TS Đàm Quang Minh: Cấm dạy thêm sau 20h cứu học sinh khỏi kiệt sức

TS Đàm Quang Minh ủng hộ đề xuất cấm dạy thêm sau 20h của TP.HCM, đồng thời cho rằng chủ trương này sẽ giúp học sinh thoát khỏi nguy cơ kiệt sức vì học tập.

Dù đã năm trôi qua, TS Đàm Quang Minh, CEO khối giáo dục phổ thông của Tổ chức giáo dục EQuest, vẫn nhớ câu chuyện về một nữ sinh lớp 10 học trường tốp đầu tại Hà Nội.

Ngoài giờ học chính khóa, nữ sinh này còn tham gia 4 lớp học thêm, kéo dài đến tận tối muộn. Khi nhà trường tổ chức khám sức khỏe định kỳ, em được phát hiện thiếu ngủ nghiêm trọng, thường xuyên mệt mỏi. Về sau, em phải tạm nghỉ một học kỳ để điều trị chứng rối loạn lo âu.

Không riêng nữ sinh này, TS Đàm Quang Minh từng thấy nhiều học sinh trường tốp đầu tham gia nhiều lớp học thêm. Các em có vóc dáng nhỏ bé hơn bạn cùng trang lứa. Khi đó, ông nhận thấy học thêm quá nhiều đã dẫn tới việc các học sinh phát triển thể chất không đầy đủ ở độ tuổi cần phát triển cả trí tuệ lẫn thể chất.

Do đó, khi TP.HCM đề xuất cấm dạy thêm sau 20h, TS Minh rất ủng hộ. Ông nhận định đây là một đề xuất hợp lý và nhân văn, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.

Học sinh như “lao động ca đêm”

Từ góc độ chuyên môn và thực tiễn giáo dục, TS Minh cho rằng việc học thêm vào buổi tối muộn ảnh hưởng tiêu cực rõ rệt đến cả sức khỏe thể chất lẫn tâm lý của học sinh trung học - lứa tuổi vốn đang trong giai đoạn phát triển mạnh về thể chất, cảm xúc và nhận thức.

Hiện, học sinh, đặc biệt là những em ở đô thị lớn, có lịch học kéo dài từ sáng đến tối, xen giữa là các lớp chính khóa, học thêm, luyện thi và cả các lớp kỹ năng khiến nhiều em gần như không có thời gian nghỉ ngơi thực sự.

“Nếu ví học sinh như ‘người lao động ca đêm’, đáng tiếc điều đó lại đang đúng với không ít em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi chơi và tuổi cần được ngủ đủ”, ông Minh nói với Tri Thức - Znews.

 TS Đàm Quang Minh phân tích những tác hại của việc để trẻ học thêm quá muộn. Ảnh: FBNV.

TS Đàm Quang Minh phân tích những tác hại của việc để trẻ học thêm quá muộn. Ảnh: FBNV.

Ông cho rằng về mặt thể chất, học sinh học muộn thường đi ngủ trễ, dẫn đến thiếu ngủ mạn tính. Các nghiên cứu y khoa chỉ ra thiếu ngủ ở tuổi vị thành niên không chỉ khiến trí nhớ và khả năng tập trung suy giảm, mà còn ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, chiều cao, nội tiết và tăng nguy cơ béo phì, trầm cảm.

Còn xét về mặt tâm lý, học sinh học muộn dễ rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, mất cân bằng giữa học và nghỉ. Nhiều em không còn thời gian để vận động thể thao, chơi cùng bạn bè hay đơn giản là có những khoảng lặng để hồi phục cảm xúc. Trạng thái này kéo dài dẫn tới kiệt sức tinh thần (burnout), rối loạn lo âu, giảm tự tin và mất động lực học tập. Không ít học sinh biểu hiện bằng việc dễ cáu gắt, trầm cảm nhẹ hoặc xa cách với gia đình.

“Trên thế giới, nhiều quốc gia đã đặt việc nghỉ ngơi và giấc ngủ của học sinh vào trung tâm các chính sách giáo dục, đặc biệt là ở bậc phổ thông. Ví dụ, học sinh Phần Lan thường chỉ học đến chiều, không có bài tập về nhà quá nhiều và rất coi trọng thời gian nghỉ ngơi, thể thao, hoạt động xã hội. Hay tại Ireland, chương trình “năm học đổi thay” (transition year) thậm chí còn dành cả năm để học sinh khám phá bản thân thay vì nhồi nhét kiến thức”, TS Đàm Quang Minh nêu ví dụ.

