TS. Nguyễn Trí Hiếu: Còn nhiều ẩn số khiến mục tiêu lạm phát 4%/năm là khá thách thức

Tăng lương cơ sở, biến động giá xăng dầu, giá vàng, tỷ giá… còn nhiều ẩn số khiến mục tiêu lạm phát 4%/năm là khá thách thức cho Việt Nam.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳnăm 2023, đây là mức tăng cao hơn của bình quân các năm 2015, 2016, 2018, 2019,2021, 2022, 2023. CPI sẽ tác động lên lạm phát. Ông đánh giá thế nào về mục tiêu lạm phát mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra cho năm nay?

Khủng hoảng trên thế giới sẽ tác động đến giá cả thế giới và Việt Nam. Do đó, đây là thời điểm rất khó dự báo cho lạm phát Việt Nam trong cả năm 2024. 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát của Việt Nam là 4,08%. Mục tiêu lạm phát 4%/năm là khá thách thức cho Việt Nam. Nguyên nhân do từ nay đến cuối năm, còn rất nhiều ẩn số và biến số trên thị trường tài chính thế giới và nền kinh tế Việt Nam.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Aeon Hà Đông (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị Aeon Hà Đông (Ảnh: Nguyễn Hạnh)

Thứ nhất, từ 1/7/2024, Chính phủ điều chỉnh tăng lương cơ sở. Bao giờ, điều chỉnh lương cũng sẽ tác động đến lạm phát, việc này không chỉ ở riêng ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Bởi lẽ, khi điều chỉnh lương, các nhà sản xuất kinh doanh sẽ nhìn thấy rằng, người dân có sức tiêu thụ nhiều hơn và họ tăng giá lên.

Mặt khác, từ nay đến cuối năm, có rất nhiều các yếu tố trên thị trường thế giới có thể ảnh hưởng đến giá cả của Việt Nam, nhất là vấn đề tỷ giá. Hiện tại, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa đưa ra một lộ trình giảm lãi suất tại Mỹ là như thế nào. Nhiều chuyên gia trên thế giới đưa ra dự báo rằng phải đến quý IV/2024 thì FED mới có thể giảm lãi suất và mức giảm cũng chỉ 0,25%.

Điều này đồng nghĩa từ nay đến cuối năm, lãi suất của Mỹ vẫn đứng ở mức cao và tại thời điểm này vẫn đang ở mức 5,25 – 5,5%, trong khi lãi suất qua đêm của Việt Nam ở mức 4,5%, có nghĩa rằng chênh lệch lãi suất giữa Mỹ và Việt Nam khoảng 1%, chênh lệch này sẽ đẩy tỷ giá lên.

Trong những ngày vừa qua, tỷ giá USD/VND ổn định, nhưng từ nay đến cuối năm, tỷ giá có thể sẽ tăng do chênh lệch lãi suất giữa đồng đô la Mỹ và Việt Nam đồng. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng hơn 5%. Từ nay đến cuối năm dưới các điều kiện hiện tại, tỷ giá này có thể tăng thêm 2% nữa.

Về thị trường vàng, mặc dù giá vàng không nằm trong giỏ tiền tệ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam nhưng giá vàng tác động đến yếu tố tâm lý, lạm phát. Hiện, giá vàng mặc dù đang có những tín hiệu rất tích cực thông qua phiên đấu thầu của Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng thương mại đã mua vàng từ Ngân hàng Nhà nước và bán ra trên thị trường. Điều này đã kéo giá vàng từ 92 triệu đồng/lượng xuống mức khoảng 77 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, ổn định thị trường vàng do 2 yếu tố. Theo đó, giá vàng kéo xuống sát với giá thế giới và cách giá thế giới khoảng 4-5 triệu đồng/lượng là phù hợp, tuy nhiên, nguồn cung phải đẩy ra. Người dân có nhu cầu vàng và phải thỏa mãn nhu cầu đó, tuy nhiên, hiện tại, nguồn cung còn tương đối hạn chế.

Tôi mong rằng, Ngân hàng Nhà nước đưa ra nguồn cung dồi dào để việc ổn định không chỉ dừng ở giá mà còn ổn định cung cầu và tạo được sự ổn định của thị trường vàng. Khi thị trường vàng ổn định sẽ không tác động đến lạm phát của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, nếu thị trường vàng bất ổn sẽ tác động đến tâm lý lạm phát, mặc dù giá vàng không nằm trong giỏ tiền tệ của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên, tâm lý giá vàng tăng thì giá cả tất cả các mặt hàng đều có thể tăng.

