TS. Dư Văn Toán: Điện hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo và bền vững

Trao đổi với PetroTimes, TS. Dư Văn Toán - Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, điện hạt nhân không đơn thuần là một nguồn năng lượng, mà còn là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng sạch và bền vững. Sự kết hợp hài hòa giữa điện hạt nhân và năng lượng tái tạo sẽ góp phần xây dựng một tương lai năng lượng xanh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nhân loại trong khi vẫn bảo vệ môi trường.

Điện hạt nhân: Nền tảng cho phát triển năng lượng sạch và bền vững

Theo TS. Dư Văn Toán, trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng ngày càng gia tăng, điện hạt nhân nổi lên như một giải pháp khả thi để cung cấp năng lượng sạch và bền vững. Năng lượng hạt nhân không chỉ giúp giảm thiểu lượng khí thải gây ra hiệu ứng nhà kính mà còn đảm bảo nguồn cung năng lượng ổn định và đáng tin cậy.

Một trong những lợi ích chính của điện hạt nhân là khả năng tạo ra năng lượng với khối lượng đáng kể mà không phát thải khí CO2 trong quá trình vận hành. So với năng lượng từ than hay dầu mỏ, điện hạt nhân không chỉ làm giảm ô nhiễm không khí mà còn góp phần vào việc đạt được các mục tiêu phát thải carbon toàn cầu. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các quốc gia đang nỗ lực giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Theo TS. Dư Văn Toán điện hạt nhân được xem là một trong những giải pháp trọng yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu net-zero.

Theo TS. Dư Văn Toán điện hạt nhân được xem là một trong những giải pháp trọng yếu để Việt Nam đạt được mục tiêu net-zero.

Ngoài ra, năng lượng hạt nhân có hệ số công suất cao, đạt tới 90%, vượt trội hơn nhiều so với các nguồn năng lượng tái tạo như gió hay mặt trời. Điều đó có nghĩa là điện hạt nhân có thể vận hành ổn định, mang lại nguồn năng lượng đáng tin cậy bất kể điều kiện thời tiết. Đây chính là yếu tố then chốt để bổ sung cho các nguồn năng lượng tái tạo vốn thường xuyên gặp vấn đề về tính không ổn định.

Với sự phát triển công nghệ, các nhà máy điện hạt nhân hiện đại, như lò phản ứng thế hệ IV và các hệ thống lò phản ứng nhỏ, đang trở nên an toàn và hiệu quả hơn. Các cải tiến này không chỉ tăng cường độ an toàn mà còn tối ưu hóa quy trình sử dụng nhiên liệu, giảm lượng chất thải và tăng khả năng tái chế. Hơn nữa, các nhà máy điện hạt nhân ngày nay cũng yêu cầu diện tích đất hoạt động khá nhỏ, giảm thiểu tác động lên môi trường tự nhiên so với các nguồn năng lượng khác.

Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ, một cơ sở hạt nhân 1.000 MW điển hình chỉ cần hơn 1 dặm vuông để hoạt động, và toàn bộ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của ngành năng lượng Mỹ trong 60 năm qua có thể được lưu giữ dưới một sân bóng đá ở độ sâu không quá 10 mét. Điều này minh chứng cho sự hiệu quả và thân thiện với môi trường của điện hạt nhân.

Cũng theo TS. Toán, điện hạt nhân không đứng độc lập mà còn đóng vai trò làm nền tảng hỗ trợ cho các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và mặt trời. Với khả năng cung cấp điện liên tục, hạt nhân là giải pháp tối ưu để bù đắp sự thiếu hụt điện năng từ năng lượng tái tạo khi thời tiết không thuận lợi. Sự kết hợp này không chỉ tối ưu hóa sản xuất năng lượng mà còn giảm thiểu chi phí dài hạn cũng như bảo đảm an ninh năng lượng toàn cầu.

“Điện hạt nhân không đơn thuần là một nguồn năng lượng, mà còn là một trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng sạch và bền vững trên toàn thế giới. Với những lợi ích nổi bật, từ giảm phát thải carbon, cung cấp năng lượng ổn định, đến việc hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân đang góp phần xây dựng một tương lai năng lượng xanh cho nhân loại”, TS. Toán cho biết thêm.

