Truyện ngắn: Mất và còn
Tôi và Hoàng đã cùng tập đứng, tập đi men theo bờ giậu, vào đời cùng bước một bước hai, lúc chập chững khi mạnh bạo...
![Ảnh minh họa: ITN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_181_51490212/9ceab75b9b15724b2b04.jpg)
Ảnh minh họa: ITN
1.
Thằng Hoàng và tôi bằng tuổi nhau, hai đứa cùng tập đi men quanh bờ giậu trước sân. Những cây duối hiền từ là vậy nhưng không rõ gai từ đâu ra mà lại làm tay chúng tôi toạc máu. Hoàng là con chú họ, hắn và tôi đều cùng được bà nội tôi trông coi lúc cả hai còn chập chững bước đi. Ngày nào cũng vậy, tối mịt thày mẹ mới đi làm về, phải ôm nhấc từng đứa tận mé vườn hay góc sân về nhà mình. Nhà tôi thường dọn bữa ăn tối ngay trên bờ hè; ở quê hè nhà nện bằng đất bùn có trộn tí vôi cùng chút rơm rạ băm nhỏ nên khá chắc. Bữa cơm nhà nông thật giản đơn, canh mùng tơi nhiều gạch cua, bát tô đầy úp cà pháo và đĩa tép đồng rang có rắc nhẹ lá chanh xắt mỏng. Mẹ dành cho tôi quả trứng gà tự tay mẹ bóc vỏ, thày quạt mo đánh muỗi phành phạch.
Thày tôi làm thợ vắng nhà cả tháng. Mỗi lần ghé qua nhà thường vào buổi đêm, thày tranh thủ giảng giải nhắc tôi phân biệt các từ nghỉ và nghĩ (nghỉ ngơi và nghĩ ngợi), tủi với tuổi (tủi thân và tuổi tác), ấy vậy đến giờ phát âm của tôi vẫn cứ lỗi như thường. Thực ra thày tôi có theo học chữ quốc ngữ ở lớp bình dân học vụ khi ông biết đủ mặt chữ thì phải bỏ đi theo các chú học nghề mộc. Nói học nghề, chủ yếu lo việc nấu cơm rửa bát, quẩy gánh khuân đồ. Thấy vậy bà tôi bèn rút con khỏi các chú để theo gánh thợ làng Giàu mong con nhanh cầm được cái chàng, cái đục hay kéo được cái cưa sao cho thẳng mạch. Ước mơ của bà sớm thành hiện thực. Một đống gỗ nguyên cây chỉ sau dăm tuần là con trai bà đã trực tiếp cầm sào vạch mực cùng đám thợ bạn sẽ nên ngôi nhà gỗ với đủ những trụ đứng trụ ngồi, xà ngang trục dọc cùng bẩy kẻ. Thày tôi thuộc tuýp người dám nghĩ dám làm chả bù cho con trai ông là tôi, anh giáo trường tỉnh rồi mà vẫn thận trọng trước đám đông học trò, cái gì cũng phải hiểu kĩ đọc kĩ mới dám phát ngôn. Sự cầu toàn thái quá đã níu kéo tôi. Giá như tôi cứ liều một chút, gan một tí trong khoa học hay công việc tựa như thằng người triệu năm trước, tập đứng bằng hai chân, lúc đầu tập đi bằng cách chọn cành cây làm gậy, trượt chân ngã gục lại chống gậy đứng lên đi tiếp, làm tiếp, thì có phải hơn không? Tổng độ dài các bước đi của những thằng người đầu tiên để thành loài người văn minh, muốn dễ ước định phải đo bằng đơn vị thiên hà. Tôi và thằng Hoàng, là hậu thế của hậu thế trong sự tiến hóa của nhân loại, chúng tôi đã may mắn sớm thấy được con đường mình cần và phải đi.
2.
