Truyền thanh trong kỷ nguyên số

Với thế mạnh kịp thời, tiện ích, phủ sóng diện rộng, hệ thống truyền thanh cơ sở giữ vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin đến người dân. Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống truyền thanh cơ sở, Bình Phước đã từng bước đầu tư, thay thế dần các cụm loa có dây bằng hệ thống truyền thanh thông minh (TTTM), đồng thời xem đây là giải pháp tối ưu, tăng hiệu quả thông tin tuyên truyền và bắt kịp xu thế thời đại.

Thông tin nhanh, kịp thời

Năm 2022, sau khi cụm loa TTTM được đưa vào hoạt động, chị Triệu Thị Toàn, công chức văn hóa - xã hội, phụ trách Đài Truyền thanh xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú đã giảm bớt áp lực vì hệ thống TTTM có ưu điểm không phải đến cơ quan để phát sóng, tiếp sóng chương trình mà vận hành dựa trên nền tảng hạ tầng sóng 4G của nhà mạng. Chỉ cần máy tính có kết nối internet là ở bất cứ nơi đâu cũng có thể chuyển thể thành bản tin để phát sóng, kiểm tra thiết bị và vận hành toàn bộ hệ thống.

Loa truyền thanh thông minh nhỏ gọn, không dây, chất lượng âm thanh vượt trội, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát

Loa truyền thanh thông minh nhỏ gọn, không dây, chất lượng âm thanh vượt trội, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát

Chị Triệu Thị Toàn, công chức văn hóa - xã hội, phụ trách Đài Truyền thanh xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú có thể vận hành hệ thống truyền thanh thông minh của xã ở bất cứ nơi đâu

Chị Triệu Thị Toàn, công chức văn hóa - xã hội, phụ trách Đài Truyền thanh xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú có thể vận hành hệ thống truyền thanh thông minh của xã ở bất cứ nơi đâu

Chị Toàn chia sẻ: “Làm công tác kiêm nhiệm nên công việc của tôi rất nhiều. Nhờ có phần mềm chuyển đổi văn bản sang giọng nói tự động, tôi không phải mất nhiều thời gian ngồi đọc, thu âm bản tin rồi xử lý tạp âm trước khi phát sóng như trước mà cùng một khung giờ, mỗi cụm loa có thể phát những thông tin khác nhau. Hệ thống còn có ứng dụng cài đặt trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh ở mọi lúc, mọi nơi; thực hiện phát thanh trực tiếp từ điện thoại trong trường hợp khẩn cấp, không cần đến phòng thu”.

Xã Tân Hưng hiện có 14 cụm loa truyền thanh, trong đó 8 cụm loa đã được thay thế loa TTTM không dây để phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền. “Tôi duy trì thói quen nghe tin tức qua hệ thống loa truyền thanh của xã đầu giờ sáng và cuối buổi chiều mỗi ngày. Những thông tin về các sự kiện thời sự, chính trị nổi bật diễn ra mỗi ngày giúp người dân địa phương cập nhật thông tin mới nhất. Chất lượng âm thanh của loa TTTM cũng rất sống động, rõ ràng” - ông Dương Minh Thanh, ấp 5, xã Tân Hưng cho hay.

Đã có nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh được đầu tư lắp đặt truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bởi đây là xu hướng tất yếu trong thời đại ứng dụng khoa học - công nghệ và chuyển đổi số. Ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, những chiếc loa thông minh gắn tại nhà văn hóa hay khu đông dân cư đang phát huy hiệu quả tuyên truyền rất tốt. “Khi cần thông báo những trường hợp khẩn cấp hay truyền tải thông tin chính thống đến người dân thì loa TTTM đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, giúp đồng bào nắm bắt kịp thời những quy định, thông báo mới nhất của địa phương” - ông Điểu Lích, Trưởng thôn 5, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng chia sẻ.

TTTM giúp giảm khối lượng công việc cho nhân lực truyền thanh cấp xã và đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nội dung, đổi mới phương thức cung cấp thông tin theo hướng chủ động, phục vụ chỉ đạo của chính quyền các cấp, đặc biệt là tại cơ sở kịp thời. Đối với những vùng sóng yếu hoặc “lõm sóng”, tỉnh đang rà soát để khắc phục, phủ sóng dày hơn, phối hợp với các nhà mạng lắp đặt cáp quang phát sóng wifi để hệ thống TTTM phủ rộng khắp.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông NGUYỄN MINH QUANG

Chuyển đổi số truyền thanh cơ sở

Trước đây, hệ thống truyền thanh có dây được thu - phát sóng trên tần số FM theo khung giờ nhất định. Vì vậy, phần lớn thông tin đến với người nghe được tiếp âm của đài Trung ương, đài tỉnh nên hạn chế thời lượng. Nhưng nay, TTTM đã khắc phục triệt để những hạn chế nêu trên. TTTM sử dụng giải pháp công nghệ IP, giúp chất lượng âm thanh truyền đi vượt trội, nhanh chóng, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát. Hạ tầng kỹ thuật đặt tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, kết nối với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương và Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh (IOC).

Hệ thống loa truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đã được tỉnh đầu tư nâng cấp, lắp đặt tại 843/843 thôn, ấp, khu phố thuộc 111/111 xã, phường, thị trấn trong tỉnh với 1.661 cụm, 3.777 loa. Trong đó 1.484 cụm, 3.423 loa thuộc dự án tập trung quy mô toàn tỉnh từ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và 177 cụm với 354 loa từ các dự án khác do UBND cấp huyện đầu tư.

Việc đầu tư loa TTTM của Bình Phước được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở. Ông Hoàng Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Hệ thống TTTM ở Bình Phước đang đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật của bộ ban hành. Địa phương cũng cần đa dạng hóa cách thức đưa tin phát thanh để phù hợp nhu cầu, thị hiếu và đối tượng người nghe thông qua các nền tảng mạng xã hội hoặc thông qua cổng, trang thông tin điện tử của địa phương… Từ đó thay đổi cách tiếp cận của người dân đối với hoạt động phát thanh không chỉ nghe qua loa truyền thanh mà còn trên các nền tảng số. Việc đầu tư hệ thống TTTM của Bình Phước cũng góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Truyền thanh thông minh sử dụng giải pháp công nghệ IP, kết nối với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương và Trung tâm IOC tỉnh

Truyền thanh thông minh sử dụng giải pháp công nghệ IP, kết nối với Hệ thống thông tin nguồn Trung ương và Trung tâm IOC tỉnh

Ông Hoàng Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông (giữa) đánh giá cao hệ thống truyền thanh thông minh ở Bình Phước, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật của bộ

Ông Hoàng Minh Phương, Phó Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở, Bộ Thông tin và Truyền thông (giữa) đánh giá cao hệ thống truyền thanh thông minh ở Bình Phước, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật của bộ

Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các loại hình truyền thông hiện đại, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng cần thay đổi mạnh mẽ để giữ công chúng. Vì vậy, việc đầu tư TTTM là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, phát thanh trên diện rộng, kịp thời, làm tăng hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền và bắt kịp xu thế phát triển phát thanh trong kỷ nguyên số.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/548/165868/truyen-thanh-trong-ky-nguyen-so
Zalo