Đáp ứng mục tiêu "netzero"

Mới đây, tại COP28, các quốc gia ủng hộ năng lượng hạt nhân đã cùng nhau tuyên bố mục tiêu tăng gấp ba công suất nguồn điện này vào năm 2050. Tuyên bố này được Mỹ đề xuất và có sự tham gia ký kết của 22 quốc gia, bao gồm Nhật Bản, UAE (nước chủ nhà), Pháp, Anh, Canada và một số quốc gia khác. Nhiều quốc gia cũng đồng tình với tuyên bố này, coi đây là một nỗ lực cân bằng giữa mục tiêu khử carbon, chống nóng lên toàn cầu và bảo đảm an ninh năng lượng.

Điện hạt nhân có nguồn điện nền ổn định, hỗ trợ giải quyết những khó khăn của năng lượng tái tạo.

Điện hạt nhân có nguồn điện nền ổn định, hỗ trợ giải quyết những khó khăn của năng lượng tái tạo.

Theo TS. Dư Văn Toán, Liên Hợp Quốc nhận định rằng sự gia tăng nhiệt độ không khí từ nửa cuối thế kỷ 20 chủ yếu do sự gia tăng khí thải nhà kính từ các hoạt động sản xuất và sự phát triển của các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Để giảm thiểu tác động này, cần có các biện pháp giảm phát thải nhanh chóng, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các nguồn năng lượng gây ô nhiễm.

Tại COP28, nhiều quốc gia cũng đã cam kết tăng gấp ba năng lượng tái tạo, như điện mặt trời và điện gió, đến năm 2030. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo có nhược điểm là không ổn định và yêu cầu diện tích đất lớn. Trong khi đó, điện hạt nhân có thể cung cấp một lượng điện ổn định lớn mà chỉ cần diện tích đất nhỏ. Vì vậy, điện hạt nhân không phải là đối thủ cạnh tranh với năng lượng tái tạo, mà là một phần không thể thiếu trong việc ổn định hệ thống điện và duy trì mục tiêu giảm phát thải carbon.

Trước thách thức về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng, các quốc gia đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới mục tiêu "net-zero" vào giữa thế kỷ XXI. Trong chiến lược này, điện hạt nhân đang trở thành một giải pháp khả thi và hiệu quả.

Điện hạt nhân không chỉ giúp sản xuất lượng điện lớn mà còn không phát thải carbon trong quá trình vận hành. Theo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Thế giới (IAEA), điện hạt nhân hiện chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện toàn cầu và đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải khí nhà kính. Việc phát triển và mở rộng các nhà máy điện hạt nhân có thể cung cấp một nguồn năng lượng ổn định, bền vững, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, TS. Dư Văn Toán cho rằng, công nghệ hạt nhân đã có những bước tiến vượt bậc về an toàn và hiệu quả. Các lò phản ứng thế hệ mới không chỉ giảm thiểu rủi ro tai nạn mà còn tối ưu hóa quy trình sản xuất điện. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ hạt nhân thế hệ thứ tư mở ra cơ hội tái chế nhiên liệu, giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên.

Dù vẫn còn một số lo ngại về an toàn và quản lý chất thải, điện hạt nhân cần được đầu tư và nghiên cứu sâu hơn để phát triển công nghệ bền vững. Việc nâng cao nhận thức cộng đồng và cải thiện quản lý chất thải hạt nhân sẽ là yếu tố quan trọng trong việc xây dựng sự đồng thuận xã hội và chính trị.

“Với những yếu tố trên, điện hạt nhân là một trong những giải pháp trọng yếu để Việt Nam đạt mục tiêu net-zero. Sự kết hợp giữa an toàn, công nghệ tiên tiến và chính sách phát triển năng lượng bền vững sẽ giúp điện hạt nhân đóng góp mạnh mẽ vào việc giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường cho Việt Nam trong tương lai”, TS. Dư Văn Toán nhận định.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ts-du-van-toan-dien-hat-nhan-dong-vai-tro-quan-trong-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao-va-ben-vung-724218.html
Zalo