Thằng Hoàng có một gia cảnh hơn hẳn tôi. Bố hắn cùng anh trai chị gái, em rể em dâu đều đảng viên. Cả nhà có thể hợp thành một chi bộ. Ông chú tôi thường lấy đó làm tự hào. Một thời, phẩm chất người, trước và trên hết phải đảng viên. Tôi nhớ chị gái, thanh niên xung phong tận Sơn La, viết thư báo tin không được kết nạp Đảng, khóc mấy đêm liền. Cha của Hoàng đã phê vào phiếu thẩm tra chị tôi “lí lịch không rõ ràng”. Không thể trách cứ ông chú, lập trường cách mạng lúc đó phải vậy. Số là, ông nội tôi mất sớm, bà tôi vướng cảnh mẹ góa con côi. Là dâu trưởng nhưng bị thất thế do chồng mất sớm và phần nào bất phục trong việc các chú không chọn con trai bà giữ chân nhà thờ họ. Bà bỏ lương theo đạo, tôi nhớ tượng Chúa khi đó được bà đặt trên cái giá gỗ sát đòn nóc mái tranh còn bàn thờ gia tiên tạm để sang chỗ khác. Lúc nhỏ, hai chị em theo học trường xã, cả mấy làng chỉ mới một vài người học cấp Ba trên huyện. Linh cảm nhận thấy điều gì bất ổn cho sự học của các con, thày tôi xin bà đặt lại bàn thờ gia tiên vào chỗ phù hợp.
Khi tôi vào học năm đầu cấp Hai thì thấy chỗ xưa nay đã không còn tượng Chúa. Rất có thể bà đã mang gửi các kỉ vật linh thiêng về nơi xứ đạo Sầm Sơn. Năm 1970, tôi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm. Nghỉ hè, thì giờ quá ngắn để tôi có lí lịch nông dân, nhổ mạ cuốc đất, hò đối đáp cùng mấy em thợ cấy đồng bên. Một chiều cuối Thu, thày tôi dựng nhà cho ông Chủ tịch xã, một người mà thày quý trọng bởi cá tính ôn nhu từ tốn. Tối về, thày đưa ngay tôi tờ giấy ông Chủ tịch vừa trao. Đáng lẽ, người đưa thư phải mang đến tận nhà, sợ vô ý thất lạc hay một ai đó chủ bụng giấu đi, chính ông giao tận tay thày tôi và nói: “Chúc mừng bác có con vào đại học!”.
Chưa kịp vui khi đọc xong tờ giấy, thì ông Na người dưới xóm Phúc lên, ông là cán bộ xã và là chỗ thân tình với thày tôi, đi đâu ông cũng có cái túi quai chéo ngực đeo trễ hông cái đài xi-on-mao của Tàu chộn rộn tiếng loa. Sợ trong nhà đông người, ông bảo hai cha con ra bờ tre đầu ngõ, ông nói nhỏ như sợ có người nghe: “Tôi quý cha con chú nên nói luôn thằng nhà chú là con một sắp tới chưa thuộc diện phải đi bộ đội, tháng sau xã ta đại hội xã Đoàn sẽ cử nó làm Bí thư, cờ chẳng mấy nữa sẽ đến tay. Cha con cứ nghĩ kĩ rồi hãy vào Sư phạm Vinh mà học”.
Ở quê, tin cứ lan nhanh như có gió thổi. Tối khuya, mình tôi sang chú họ nhà kế bên, thày tôi và chú không hợp tính nhau, nói chuyện chú hay diễn bằng tiếng Pháp, thày tôi đục đẽo cưa bào lại thô mộc. Tôi kể chuyện có giấy gọi vào đại học và lời khuyên của ông Na cũng là dò ý chú. Chẳng kịp bảo tôi uống nước mới pha, chú giục luôn: “Đi ngay chứ! Cả họ Lê Vạn mới được mình cháu làm nên chuyện học, vào đại học cũng có Đảng có Đoàn, phấn đấu sau có muộn gì”. Sau khi được ông Chủ tịch kí giấy, tôi nhập học và bắt đầu cuộc đời sinh viên. Không ngờ, cuộc đi của tôi từ buổi ấy như con mương cạnh nhà, ổn định và lặng lẽ nhập vào vùng bãi màu sát bờ sông Rào.
