TS. Nguyễn Minh Phong: Việt Nam có lợi thế của 'người đi sau' khi xây dựng trung tâm tài chính quốc tế
Nhiều ý kiến lo ngại về sự thành công của Trung tâm tài chính quốc tế (TTTC) tại Việt Nam trong bối cảnh nhiều trung tâm tương tự ở thế giới và khu vực chưa thành công sau nhiều năm phát triển. Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong để làm rõ hơn những lợi thế cạnh tranh cũng như khả năng thành công của TTTC tại Việt Nam

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong
Trung tâm tài chính tại Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh cao hơn hẳn
* Thưa ông, ông đánh giá thế nào về triển vọng thu hút nhà đầu tư của TTTC tại Việt Nam so với các khu trung tâm khác trong khu vực?
TS. Nguyễn Minh Phong: Bây giờ nói về triển vọng so với các trung tâm trong khu vực thì khá khó vì trung tâm vẫn chưa hình thành, các trung tâm khác cũng đã xuất hiện khá lâu rồi, còn triển vọng lâu dài thì tùy thuộc vào quá trình vận hành của TTTC Việt Nam. Nhưng tôi cho rằng, chắc chắn, về lâu dài thì khả năng TTTC tại Việt Nam sẽ có sức cạnh tranh cao hơn hẳn tất cả các trung tâm của các quốc gia khác.
Có một vài lý do để có thể khẳng định điều này trong đó cần phải kể đến việc trong số các TTTC thì diện tích của Việt Nam là lớn nhất (ngoại trừ Ấn Độ, bởi thực chất Ấn Độ là lớn hơn hẳn sẽ cạnh tranh với các quốc gia tương đương). Đó là lý do mà hiện nay tất cả các nước đều đang muốn hợp tác với Việt Nam. Bên cạnh đó, mình chủ trương hòa bình nên nếu giữ được vai trò trung lập, hòa bình giống như Thụy Sĩ thì khả năng nước ta sẽ có triển vọng tốt hơn tất cả các nước khác trong vấn đề thu hút nhà đầu tư (NĐT), các tổ chức, định chế tài chính đến.
Có thể khẳng định, nếu Việt Nam mình khai thác được vị thế là quốc gia trung lập, ổn định, đảm bảo hòa bình và làm bạn với tất cả các bên thì triển vọng thu hút rất lớn. Chưa kể mình có lợi thế về sự ổn định, diện tích đất liền lớn, rồi lợi thế về kinh tế tăng trưởng cao và thị trường trong nước rất tốt. Ngoài ra, còn phải kể đến việc chúng ta hiện đang là điểm đến, là nơi hội tụ của nhiều chuỗi cung ứng mới.
* Nhiều ý kiến cho rằng, các TTTC tại các quốc gia khác thường phải mất rất nhiều thời gian mới có thể thành công trong việc thu hút nguồn vốn và thu hút nhà đầu tư đến giao dịch. Vậy theo ông, với TTTC của Việt Nam thì có cách nào để rút ngắn thời gian thành công không?
TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, các ý kiến nói về sự thành công của các TTTC khác cũng chỉ là nói theo kiểu “cứng”. Hơn nữa, trước đây, khi các TTTC mới hình thành thì kinh tế chưa phát triển, chưa có mạng internet rồi chưa có những cái chuỗi cung ứng dịch chuyển… Việt Nam hiện nay có thể nói là đi sau trong việc xây dựng TTTC nhưng lại có lợi thế của người đi sau như thứ nhất, có thể kể đến là kinh tế đang phát triển. Thứ hai là công nghệ đang phát triển rất mạnh. Thứ ba là mình đang “hứng” những luồng tái cơ cấu mới của các chuỗi cung ứng thế giới và thứ năm, đặc biệt quan trọng nữa là Việt Nam đang nổi lên như là một trong những quốc gia được lựa chọn của rất nhiều nước khác, kể cả các quốc gia bất đồng với nhau.
Ngoài ra, Việt Nam còn có thể chế thông thoáng hơn, cộng với các doanh nghiệp trong nước, dự án trong nước cũng có nhu cầu lớn. Tất cả những điều này cộng hưởng vào nhau, tạo ra được sức bật nhanh hơn rất nhiều so với quá khứ, tạo một cơ hội để Việt Nam bùng nhanh hơn trong việc xây dựng thành công TTTC. Có thể nói, điều kiện thay đổi của thế giới đã cho phép phát triển nhanh hơn rồi, cũng như các tỷ phú trên thế giới trước đây phải mất cả trăm năm mới có thể giầu nhưng hiện nay có khi chỉ vài năm mà đi đúng hướng đã bước vào danh sách tỷ phú thế giới rồi.
Tuy nhiên, tất cả những điều kiện thuận lợi nêu trên chỉ có thể hiện thực hóa khi mình nắm bắt được, khai thác được và làm tốt cũng như là phản ứng thị trường nhanh, phản ứng chính sách nhanh.

Việt Nam đang chuẩn bị các điều kiện về hành lang pháp lý để phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Ảnh. Lê Toàn
Các chính sách mở để thu hút nhà đầu tư là cần thiết nhưng cần có điều kiện kèm theo
* Thưa ông, nhiều góp ý cho dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về TTTC đang cho rằng, chúng ta đang mở quá nhiều quyền cho các NĐT như ưu đãi nhiều về thuế, không phải xin giấy phép, không cần có dự án khi vào trung tâm… Rồi các chính sách về sở hữu đất đai, nhà ở tại trung tâm như tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng nước ngoài để vay vốn đầu tư… Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?
