Truyền thống 125 năm - Động lực to lớn để Bắc Kạn phát triển
Nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập tỉnh Bắc Kạn, phóng viên Báo Bắc Kạn phỏng vấn đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh về những giá trị truyền thống đáng tự hào của tỉnh và định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy (người thứ 3, từ trái qua phải) thị sát tiến độ xây dựng Nhà máy sản xuất, gia công giày, dép, đế giày xuất khẩu Bắc Kạn tại CNN Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn). (Ảnh tư liệu)
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí đã nhận lời tham gia cuộc phỏng vấn. Thưa đồng chí, nhìn lại chặng đường 125 năm qua, điều gì khiến chúng ta thấy tự hào nhất về Bắc Kạn?
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy: Có thể nói, 125 năm qua là một hành trình đầy tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bắc Kạn. Tự hào trước hết là truyền thống yêu nước, cách mạng kiên cường của Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà. Với vị trí địa chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng, từ xa xưa Bắc Kạn đã được coi là “miền quan yếu” ở phía Bắc của Tổ quốc. Ngay từ khi được thành lập vào ngày 11/4/1900, dưới ách cai trị hà khắc của thực dân Pháp, Nhân dân Bắc Kạn luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu nước, hun đúc ý chí quật cường. Lòng căm phẫn trước sự áp bức đã sớm bùng lên trong quần chúng, những cuộc đấu tranh yêu nước đã nổ ra dưới nhiều hình thức khác nhau, góp phần quan trọng vào cao trào cách mạng 1930-1945.
Trong kháng chiến chống Pháp, Bắc Kạn là căn cứ địa quan trọng của chiến khu Việt Bắc, nơi đặt trụ sở Trung ương Đảng và Chính phủ. Tại đây, Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được Nhân dân chở che, đùm bọc. Trung ương Đảng, Chính phủ đã hoạch định đường lối kháng chiến, đưa ra những quyết sách mang tầm chiến lược, quyết định vận mệnh của đất nước trong một giai đoạn lịch sử đấu tranh gian khổ, lãnh đạo toàn dân, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Khu di tích ATK Chợ Đồn ngày nay vẫn còn lưu giữ những dấu ấn hào hùng của giai đoạn đó. Với địa hình hiểm trở, Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã biến nơi đây thành “pháo đài thép” bất khả xâm phạm. Nhiều chiến dịch lịch sử đã khẳng định tinh thần chiến đấu quật cường của quân và dân Bắc Kạn như chiến dịch đường số 3 năm 1947, chiến thắng Đèo Giàng, trận công đồn Phủ Thông…, đã góp phần làm thất bại kế hoạch bình định của thực dân Pháp, buộc chúng phải rút khỏi Bắc Kạn. Vào ngày 28/3/1951, trên đường đi công tác, Bác Hồ đã đến thăm Liên phân đội thanh niên xung phong 312 đang làm nhiệm vụ tại cầu Nà Cù, thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông và tặng bốn câu thơ nổi tiếng, sau đó trở thành phương châm hành động của tuổi trẻ cả nước “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”…
Bước sang kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả cho tiền tuyến”, Đảng bộ, quân và dân Bắc Kạn tiếp tục ra sức thi đua sản xuất, đóng góp sức người, sức của chi viện cho miền Nam thân yêu, cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Không chỉ là hậu phương vững chắc, Bắc Kạn còn là nơi nuôi dưỡng cán bộ, cung cấp lực lượng cho khắp các mặt trận, những năm tháng đó, hàng vạn thanh niên đã xung phong lên đường nhập ngũ; trong đó hơn hai ngàn người con ưu tú đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường, gần một ngàn thương binh đã để lại một phần xương máu ngoài mặt trận…, điều đó càng minh chứng cho tinh thần bất khuất và đoàn kết của Nhân dân tỉnh nhà.
Sau tái lập tỉnh vào ngày 01/01/1997, Bắc Kạn đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ một tỉnh có xuất phát điểm rất thấp, hạ tầng và kinh tế lạc hậu, tỷ lệ nghèo chiếm tới trên 50%. Sau 28 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, chính quyền cùng tinh thần đoàn kết, chung sức đồng lòng của Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn, đến nay, kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, hạ tầng ngày càng hoàn thiện, đời sống Nhân dân không ngừng được nâng cao, quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của tỉnh đến năm 2024 đã giảm còn 19,46%.
Không chỉ có lịch sử cách mạng vẻ vang, Bắc Kạn còn tự hào bởi nền văn hóa giàu bản sắc, đồng bào các dân tộc cùng chung sống chan hòa đoàn kết; người dân cần cù chất phác, yêu lao động. Những giá trị di sản truyền thống như hát Then, đàn Tính, múa bát, nhiều lễ hội độc đáo…, được bảo tồn. Nhiều di sản thiên nhiên, di sản văn hóa tuyệt đẹp trong đó có hồ Ba Bể - viên ngọc xanh của vùng Đông Bắc được bảo vệ và quan tâm đầu tư, thu hút đông đảo du khách trong nước, quốc tế... Đây chính là những “tài sản” vô giá mà chúng ta luôn trân quý và phát huy.