Trong khi đó, học sinh Việt Nam hiện nay đang chịu áp lực rất lớn từ lịch học chính khóa, học thêm, luyện thi và cả các chương trình quốc tế như IELTS, SAT, A-Level để phục vụ cho việc xét tuyển đại học. Ông Minh lo rằng việc học kéo dài đến đêm không chỉ làm xói mòn sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu, phát triển cảm xúc và thậm chí gây mất cân bằng tâm lý.

Do đó, TS tin rằng việc giới hạn thời gian học thêm sau 20h là cần thiết, không chỉ để bảo vệ học sinh mà còn là bước đi cần thiết để định hướng lại cách học của chúng ta - từ nhồi nhét sang phát triển toàn diện và bền vững.

“Tôi ủng hộ đề xuất này và mong rằng không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác cũng sẽ có các chính sách tương tự để tạo điều kiện cho học sinh có được một cuộc sống học đường lành mạnh và nhân văn hơn”, TS Minh nhấn mạnh.

Nên nhân rộng đề xuất của TP.HCM

Nói thêm về nhu cầu học thêm của học sinh hiện nay, TS Đàm Quang Minh nhận định chương trình giáo dục phổ thông 2018 - sau nhiều năm chuẩn bị và triển khai - đã có những thay đổi rất đáng ghi nhận về tính linh hoạt, tính mở và khả năng cá nhân hóa theo năng lực, sở thích của học sinh.

 TS Đàm Quang Minh đề xuất nhân rộng chủ trương của TP.HCM để trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Ảnh: Khương Nguyễn.

TS Đàm Quang Minh đề xuất nhân rộng chủ trương của TP.HCM để trẻ được nghỉ ngơi nhiều hơn. Ảnh: Khương Nguyễn.

Tuy nhiên, việc học thêm phát sinh không chỉ vì chương trình chính khóa “thiếu truyền cảm hứng”, mà phần lớn do nhu cầu đa dạng và khác nhau của từng học sinh và từng gia đình. Ví dụ, một số em cần học thêm để củng cố kiến thức, một số em học thêm để thi chuyển cấp, có em lại học vì áp lực điểm số… Mỗi mục tiêu đều phản ánh một kỳ vọng riêng, không nhất thiết là sự thiếu sót của chương trình học chính khóa.

Thêm vào đó, cách triển khai chương trình ở một số nơi còn gặp khó khăn, như thiếu giáo viên được đào tạo bài bản theo triết lý mới, điều kiện cơ sở vật chất chưa đồng đều... Chính những yếu tố này phần nào làm giảm hiệu quả của chương trình mới.

“Tôi nghĩ không nên quy toàn bộ trách nhiệm cho chương trình chính khóa. Vấn đề cốt lõi là làm sao để nâng cao chất lượng triển khai thực tế để mọi người thấy rằng việc học chính khóa có thể đáp ứng tốt phần lớn nhu cầu học tập - thay vì đẩy thêm áp lực qua các lớp học ngoài giờ”, ông Minh nhấn mạnh.

Về đề xuất cấm dạy thêm sau 20h của TP.HCM, ông Minh cho rằng đây là một bước đi rất tích cực và nên được nhìn nhận như một phần của quá trình cải cách giáo dục, chứ không đơn thuần là giải pháp tình thế. TP.HCM có cách tiếp cận rất trách nhiệm, lấy học sinh làm trung tâm và tôn trọng các nhu cầu phát triển toàn diện của các em.

Theo ông, nhiều năm qua, chúng ta đã bàn rất nhiều về việc đổi mới giáo dục, nhưng nếu không bắt đầu từ những điều thiết thực nhất như giấc ngủ và thời gian nghỉ ngơi của học sinh, mọi đổi mới ở tầm chương trình, sách giáo khoa hay phương pháp giảng dạy cũng khó mang lại hiệu quả thực chất. Học sinh không thể phát triển tốt nếu ngày nào cũng về nhà sau 21h rồi thức đến khuya làm bài tập.

“TP.HCM đã đi bước đầu tiên, và tôi tin đây là một 'ngòi nổ tích cực' để các địa phương khác cùng suy nghĩ lại về cách tổ chức học tập cho học sinh. Việc nhân rộng chủ trương này là rất cần thiết, không phải để áp đặt cứng nhắc, mà để thiết lập giới hạn hợp lý nhằm bảo vệ học sinh khỏi lịch học quá tải. Bộ GD&ĐT cũng có thể nghiên cứu để ban hành quy chế tương tự cho toàn quốc”, TS Đàm Quang Minh đề xuất.

Thái An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ts-dam-quang-minh-cam-day-them-sau-20h-cuu-hoc-sinh-khoi-kiet-suc-post1546600.html
Zalo