TS Lê Duy Tân: 'Sinh viên không biết cách sử dụng AI sẽ mất dần khả năng thấu cảm'
Ngày 11/11, tại trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP. HCM), đã diễn ra workshop 'Ứng dụng AI trong học tập' mở đầu cho 'Tuần lễ đổi mới sáng tạo' năm 2024. Trong buổi chia sẻ, TS Lê Duy Tân - giảng viên khoa Công nghệ thông tin của trường cho rằng, sinh viên nếu không biết cách sử dụng AI sẽ mất dần khả năng thấu cảm.
AI không là mối đe dọa
Mở đầu buổi trò chuyện, TS Lê Duy Tân đã đưa ra ví dụ từ những thay đổi về công nghệ trong lịch sử phát triển của loài người: Toán học không bị đe dọa bởi sự ra đời của máy tính bỏ túi, bởi toán học, bao gồm cả khái niệm như đạo hàm và tích phân, vượt khả năng tính toán cơ bản của máy tính; mạng Internet ra đời cũng không thể xóa bỏ văn hóa đọc vì ngoài việc đến thư viện, con người có thể đọc các tài liệu trực tuyến. Tương tự, Chat GPT ra đời là xu thế chung của thời đại. “Dù không hẳn là mối đe dọa của con người, nhưng AI vẫn có tác động nhất định đến nền giáo dục nếu sử dụng sai cách”, TS Lê Duy Tân nhận định.
Theo TS Lê Duy Tân, Chat GPT là một phần mềm vận hành theo cơ chế xác suất thống kê. Nó như một đứa trẻ, cần được “đào tạo” và phụ thuộc vào tập dữ liệu đang có. Vì vậy, bản chất của Chat GPT không thể đạt 100% độ chính xác. Sai lệch kiến thức vẫn có thể xảy ra. Người dùng cần đủ bản lĩnh để biết đâu là đúng, đâu là sai. “Không thể phủ nhận lợi ích mà Chat GPT mang lại nếu biết cách tận dụng tốt, nhưng nếu phụ thuộc hoàn toàn vào công cụ này, người dùng có thể gặp phải rủi ro như lộ thông tin cá nhân do độ bảo mật kém. Việc lệ thuộc quá nhiều vào Chat GPT có thể khiến người trẻ mất dần khả năng thấu cảm", TS Lê Duy Tân nói.
Trong buổi chia sẻ, TS Lê Duy Tân trực tiếp sử dụng phần mềm Chat GPT để làm mẫu cho sinh viên. Chat GPT là công cụ phù hợp với người học ngoại ngữ khi có thể trả lời được hầu hết các câu hỏi và khả năng chuyển ngôn ngữ khá mượt mà. Cụ thể, với các câu lệnh: “Hãy giải thích thì hiện tại đơn trong tiếng Anh” và “giải thích thể て (te) trong tiếng Nhật”, phần mềm vẫn cung cấp được thông tin cơ bản và phát âm khá chuẩn.
Theo TS Lê Duy Tân, việc giải thích thì hiện tại đơn cho sinh viên đại học sẽ khác việc giải thích vấn đề này cho học sinh tiểu học. Một câu lệnh (prompt) hiệu quả sẽ cho ra thông tin hữu ích. Để tạo một “prompt” tốt trong Chat GPT khá khó, nhưng người dùng có thể áp dụng theo công thức: 1) Tạo cho Chat GPT một vai trò cụ thể (giáo viên dạy tiếng Anh, sinh viên năm nhất ngành Kinh tế...); 2) Tạo một ngữ cảnh (dạy cho em bé, dạy cho người lớn tuổi...); 3) Giao nhiệm vụ cho AI (giải toán, dạy tiếng Anh...); 4) Cho Chat GPT thêm ví dụ; 5) Cung cấp format cho phần mềm; 6) Thêm yêu cầu về văn phong (nghiêm túc, vui vẻ...). Việc áp dụng thêm 6 trụ cột trên khi đặt câu lệnh sẽ cho ra kết quả đúng yêu cầu hơn khi chỉ hỏi theo lối thông thường.
Hãy luôn trong tâm thế tiếp cận công nghệ
TS Lê Duy Tân cho biết, tác động của Chat GPT với giáo dục là vô cùng lớn. Trong các cuộc Cách mạng công nghiệp 1.0, 2.0 và 3.0, những người bị tác động đầu tiên là những người chưa được đào tạo kỹ lưỡng. Tuy nhiên, đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, những người bị ảnh hưởng đầu tiên lại là sinh viên. Ngành nghề nào cũng cần có nhân lực, nhưng vẫn sẽ bị tác động bởi thay đổi của thời đại. TS Lê Duy Tân nhấn mạnh những người biết sử dụng AI sẽ lấy đi việc làm của bạn trẻ chứ không phải AI. Sinh viên hãy luôn trong tâm thế tiếp cận công nghệ, sử dụng AI để hỗ trợ công việc. Theo đó, tiến sĩ cũng chia sẻ một số cách ứng dụng Chat GPT vào việc học.