Về giá xăng dầu, đây là một trong những yếu tố quan trọng trong giỏ hàng hóa CPI, hiện giá dầu thế giới vẫn đứng ở mức 84 USD/thùng, với tất cả khủng hoảng trên thế giới, có thể từ nay đến cuối năm, giá dầu trên thế giới tăng, việc này khiến giá dầu tại Việt Nam tăng. Giá dầu tăng tác động đến toàn hệ thống, toàn nền kinh tế. Do đó, dự báo, lạm phát có thể cao hơn mức mục tiêu đặt ra là 4%.

Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, Chính phủ sẽ có những biện pháp để kiểm soát lạm phát tốt. Một trong những yếu tố thuận lợi cho lạm phát đó là tiêu dùng của chúng ta trong năm nay thấp. Tiêu dùng chiếm tỷ lệ khoảng 64% trên tổng GDP mà đáng lý ra phải ở mức 70%. Nếu mức tiêu dùng thấp, sẽ tác động làm cho chúng ta có thể kiểm soát được CPI tốt hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính

Thêm một việc khác nữa đó là tín dụng của Việt Nam từ đầu năm đến nay đang ở mức rất thấp, 6 tháng đầu năm 2024 chỉ tăng 4,45%, trong khi mục tiêu cho cả năm là 15%. 6 tháng qua rồi nhưng chưa đạt được một nửa mục tiêu đặt ra. Tín dụng tăng trưởng thấp cũng sẽ kiềm chế bớt lạm phát. Bởi tín dụng tăng trưởng mạnh quá, kéo theo một lượng tiền sẽ đổ vào trong lưu thông qua tín dụng và đẩy giá cả lên. Trong trường hợp này, tín dụng tăng trưởng thấp có nghĩa rằng một lượng tiền đang được kiểm soát vào trong lưu thông và từ đó tác dụng kiểm soát lạm phát.

Lạm phát 4% là rất thách thức, tuy nhiên, có những điều kiện thuận lợi của nền kinh tế trong nước và thế giới, trong đó, Chính phủ cũng đang có những biện pháp kiểm soát lạm phát để duy trì và đạt được mục tiêu là 4%.

Chính phủ vừa ban hành chính sách tiếp tục giảm thuế giá trị giá tăng (VAT) 2%. Trong bối cảnh hiện nay, việc kéo dài chính sách giảm thuế này sẽ tác động như thế nào đến người dân và doanh nghiệp, thưa ông?

Việc kéo dài thời gian giảm thuế VAT 2% đến cuối năm giúp người dân có nhiều tiền hơn để tiêu dùng dùng. Tuy nhiên, mức này là khá thấp. Tôi đã từng đề nghị nên giảm thêm 3% nữa, tức là kéo VAT mức trước đây là 10% xuống 5% để thúc đẩy tiêu dùng. 6 tháng đầu năm 2024, tiêu dùng chiếm tỷ lệ 64% trên tổng GDP, đáng lý phải ở mức 70%. Việc giảm thuế VAT sâu hơn và thời gian kéo dài hơn để kích cầu tiêu dùng, từ đó, có thể đạt được mức tăng trưởng kinh tế GDP đạt 6,5% cho cả năm 2024.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã sang thăm Hàn Quốc và kêu gọi doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam, ông kỳ vọng gì vào dòng vốn Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới?

Trong 6 tháng đầu năm, thu hút dòng vốn FDI có sự tăng trưởng tốt, riêng với Hàn Quốc, đây là quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất nhiều, tuy nhiên, kỳ vọng dòng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam còn tùy thuộc vào nền kinh tế của Hàn Quốc. Nếu nền kinh tế của Hàn Quốc tăng mạnh trong năm nay thì đầu tư FDI, trong đó, có đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ được tăng trưởng mạnh và ngược lại.

Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Những năm 2021- 2022, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam rất chậm, bước sang năm 2023 có sự cải thiện. Tôi tin rằng, đầu tư của các công ty Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm nay sẽ mạnh mẽ hơn so với những năm trước.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ts-nguyen-tri-hieu-con-nhieu-an-so-khien-muc-tieu-lam-phat-4nam-la-kha-thach-thuc-330544.html
Zalo