minh Tiến (ngụ xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột), sau mỗi đợt thu hoạch quả cà phê, bà con nông dân lại cắt cành, bón phân, bổ sung dưỡng chất cho cây.
Thời điểm cà phê ra hoa là thời điểm rất quan trọng. Vì vậy, dù bận rộn tới đâu, bà con nông dân cũng phải túc trực, tưới đủ ba đợt tưới để cà phê đủ nước, bung hoa.

Một bé gái thích thú ngửi mùi hương của hoa cà phê. Ảnh : T.Tr
“Nếu không tưới kịp thời điểm này, cây cà phê mất nước, gây héo hoa và không thể cho năng suất được. Thời điểm cà phê nở hoa là thời điểm rất quan trọng, nếu lơ là thì có thể mất trắng cả vụ mùa” - anh Tiến nói.
Theo ghi nhận của PV, trên những cánh đồng cà phê nở hoa trắng muốt, ngoài việc tưới bằng hệ thống tự động, nhiều nông dân còn kéo vòi nước, tỉ mẩn tưới từng gốc cây để cà phê đủ nước, sung sức, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Trên những cành hoa cà phê đã nở, ong, kiến từng đàn đua nhau đến hút nhụy, lấy mật để tha về tổ. Con ong, con kiến cũng cần mẫn như những người nông dân đang vất vả trên đồng.

Con ong chăm chỉ lấy mật. Ảnh: T.T
Ngày nay, với việc đang dạng sản phẩm từ cà phê, một số nông dân tại xã Ea Kao, TP Buôn Ma Thuột cũng lựa chọn, tìm cắt những nhánh hoa cà phê kém chất lượng hoặc tỉa bớt cành hoa ở những cây quá dày hoa.
Tuy nhiên, những cành hoa cà phê cắt xong không phải bỏ phí mà được bán để cho một số đơn vị thu gom về chế biến trà cà phê hoặc lên men làm bia cà phê.
Theo ông Lê Văn Vương, Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Vương Thành Công, nhiều năm qua, công ty ông đã chế biến trà, cà phê để bán trên thị trường và được khách hàng đón nhận.

Đàn kiến cần mẫn tha mồi trên những nhánh cà phê. Ảnh: T.T
Ông Vương cho rằng việc chế biến trà từ hoa cà phê phần nào đó tận dụng được những cành hoa cà phê mà bà con cắt bỏ, phung phí trong quá trình tỉa cành, chăm cây.
“Cà phê làm ta thức, còn trà hoa cà phê làm ta dễ ngủ. Đây là nét rất độc đáo của cà phê. Việc làm trà hoa cà phê không chỉ giúp chúng tôi đa dạng sản phẩm mà phần nào đó còn giúp bà con cải thiện thu nhập” - ông Vương nói.