Thầy cô đổ xô lo đăng ký kinh doanh dạy thêm: Cần chuẩn bị những điều kiện gì?

Thông tư 29 có hiệu lực khiến nhiều thầy cô, người dân đổ xô đi làm thủ tục đăng ký kinh doanh để dạy thêm. Các chuyên gia giáo dục cảnh báo, việc lựa chọn mở hộ kinh doanh hay trung tâm cần được cân nhắc kỹ càng.

Từ ngày 14/2, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Theo đó, những giáo viên trường công lập dạy thêm tại nhà không có giấy phép kinh doanh được xem là trái quy định.

Theo quy định: "Công chức, viên chức không được thành lập và quản lý doanh nghiệp nhưng được đăng ký kinh doanh hộ cá thể". Nhiều giáo viên trường công lập dựa trên căn cứ này nên tìm hiểu thủ tục đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, nếu đọc kỹ Thông tư 29, các giáo viên còn vướng phải quy định "giáo viên trường công lập không được tham gia quản lý và điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường".

Như vậy, đã là giáo viên trường công lập, dù biên chế hay hợp đồng, đều không được đăng ký kinh doanh dạy thêm lẫn thành lập trung tâm dạy thêm. Họ chỉ có thể đi dạy thêm dưới hình thức làm thuê cho các cơ sở dạy thêm hợp pháp.

Ghi nhận sáng 18/2, tại bộ phận một cửa của UBND các quận trên địa bàn Hà Nội, lượng giáo viên đến đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm khá đông.

Thầy giáo Nguyễn Văn Bình - một giáo viên dạy các lớp học thêm ở nhà, quy mô lớp học thêm từ 5-20 học sinh hoặc đông hơn nhưng chưa đăng ký kinh doanh nên từ giữa tháng 1, thầy Bình quyết định cho các lớp nghỉ học gần hết. Chỉ một vài lớp có quy mô nhỏ 3-5 học sinh, tạm thời chuyển qua dạy hình thức online.

Vấn đề của thầy Bình cũng như nhiều giáo viên tự do khác gặp phải là vướng mắc khi không thể làm thủ tục đăng ký kinh doanh để dạy thêm. Thầy giáo này băn khoăn, ông cũng như nhiều đồng nghiệp là viên chức thì không thể đứng tên pháp nhân để đăng ký kinh doanh nên phải nhờ người thân đứng tên. Nhưng ông không nắm rõ những quy định liên quan như phòng ốc, vấn đề phòng cháy chữa cháy có đáp ứng quy định không.

Thầy Bình cho hay, dự kiến việc thành lập công ty sẽ đội chi phí. Trước đơn giản chỉ cần phòng ốc, bàn ghế thì nay còn nhiều vấn đề cần đúng quy định. Nên giai đoạn đầu mở trung tâm, thầy đang tính đến việc dùng chính căn nhà của mình làm trụ sở.

"Tôi cũng chỉ dạy mấy chục học sinh, phòng ốc bàn ghế đều đủ cả, nhà cũng có các bình chữa cháy. Vì thế tôi không muốn thuê một địa điểm nào để dạy thêm, bởi thuê địa điểm là sẽ tăng chi phí khiến các em học sinh đi học thêm phải trả khoản phí cao hơn. Mà phí cao hơn thì học sinh sẽ đi học ít hơn", thầy Bình nói.

Cũng theo thầy Bình, mấy ngày qua, thầy nghiên cứu kĩ về thủ tục đăng ký kinh doanh để tiếp tục dạy thêm đúng quy định tại nhà.

"Về việc đăng ký kinh doanh, có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020. Nhưng chắc tôi sẽ tìm hiểu để đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh cho đơn giản hơn, tránh những chi phí không cần thiết"- thầy giáo này cho hay.

Điều kiện và thủ tục cần biết

Theo Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, giáo viên cần phải đăng ký kinh doanh để có thể tổ chức dạy thêm học thêm. Vậy giáo viên cần đáp ứng những điều kiện và chuẩn bị những hồ sơ, tài liệu nào để được tiếp tục hoạt động dạy học thêm là thắc mắc của nhiều thầy, cô.

Theo Điều 6 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, tổ chức, cá nhân dạy học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải thực hiện đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật và công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở về các môn học được tổ chức; thời lượng dạy thêm đối với từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, hình thức, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách người dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.

Về việc đăng ký kinh doanh, có thể đăng ký dưới hình thức hộ kinh doanh hoặc các loại hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.

Tuy nhiên, để tránh bị ràng buộc bởi các điều kiện nghiêm ngặt như khi thành lập doanh nghiệp và hạn chế phát sinh các thủ tục, chi phí, giáo viên nên lựa chọn hình thức đăng ký hộ kinh doanh dạy thêm, học thêm. Về trình tự, thủ tục đăng ký hộ kinh doanh, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định như sau:

Việc đăng ký được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh bao gồm các tài liệu sau: giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh; bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Về thời hạn, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

Theo Điều 14 Nghị định này, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.

Như vậy, để đăng ký hộ kinh doanh dạy học thêm, giáo viên cần chuẩn bị các hồ sơ theo quy định tại Nghị định 01/2021/NĐ-CP và nộp hồ sơ tại Phòng Tài chính - Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện.

Thời hạn phản hồi hồ sơ là 3 ngày làm việc, từ ngày nhận hồ sơ.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thay-co-do-xo-lo-dang-ky-kinh-doanh-day-them-can-chuan-bi-nhung-dieu-kien-gi-post1718328.tpo
Zalo