Tinh gọn để tiến xa
Cùng với cả nước, những ngày này Quảng Bình đang nỗ lực thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đã chia sẻ các ý kiến tâm huyết và hiến kế để công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy đạt hiệu quả như mong đợi. Sự đồng thuận giữa ý Đảng-lòng dân đã và đang là tiền đề để Quảng Bình bước sang một hành trình mới với quyết tâm tinh gọn để tiến xa, từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh...
Ý Đảng-Lòng dân
Là chủ trương lớn, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hướng đến tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để thực hiện bước đi quyết liệt, bài bản và mang tính chiến lược lâu dài của Đảng và Nhà nước, với tinh thần cầu thị, dân chủ, chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy được tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân.
Những ngày qua, nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng thuận cao cùng sự mong chờ, đón nhận, đặc biệt trong đó nhiều đồng chí cán bộ nguyên là lãnh đạo tỉnh, từng công tác, gắn bó với Quảng Trị đã phân tích, chia sẻ về chủ trương lớn này.

Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.
Tự nhận mình như người của hai quê hương Quảng Bình-Quảng Trị bởi sự gắn bó sâu sắc trong những năm tháng công tác, với sự thấu hiểu của mình về hai địa phương, ông Phạm Phước, phường Đồng Hải (TP. Đồng Hới), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng khi tiến hành sáp nhập, hai địa phương sẽ bổ sung và phát huy thế mạnh của nhau, tạo nên một thể thống nhất với rất nhiều lợi thế tương đồng, từ nông nghiệp đến công nghiệp, du lịch… để đi lên mạnh mẽ.
Ông cũng đồng tình với việc nên bỏ cấp trung gian để vừa tiết kiệm ngân sách, vừa tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. Theo ông, sau hơn 35 năm đổi mới, diện mạo đất nước đã có nhiều thay đổi. Hạ tầng giao thông phát triển, đời sống người dân nâng cao, giao thương thuận tiện, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ đã rút ngắn khoảng cách giữa các cấp… tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi, chín muồi để thực hiện tinh giản đầu mối hành chính.
Về những nuối tiếc tên gọi Quảng Bình, ông Phước cho rằng, Quảng Bình sẽ còn mãi trong lịch sử và trong lòng nhân dân, không thể mất đi. Trong hành trình phát triển mới, khí chất Quảng Bình vẫn sẽ tiếp tục phát huy và trường tồn.
Còn ông Nguyễn Văn Nhượng, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng khẳng định chủ trương sáp nhập tỉnh, trong đó có sáp nhập hai tỉnh Quảng Bình-Quảng Trị là rất đúng đắn, đáp ứng với yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn chiến tranh, Quảng Bình-Quảng Trị đã đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau để vượt qua mọi hiểm nguy, gian khó, góp phần đưa đất nước đến ngày toàn thắng. Cá nhân ông từng là một chiến sĩ tham gia đoàn tàu không số vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường Quảng Trị năm 1968, ông nhận được sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân Quảng Trị anh hùng.

Một góc thành phố Đồng Hới.
“Trong giai đoạn phát triển mới, với những tiềm năng thế mạnh sẵn có và truyền thống đoàn kết, gắn bó của hai địa phương, tôi tin tỉnh Quảng Trị mới sẽ mở ra không gian phát triển mới, để chúng ta cùng nhau lập nên những chiến công, kỳ tích to lớn hơn!”, ông Nhượng chia sẻ.
Thay đổi để phát triển
Cùng với nhân dân cả nước, cán bộ và nhân dân các địa phương trong tỉnh hồ hởi đón chờ việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nhất là đối với việc kết thúc chính quyền cấp huyện và thành lập các xã mới sau sáp nhập.
Sự đồng thuận cao từ cán bộ, đảng viên đến nhân dân cùng những chia sẻ, mong muốn rất thật chính là minh chứng rõ nét cho thấy chủ trương tinh gọn bộ máy không chỉ hợp lòng Đảng mà còn trúng ý dân. Hành trình tinh gọn bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính chắc chắn còn nhiều việc phải làm, song với sự tin tưởng và chung sức của toàn Đảng, toàn dân, Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung sẽ vững vàng tiến bước, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì dân phục vụ.
Với quan điểm “thay đổi để phát triển”, ông Nguyễn Tiến Nên, xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) cho biết, cá nhân ông và bà con rất đồng thuận với chủ trương lớn của đất nước. Khi kết thúc chính quyền cấp huyện sẽ giảm cấp trung gian, mọi thủ tục liên quan đến người dân sẽ đi thẳng về cấp xã nên sẽ kịp thời hơn, giảm phiền hà và đương nhiên là hiệu quả hơn. Nói như thế không phải là phủ nhận cấp huyện, nhưng khi thời đại đã sang trang, cấp huyện đã hoàn thành sứ mạng của mình rồi thì giảm cấp huyện là đúng đắn. Ông Nên cũng bày tỏ mong muốn đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã tới đây sẽ có trình độ năng lực cao, phẩm chất tốt để thực sự đáp ứng kỳ vọng của nhân dân. Còn trước mắt, mọi vấn đề tồn đọng liên quan quyền lợi của người dân cần chỉ đạo các địa phương giải quyết rốt ráo, nếu không sau này sẽ rất phức tạp.
“Về tên gọi các xã sau khi sáp nhập, một số người dân ở xã Cảnh Dương cũng lưu luyến bởi bề dày lịch sử của làng xã. Nhưng nhân dân Cảnh Dương tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng nên bà con xác định sự thay đổi này là vì cái chung của đất nước, thay đổi để phù hợp và để phát triển, để giàu có hơn, văn minh hơn!”, ông Nên cho biết thêm.
“Giải thể chính quyền cấp huyện và thu gọn đơn vị hành chính cấp xã là bước đi đúng với các nước phát triển đã làm. Đội ngũ cán bộ địa phương sẽ là những người có năng lực và trình độ thực sự, làm việc với hiệu quả cao. Điều này góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, thúc đẩy xã hội phát triển hơn”, đó là ý kiến của ông Lê Văn Được, xã Hiền Ninh (Quảng Ninh). Về tên gọi của các xã, theo ông Được nên xem xét để một số địa phương giữ lại tên cũ gắn với đặc trưng văn hóa lịch sử, những địa danh đã nổi tiếng trong cả nước và thế giới, như: Phong Nha, An Xá (Lộc Thủy) hay Bát danh hương…