Phóng viên: Những giá trị truyền thống ấy có thể trở thành động lực như thế nào để Bắc Kạn phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy: Truyền thống không chỉ là niềm tự hào mà còn là nền tảng để phát triển. Bắc Kạn có bề dày truyền thống lịch sử, có lợi thế về thiên nhiên, văn hóa và con người. Chúng ta phải biết khai thác đúng cách để tạo ra động lực phát triển đột phá trong thời gian tới. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, cần tập trung vào ba định hướng lớn:
Thứ nhất là phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng: Bắc Kạn sở hữu nhiều danh thắng thiên nhiên và di sản văn hóa, đặc biệt là hồ Ba Bể, Khu di tích ATK Chợ Đồn, di tích lịch sử - truyền thống cách mạng Nà Tu... Định hướng của tỉnh là đầu tư mạnh mẽ hơn để nơi đây trở thành điểm đến du lịch quốc gia. Song song với đó, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm gắn liền với di tích lịch sử, văn hóa bản địa nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Thứ hai là nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp: Tỉnh xác định trong nông nghiệp không chỉ dừng lại ở sản xuất nguyên liệu mà phải nâng cao giá trị gia tăng thông qua liên kết. Đến nay, toàn tỉnh có 245 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 03 sao trở lên, thuộc tốp đầu cả nước; trong thời gian tới cần thúc đẩy chế biến sâu các sản phẩm đặc sản như miến dong, cam, quýt, gạo Bao thai Chợ Đồn, tinh bột nghệ, bí xanh thơm... Tập trung phát triển chuỗi giá trị nông sản sạch, hữu cơ và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để giúp nâng cao năng suất và giá trị hàng hóa.
Bên cạnh đó, phát huy lợi thế có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước (73,28%), tỉnh tập trung phát triển kinh tế rừng gắn với công nghiệp chế biến, hoàn thiện các điều kiện để tham gia thị trường tín chỉ Carbon.
Thứ ba là thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp và hạ tầng: Bắc Kạn đang tập trung cải thiện môi trường đầu tư, thu hút nhà đầu tư. Đặc biệt, hệ thống giao thông kết nối đang dần hoàn thiện với tuyến Chợ Mới - Bắc Kạn và tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang, mở ra cơ hội lớn cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến nông lâm sản, khoáng sản theo hướng bền vững...
Phóng viên: Bên cạnh kinh tế, Bắc Kạn đã có những bước tiến đáng kể trong cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy. Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những kết quả nổi bật cũng như quyết tâm của tỉnh?
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy: Cải cách hành chính và tinh gọn bộ máy là nhiệm vụ trọng tâm mà Bắc Kạn thực hiện rất quyết liệt trong thời gian qua. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) của tỉnh hằng năm đều tăng, nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước.
Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017, và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc tinh giản biên chế, kết thúc hoạt động, sáp nhập nhiều sở, ngành, đơn vị sự nghiệp được thực hiện khẩn trương, bảo đảm thận trọng và khoa học. Sau sắp xếp tổ chức bộ máy, các đơn vị sau đều nhanh chóng đi vào hoạt động, không để ngắt quãng công việc, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Song song với tinh gọn bộ máy, Bắc Kạn cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành để giúp nâng cao hiệu suất công việc, góp phần xây dựng chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số tại địa phương.
Phóng viên: Trong bối cảnh đất nước đang mạnh mẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chúng ta kỳ vọng điều gì ở Bắc Kạn trong những năm tới, thưa đồng chí?
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Bí thư Tỉnh ủy: Trước xu thế phát triển và hội nhập, Bắc Kạn không chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng mà còn hướng tới một nền kinh tế bền vững, dựa trên phát triển xanh, du lịch sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và kinh tế rừng. Tỉnh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao đời sống người dân gắn với các chính sách an sinh xã hội bền vững.
Một vấn đề mà nhiều người quan tâm hiện nay là cả nước tiếp tục thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy và sáp nhập tỉnh nhằm tạo không gian, dư địa cho phát triển để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tôi tin rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, địa giới hành chính có thay đổi ra sao, thì con người Bắc Kạn vẫn luôn giữ vững phẩm chất đôn hậu, cần cù, sáng tạo, yêu quê hương, có ý chí vươn lên và khát vọng phát triển mạnh mẽ. Điều quan trọng không phải là chúng ta đứng ở đâu trên bản đồ hành chính, mà là mỗi người đóng góp được gì cho sự phát triển của đất nước.
Hành trình 125 năm của Bắc Kạn là minh chứng cho ý chí quật cường và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn. Với nền tảng truyền thống vững chắc đó, người dân Bắc Kạn sẽ không bó hẹp trong tư duy cục bộ địa phương, mà cần hòa mình vào khí thế chung, cùng đoàn kết, chung sức đồng lòng xây dựng quê hương mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!