'Truyền thông ngược', công cụ trục lợi
Lịch sử không thể bị mang ra mặc cả trên chợ phiên mạng xã hội. Và đạo lý dân tộc không thể bị hoen ố bởi một vài kẻ muốn 'nổi' bằng cách chà đạp lên ký ức thiêng liêng.
Không phải ngẫu nhiên mà vào mỗi dịp lễ lớn của dân tộc (Ngày thống nhất đất nước 30-4; Quốc khánh 2-9…), mạng xã hội lại xuất hiện một vài phát ngôn gây tranh cãi, xuyên tạc lịch sử, thậm chí xúc phạm những giá trị thiêng liêng của đất nước để trục lợi.
Những phát ngôn này thường rơi vào một số KOLs, người nổi tiếng, nghệ sĩ, MC, người mẫu… Và rồi, quy trình quen thuộc lặp lại: Phát ngôn sốc – mạng xã hội phẫn nộ – lên bài xin lỗi – rồi “bỗng nhiên nổi tiếng”.
Hiện tượng này không còn lạ và dễ thấy rằng, mục tiêu của những hành vi này không nằm ở việc góp phần cho một cuộc thảo luận lịch sử hay phản biện mang tính xây dựng, mà là để gây sốc, tạo tranh cãi, khuấy động dư luận. Đây là biểu hiện của cái gọi là “truyền thông ngược” – một kiểu thao túng truyền thông bằng sự phản cảm. Nó đánh trúng tâm lý “click để giận dữ”, “chia sẻ để phản đối” của cộng đồng mạng, từ đó đẩy người phát ngôn lên xu hướng tìm kiếm, thu hút hàng triệu lượt tương tác trong thời gian ngắn.

Ảnh minh họa: MẠNH TIẾN/QĐND
Cái nguy hiểm của “truyền thông ngược” không chỉ ở nội dung lệch chuẩn, mà nằm ở hệ quả: Tạo ra một thế hệ người trẻ nghĩ rằng nói bậy, nói láo, nói ngược chiều dư luận là cách nhanh nhất để nổi tiếng.
Cứ thử nhìn lại sau mỗi scandal: Người phát ngôn sau vài ngày “làm sóng”, được phỏng vấn, xin lỗi rồi nhận hợp đồng quảng cáo, xuất hiện tại các sự kiện… và liệu chúng ta có đang đánh mất tiêu chuẩn đạo đức trong việc đánh giá người có ảnh hưởng?
Không thể phủ nhận rằng mạng xã hội là môi trường tự do nhưng tự do không có nghĩa là tự tung tự tác, tự do không đồng nghĩa với xuyên tạc và xúc phạm. Điều đáng buồn là nhiều người trong số này vốn có học thức, có địa vị xã hội nhất định, từng xuất hiện trong các chương trình lớn và việc họ lựa chọn cách “làm bẩn tay” bằng những phát ngôn lệch lạc cho thấy một sự suy thoái về nhân cách, và quan trọng hơn, một sự khinh thường lịch sử.
Cần nhấn mạnh rằng lịch sử không phải món hàng để lôi ra câu view, không phải là công cụ để trục lợi cá nhân. Lịch sử là ký ức tập thể của dân tộc, là máu, là nước mắt của biết bao thế hệ. Mỗi lời nói sai về lịch sử là một nhát chém vào lòng tự tôn dân tộc. Càng tệ hại hơn khi những phát ngôn ấy lại được nhiều người chia sẻ, bàn tán, rồi bị “thanh minh” như thể đó là chuyện nhẹ nhàng, chỉ là “hiểu nhầm”.
Phải nhìn thẳng hiện tượng “xin lỗi để được tha thứ” đã trở thành một công cụ chính thức trong chiến lược truyền thông ngược. Khi mức độ giận dữ của dư luận vừa tới đỉnh, những lời “ăn năn” được đưa ra – đầy nước mắt, kèm theo tuyên bố “tôi không cố ý”, “chỉ muốn chia sẻ cảm xúc cá nhân”. Nhưng liệu đó có là sự tính toán, dàn dựng để đẩy scandal lên cao trào, rồi khép lại trong tiếng vỗ tay của những hợp đồng quảng cáo mới.
Chúng ta không thể tiếp tục đứng nhìn. Không thể để mạng xã hội trở thành “chiếc lưới vàng” cho những kẻ câu fame rẻ tiền. Cần có sự can thiệp quyết liệt hơn từ phía các cơ quan quản lý, không chỉ bằng biện pháp xử phạt hành chính, mà cả những biện pháp chế tài nghiêm ngặt hơn đối với hành vi xuyên tạc lịch sử, lợi dụng truyền thông để trục lợi cá nhân. Đồng thời, các nền tảng mạng xã hội cũng cần có cơ chế lọc nội dung phản cảm, hạn chế đề xuất những tài khoản từng vi phạm nghiêm trọng về phát ngôn.
Nhưng trên hết, mỗi người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo. Đừng tiếp tay cho những trò lố bằng sự quan tâm vô thức. Đừng share chỉ để “lên án”, đừng bình luận chỉ để “bày tỏ sự giận dữ”. Bởi mỗi lượt tương tác, mỗi cái nhìn đầy phẫn nộ cũng là một cú đẩy cho kẻ phát ngôn lên cao hơn trong bảng xếp hạng trending.
Lịch sử không thể bị mang ra mặc cả trên chợ phiên mạng xã hội. Và đạo lý dân tộc không thể bị hoen ố bởi một vài kẻ muốn “nổi” bằng cách chà đạp lên ký ức thiêng liêng.
Đã đến lúc không chỉ nói “phẫn nộ” mà phải hành động – bằng cách không quan tâm, không tiếp tay, không dung thứ cho bất kỳ ai coi thường lịch sử và lợi dụng ký ức dân tộc để kiếm tiền.