Chat GPT có thể hỗ trợ sinh viên trong việc học và thi chứng chỉ IELTS với 3 kỹ năng (đọc, viết và nói). Tại workshop, dựa vào một đề thi có sẵn, TS Lê Duy Tân đã “nhờ” Chat GPT trả lời câu hỏi. Sinh viên có thể tự giải đề tiếng Anh, sau đó nhờ Chat GPT đưa lời giải để tham khảo. Ngoài việc đặt câu hỏi, Chat GPT có thể giải quyết các đề bài “mô tả hình ảnh”. Người học có thể đăng tải và yêu cầu phần mềm mô tả lại hình ảnh tùy theo đề bài. AI cũng có thể trở thành người chấm điểm cho bài làm của sinh viên, nhưng người dùng nên cẩn trọng với việc làm này. Bên cạnh đó, tính năng tải tài liệu của Chat GPT còn giúp người dùng đăng tải các tệp khác dưới nhiều định dạng như Word, PDF,... Chat GPT có thể giúp sinh viên ôn tập lại nội dung trọng tâm bằng cách tóm tắt nhanh kiến thức.
Theo TS Lê Duy Tân, Chat GPT có thể hỗ trợ tốt cho sinh viên trong việc tạo ra sơ yếu lý lịch (CV) chỉn chu và đủ thông tin. Câu lệnh để viết một CV được diễn giả đề cập bao gồm: 1) Cá nhân hóa; 2) Mô tả công việc; 3) Yêu cầu công việc; 4) Cấu trúc của CV; 5) Kỹ năng đã có của ứng viên.
Sinh viên cần tìm hiểu và học cách sử dụng Chat GPT nói riêng và công cụ trí tuệ nhân tạo nói chung để phục vụ cho học tập, công việc và đời sống. Muốn không phụ thuộc vào AI thì trước hết cần phải hiểu bản chất của trí tuệ nhân tạo và nâng cao năng lực tư duy của mỗi người. Chat GPT hay các công cụ thông minh khác là “trợ lý ảo” chứ không phải là “người thay thế". Mỗi cá nhân phải luôn cố gắng và nỗ lực trên chính hành trình của mình.
(TS Lê Duy Tân - giảng viên trường ĐH Quốc tế, ĐHQG TP. HCM)
Chat GPT là nơi thích hợp để giúp sinh viên tạo bài thuyết trình với slides. Phần mềm này có thể tạo nội dung theo chủ đề mà người dùng yêu cầu. Tuy nhiên, cũng theo TS Lê Duy Tân, những phần mềm AI như Chat GPT nếu dùng bản có tính phí thì sẽ cung cấp nhiều tiện ích hơn bản miễn phí vì sẽ bị giới hạn câu lệnh. Không chỉ thế, Chat GPT cũng có thể hỗ trợ sinh viên trong việc sử dụng phần mềm khác như Canva.
Trong phần cuối của workshop, TS Lê Duy Tân chia sẻ rằng, Canva sinh ra để thao tác thiết kế trở nên đơn giản, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Phần mềm này được sử dụng nhiều trong sinh viên và ngày nay đã được tích hợp thêm AI. Canva có nhiều công cụ tương tự như Chat GPT hỗ trợ người dùng trong việc tìm ý tưởng, soạn thảo văn bản, tạo dàn ý, chỉnh sửa hình ảnh, xóa nền... Nếu nhập câu lệnh đúng thì người dùng hoàn toàn tạo ra được kết quả như ý muốn. Tuy nhiên, cũng như Chat GPT, những tính năng cao cấp của Canva chỉ được kích hoạt khi người dùng trả phí.
Khép lại workshop, TS Lê Duy Tân nhắc lại việc sinh viên nên cẩn trọng khi “giao quyền” cho AI. Cần bảo mật tài khoản hai lớp và sử dụng từ hai mật khẩu trở lên để bảo đảm an toàn thông tin. AI chỉ là công cụ hỗ trợ, người chịu trách nhiệm chính cho sản phẩm vẫn là chính sinh viên.
'Thân thuộc', liệu có 'phụ thuộc'?
Tham dự buổi workshop, Nguyễn Duy Phước (năm thứ hai, ngành Công nghệ thông tin) là một người thường sử dụng Chat GPT trong học tập, cụ thể là liên quan đến việc giải bài toán khó, tìm kiếm khái niệm học thuật, nghiên cứu phần mềm dữ liệu... Trong tương lai, Phước vẫn sẽ dùng AI như một công cụ hỗ trợ học tập và những công việc khác.
Phạm Lê Sa My (khoa Quản trị Kinh doanh) chia sẻ, cô thường xuyên sử dụng AI như Chat GPT để nâng cao hiệu quả học tập. Sa My cho biết, Chat GPT giúp cô trao đổi, chỉnh sửa và hoàn thiện ý tưởng cho các bài học. Tuy nhiên, My vẫn còn gặp khó khăn bởi đôi khi AI không thể hoàn toàn hiểu được hết ý muốn của mình. Sau buổi workshop, Sa My sẽ học áp dụng cách đặt câu lệnh với Chat GPT từ diễn giả để nhận được kết quả tốt nhất.
TS Lê Duy Tân tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Khoa học Thông tin tại Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (JAIST). TS Lê Duy Tân là tác giả chính của hơn 30 công trình nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet Vạn vật (IoT) được đăng tải trên các tạp chí và hội thảo quốc tế. TS Lê Duy Tân cũng là cộng tác viên trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và trí tuệ nhân tạo cho một số tờ báo, tạp chí tại Việt Nam.