Truyền tình yêu thổ cẩm Tây Nguyên đến thế hệ trẻ

Với mong muốn truyền tình yêu thổ cẩm Tây Nguyên đến thế hệ trẻ, nhà thiết kế K'Jona đã thiết kế những bộ thời trang cho trẻ cực dễ thương từ sự nhấn nhá, đan kết ngôn ngữ thời trang hiện đại phương Tây trên nền chất liệu thổ cẩm truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên.

Model Kids từ thổ cẩm Tây Nguyên - mẫu thiết kế của nhà thiết kế K'Jona

Model Kids từ thổ cẩm Tây Nguyên - mẫu thiết kế của nhà thiết kế K'Jona

Nhà thiết kế K’Jona - chủ nhân thương hiệu thời trang Jona Bridal tại Đà Lạt, chia sẻ: “Mỗi dân tộc thiểu số bản địa ở Tây Nguyên sẽ có một cách phối màu riêng cho thổ cẩm. Từ cách phối màu riêng đó, các họa tiết và hoa văn cũng rất khác nhau, tạo nên những mảng màu văn hóa đa sắc cho tôi có thêm nhiều lựa chọn các mẫu vải thổ cẩm phù hợp để thiết kế những bộ thời trang cho trẻ”. Anh lấy thí dụ: “Thổ cẩm của người K’Ho thường có màu nền chủ đạo là xanh - đen, trong khi người Ê Đê lại chọn màu nền thổ cẩm là đỏ - đen, người Churu chọn màu trắng làm màu chủ đạo cho thổ cẩm, người Sedang thì ưa thích sử dụng màu chàm - đỏ để tạo màu nền thổ cẩm...”. Sự am hiểu về thổ cẩm (màu sắc, họa tiết, hoa văn, đặc tính chất liệu...) đã giúp nhà thiết kế K’Jona thiết kế được nhiều mẫu thiết kế ưng ý, phô diễn vẻ đẹp độc đáo của thổ cẩm, được nhiều khách hàng yêu thích.

Theo chị Ka Triều - một khách hàng thường xuyên của thương hiệu thời trang Jona Bridal, với những mẫu thiết kế của nhà thiết kế K’Jona, nó không chỉ là thông điệp gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, còn là lời khẳng định sức sống lâu dài của thổ cẩm trong dòng chảy thời gian. Thực tế cũng chứng minh, thổ cẩm Tây Nguyên ngày nay đã vượt khỏi không gian địa lý bon làng, tự tin tỏa sáng ở những kinh đô thời trang thế giới như Milan (Italy), Paris (Pháp)... Nói lý do chọn thương hiệu thời trang Jona Bridal của nhà thiết kế K’Jona cho các show thời trang của những học viên nhí Sunflower, chị Đặng Thị Trinh cho biết: “Bên cạnh việc tôn nổi vẻ đẹp của thổ cẩm, ngôn ngữ thời trang của nhà thiết kế K’Jona cũng rất hiện đại, độc, lạ”.

Tự tin kể những câu chuyện mới - câu chuyện tiếp biến văn hóa Tây Nguyên bằng ngôn ngữ thời trang hiện đại phương Tây, nhà thiết kế K’Jona đã tạo cho thổ cẩm một sắc diện khác: tươi trẻ, năng động, độc đáo... Việc thổ cẩm Tây Nguyên được sử dụng nhiều trong thiết kế thời trang còn góp phần tạo sinh khí mới cho nghề dệt thổ cẩm thủ công truyền thống của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Âm thanh khung dệt trong bon cũng theo đấy mà rộn rã hơn xưa. Nghệ nhân Cil Ka Jrai tâm sự: “Nhờ có những nhà thiết kế như nhà thiết kế K’Jona mà thổ cẩm thêm cơ hội để khẳng định sự “không đụng hàng”. Tất nhiên, muốn làm được điều đó, thổ cẩm cần được sáng tạo thêm một lần nữa qua ngôn ngữ thời trang để mang một sắc diện mới - sắc diện trẻ trung, đầy khát vọng”.

Theo chia sẻ của nhà thiết kế K’Jona, Model Kids từ thổ cẩm Tây Nguyên chỉ là một phần nhỏ trong những mẫu thiết kế thời trang của mình. Anh còn thiết kế các mẫu thời trang công sở, thời trang dạ hội cho người lớn bằng thổ cẩm Tây Nguyên, cũng như các mẫu nội thất nhà, xe cao cấp khác.

TRỊNH CHU

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/ban-tre/202505/truyen-tinh-yeu-tho-cam-tay-nguyen-den-the-he-tre-7da08e3/
Zalo