Trách nhiệm phát ngôn của người nổi tiếng
Mạng xã hội đang giúp những người nổi tiếng có thể trực tiếp kết nối với công chúng. Tuy nhiên, khi khoảng cách giữa người nổi tiếng và khán giả trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, thì áp lực giữ gìn hình ảnh, phát ngôn đúng mực cũng vì thế mà lớn hơn gấp bội. Bởi một phát ngôn thiếu chuẩn mực có thể lan truyền rất nhanh và gây hậu quả nghiêm trọng…
Phát ngôn vô cảm
Mới đây, trong không khí cả nước đang hướng về kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mạng xã hội lại xôn xao bởi những tranh luận xoay quanh các phát ngôn gây bức xúc.
Cụ thể, MC Bích Hồng là gương mặt quen thuộc từng xuất hiện trên sóng truyền hình, đã bày tỏ sự bức xúc về tình trạng ùn tắc giao thông do việc tập luyện diễu binh. Phát ngôn này lập tức thổi bùng một làn sóng chỉ trích, nhiều người cho rằng đó là sự thiếu tôn trọng với một ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt với cả dân tộc.
Á hậu Hòa bình Việt Nam 2022 Quỳnh Châu ngày 22/4 cũng viết trên trang cá nhân dòng trạng thái tương tự. Status này lập tức gây tranh cãi trên mạng xã hội. Nhiều ý kiến chỉ trích cô thiếu suy nghĩ, không có lòng biết ơn và tự hào dân tộc.
Còn người mẫu - ca sĩ Lê Trung Cương cũng trở thành tâm điểm tranh cãi khi đăng tải dòng trạng thái có nội dung tương tự.
Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, các sự việc trên không chỉ là những “lỗi cá nhân” đơn lẻ, mà thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh về nhận thức, trách nhiệm và cảm quan văn hóa - chính trị của một bộ phận người nổi tiếng trong thời đại số.
Điểm chung trong những phát ngôn gây tranh cãi này chính là sự thiếu đồng cảm, thiếu hiểu biết và thiếu kiểm soát trong ứng xử trước các sự kiện có ý nghĩa chính trị - lịch sử trọng đại. Có thể những lời nói ấy không ác ý, nhưng sự “hồn nhiên”, “bốc đồng”, hay cái nhìn phiến diện về một sự kiện lớn của dân tộc, đã vô tình chạm vào lòng tự hào của hàng triệu người Việt Nam.
“Điều khiến dư luận bức xúc không chỉ là nội dung phát ngôn, mà là cảm giác bị tổn thương bởi sự thiếu tôn trọng đối với những hy sinh và thành quả mà cả dân tộc đã đánh đổi suốt bao nhiêu năm để có được ngày hôm nay. Khi những người trẻ - nhất là người nổi tiếng - thể hiện sự vô cảm hoặc coi nhẹ điều đó, thì dư luận phản ứng không phải vì giận dữ, mà vì thất vọng” - ông Sơn nói.
Cùng quan điểm, TS Phạm Việt Long - nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản lý Viện Nghiên cứu văn hóa và phát triển, cho rằng, mỗi công dân đều có quyền tự do ngôn luận, nhưng quyền đó không đồng nghĩa với việc muốn nói gì cũng được, nhất là khi phát ngôn liên quan đến những vấn đề lịch sử trọng đại như ngày thống nhất đất nước.
“Những phát ngôn gần đây của một số người nổi tiếng, dù có thể xuất phát từ góc nhìn cá nhân nhưng đã gây ra sự bức xúc trong dư luận vì thể hiện sự thiếu cẩn trọng, thiếu ý thức về giá trị lịch sử và cảm xúc chung của cộng đồng. Đây là lời nhắc nhở rằng sự hiểu biết, thái độ đúng mực và tinh thần trách nhiệm là điều không thể thiếu khi tham gia đời sống xã hội, nhất là với những người có ảnh hưởng” - ông Long nhấn mạnh.
Phát ngôn có trách nhiệm
Phát ngôn là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng đi kèm với đó là trách nhiệm, đặc biệt khi người phát ngôn có ảnh hưởng đến cộng đồng. Sự thận trọng không chỉ là một kỹ năng cần thiết, mà còn là biểu hiện của sự trưởng thành trong hành xử và ý thức công dân. Người nổi tiếng, khi đứng trước công chúng, cần hiểu rằng lời nói của mình có thể góp phần khơi gợi cảm xúc, định hình quan điểm, thậm chí ảnh hưởng đến hành động của nhiều người khác.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, họ không thể chỉ xuất hiện với vẻ ngoài chỉn chu, mà còn cần một chiều sâu văn hóa tương xứng với vị trí xã hội. Càng nổi tiếng, càng phải hiểu mình đang đại diện cho ai, đang mang theo trách nhiệm gì. Người nổi tiếng, phải luôn phát ngôn có trách nhiệm.
Trách nhiệm ấy là hiểu được hoàn cảnh, bối cảnh và hậu cảnh của mỗi lời mình nói ra. Trách nhiệm ấy là biết phân biệt giữa cảm xúc cá nhân và giá trị cộng đồng. Trách nhiệm ấy là biết rằng, một dòng trạng thái có thể ảnh hưởng đến nhận thức, thái độ và cả hành vi của hàng trăm nghìn người theo dõi.
“Với những người đang hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, nghệ thuật – những người có ảnh hưởng đặc biệt trên mạng xã hội hãy sống chậm lại một chút trước khi chia sẻ quan điểm. Đừng để cảm xúc lấn át lý trí, và đừng để “tự do ngôn luận” trở thành lý do biện hộ cho sự thiếu chuẩn mực”- ông Sơn nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Hương Giang bày tỏ: Nghệ sĩ, người nổi tiếng thường là "nơi gửi gắm niềm tin" của công chúng. Vì vậy, những nghệ sĩ nổi tiếng được "định vị" như là "hình ảnh đại diện" cho một lĩnh vực nghệ thuật, văn hóa. Việc nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn hay phát ngôn "thiếu chuẩn mực" không chỉ làm "lung lay" niềm tin yêu của công chúng đối với họ, mà còn bộc lộ sự phản cảm về mặt "hình ảnh" đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật - nơi họ đang hoạt động.
Do đó khi nghệ sĩ, người nổi tiếng thực hiện phát ngôn về một sự kiện văn hóa, lịch sử nào đó, điều cần nhất là phải có nhận thức đầy đủ về sự kiện, lĩnh vực mà họ phát ngôn! Bạn không thể phát ngôn chính xác, đầy đủ nội dung về một sự kiện văn hóa, lịch sử khi mà bạn chưa hiểu hết, hiểu rõ về nó. Ngoài tri thức, kiến văn đầy đủ về sự kiện mà người nghệ sĩ, người nổi tiếng dự định phát ngôn thì cũng rất cần "trách nhiệm công dân", "trách nhiệm xã hội" trong mỗi phát ngôn của họ.
Dù cả 3 “nhân vật” được nhắc tới trong bài viết này ngay sau đó đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng về sự thiếu chín chắn của mình, tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, khi người nổi tiếng ý thức được vai trò của mình không chỉ là “người trình diễn”, mà là người kiến tạo văn hóa, người dẫn dắt tinh thần thời đại, thì xã hội sẽ không chỉ có những thần tượng lấp lánh, mà còn có những biểu tượng văn hóa đích thực - những người mang trong mình trí tuệ, bản lĩnh và lòng yêu nước sâu sắc.