TS. Nguyễn Minh Phong: Tôi cho rằng các chính sách này cũng mang lại lợi thế để có thể thu hút nhà đầu tư nhưng cũng có những chính sách “mở quá”. Ví dụ như về vấn đề đất đai, nếu cho nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhà thì cũng không sao bởi vì mình đã cho phép rồi. Nhưng nếu cho phép các nhà đầu tư mang quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được thế chấp ở các tổ chức tín dụng nước ngoài thì cũng mang lại nhiều băn khoăn.
Tuy nhiên, nếu chính sách này được thực thi thì điều quan trọng nhất là những hợp đồng giao đất ở trong TTTC phải có thời hạn và thời hạn này phải kèm theo những điều kiện thu hồi một cách bất khả kháng nếu nhà đầu tư hoặc các tổ chức được thế chấp làm sai mục đích sử dụng của nhà đất. Có điều kiện như thế kèm theo thì mới an toàn. Bởi chúng ta có thể đặt ra các trường hợp giả định, nếu không có các điều kiện kèm theo và sau khi sở hữu, nhà đầu tư lại mang đi thế chấp. Xong trong trường hợp các tổ chức nhận thế chấp lại sở hữu nhà đất này và họ sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, không theo định hướng trước đây thì chúng ta phải giải quyết thế nào.
Do đó, có các chính sách mở để thu hút nhà đầu tư là cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Đủ ở đây là mình phải có thêm những cái điều kiện là những điều kiện xử lý đất để sau khi đất này bị thế chấp nhưng không hoàn thành được nhiệm vụ trả nợ và bị thu thì người sở hữu mới phải có trách nhiệm sử dụng đất đúng công năng sử dụng như ban đầu của đất được giao, chứ không được sử dụng cho các mục đích khác. Và trong trường hợp sử dụng sai mục đích ban đầu thì sẽ bị thu hồi bất khả kháng, không đền bù. Phải có điều kiện kèm theo cụ thể như thế mới có thể đảm bảo an toàn được, để có thể tránh tối đa nhất những rủi ro có thể xảy ra về vấn đề sở hữu đất của người nước ngoài trong lãnh thổ Việt Nam.
Sẽ có nhiều “dòng hàng” chất lượng tại TTTC
* Theo ông, việc phát triển các “dòng hàng” chất lượng thu hút nhà đầu tư đến với TTTC của Việt Nam có khả quan không?
TS. Nguyễn Minh Phong: Cần phải phải nhớ rằng TTTC giống như một cái chợ, có thể bán hàng của mình cũng có thể bán hàng của thế giới, chứ không phải chỉ có riêng mặt hàng của mình được mang đến đây để hút NĐT. Theo tôi đánh giá, hiện nay, về hàng hóa của mình, cũng đang có nhiều hàng cần nhu cầu vốn để phát triển, bởi cũng có nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đã tìm kiếm nguồn vốn ở Mỹ như Vinfast.
Chưa kể, mình cũng còn nhiều tập đoàn lớn, nhiều mặt hàng mà Việt Nam đang là Top 5, Top 10 xuất khẩu. Rồi các dự án lớn cũng cần phải huy động vốn. Rõ ràng, dòng hàng chất lượng của mình là có, vấn đề là làm sao để các NĐT nước ngoài biết đến các cơ hội này và đầu tư. Ngược lại, cũng cần có các chiến dịch xúc tiến thương mại để nước ngoài có thể mang hàng đến Việt Nam để bán cho các NĐT không chỉ của Việt Nam mà còn cho các NĐT quốc tế.
Tuy nhiên, việc hút được NĐT cũng như dòng hàng chỉ có thể xảy ra khi có các điều kiện thuận lợi, ví dụ như phí hoa hồng hợp lý, bởi nếu phí giao dịch cao, đắt chẳng hạn thì NĐT cũng không lựa chọn, chủ hàng cũng không mang hàng đến Việt Nam để bán. Nhưng tôi cho rằng, khi các bên có nhu cầu thì cũng sẽ đưa ra những điều kiện thuận lợi để thu hút vốn. Thị trường sẽ tự điều tiết để TTTC có thể hấp dẫn được các NĐT cũng như hút các dòng hàng đến giao dịch.
Có thể nói, nếu mình tạo ra được môi trường thể chế tốt, bao gồm cả an ninh, chính trị ổn định, cả công nghệ phát triển, có độ an toàn và đặc biệt là tạo ra sự cạnh tranh do giảm chi phí cho tất cả các bên mua, bên bán thì lúc đấy dòng hàng sẽ đến cũng như sẽ hút được nhiều NĐT quốc tế. Trọng tâm của nhà nước là cần xây dựng phần cứng, hạ tầng, quy hoạch các kiến trúc cũng như hút được các trụ sở tài chính tại đây, để hội tụ thành “một cái chợ lớn” và xây dựng được các thể chế chính sách thuận lợi cho NĐT, bảo vệ an toàn cho NĐT, chống tội phạm tài chính, thực hiện các biện pháp khác kết nối liên thông quốc tế thuận tiện thì lúc đó dòng hàng sẽ tự đến.