![Ảnh minh họa: ITN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_16_181_51490212/510477b55bfbb2a5ebea.jpg)
Ảnh minh họa: ITN
Mẹ mất lúc tôi chưa vào học lớp Một, cái năm tổ đổi công được nhân lên thành hợp tác xã nông nghiệp cấp thấp. Hôm đưa đám mẹ, tôi cứ loăng quăng chỗ này chỗ kia giữa đám thợ trống, thợ kèn hay nhởn nhơ quanh các bà, các mợ đang sắp lễ cúng mẹ. Vào độ trung tuổi mỗi khi nhớ lại lòng tôi thêm đắng ngắt. Sau khi mẹ mất được dăm năm, tôi sống với hai dì (mẹ kế). Dì đầu tên Ngân, dì sau đã cùng tôi hơn nửa thế kỉ. Ơn trời cả hai bà đều hiền. Hôm đầu về làm dâu, buổi sáng dì Ngân quét dọn, chiều mang hết nồi vung cùng rổ rá rế trạc ngâm xuống ao. Độ hơn một giờ, dì vớt lên rồi lấy bẹ dừa cọ sạch từng thứ, đem phơi nắng cho thật khô, tối mang vào, nhỏ dễ vỡ đặt trên, to cứng xếp dưới. Không có con với người chồng trước cũng như thày tôi, được gần hai năm dì không ở nhà tôi nữa mà về sống cùng bố mẹ đẻ. Còn nhỏ, tôi không cắt nghĩa được cơ sự vì sao dì lại không ở mãi với thày tôi. Rất có thể dì không thể có con, hay sự sạch sẽ quá mức của dì không làm vừa lòng mẹ chồng. Bà nội tôi sống nhàu nhĩ giản tiện như cái rổ cái rế, còn dì lại tinh tươm chu toàn, ở lâu chắc không hợp. Dì hai giống dì Ngân ở chỗ rất lành. Cả hai như được nặn ra từ đất để trời thổi vào đó tính người. Ai đó gặp dì cùng nhiều bà dưới quê sẽ thấy tuổi thọ con người dường như tỉ lệ nghịch với toan tính dục vọng. Các bà đều ngoài chín mươi, lưng còng sát đất, sáng ra vườn nhổ cỏ, chiều thái chuối cắt rau, nói năng đẫm đầy ca dao tục ngữ. Nhà quê ít bệnh hơn thành phố, chỉ tội cái nghèo cái khó cứ bám riết.
Lại nói về gia cảnh thằng Hoàng. Cha hắn, chú họ tôi là người thẳng thắn cương nghị. Ông cũng chỉ học như thày tôi, mới hết mặt chữ đã đi làm dân quân, sau thành trưởng đội cải cách ruộng đất cắm ở một vùng gần xã. Chú luôn dạy con cái, phải vững lập trường giai cấp, tránh giao du với tầng lớp nhà giàu, bởi bản chất bóc lột của họ không bao giờ thay đổi. Con chú lớn lên, đứa đi bộ đội, đứa làm công an bét nhất cũng nông dân cốt cán. Thằng Hoàng con trai thứ không theo lời chú, còn các đứa khác đều vâng lời đi tìm nhân duyên chỗ con nhà bần cố. Riêng Lan, gái út thì lời bố với em lại như một chỉ lệnh. Lan không thuộc hàng kẻng gái, duyên thầm lại dễ bảo. Thấy các anh rượu chè ca hát, em lặng lẽ thu dọn, rỗi rãi thì đọc sách. Nhiều mai mối cộng với nhìn nhận của cha, cuối cùng Lan thành đôi với thằng Hải Nhép nhà ở xóm dưới. Cu Nhép, dân xóm thường gọi vậy, con út của gia đình lí lịch ba đời bần cố. Thành vợ Nhép, một phần Lan vâng lời cha, tính khí em lành hiền như hoa bờ giậu, phần nữa do Nhép có tài cưa kéo, đẹp trai không bằng chai mặt. Con gái khôn ngoan chín vạn ba nghìn lại có khi “chết” bởi lí do lãng nhách. Lấy nhau, do lí lịch đảm bảo lại có ông bác nâng đỡ Hải lên làm văn thư cho xã nhưng sách báo ít đọc, cái tai lúc nào cũng úp ống nghe ra vẻ sành nhạc. Thấy hắn, dân rượu như con nhang gặp thầy, uống tận khuya mới về. Bò vào giường hôi hám, nồng nặc hơi rượu, vợ đẩy ra. Nhiều thứ có thể làm lại, riêng chồng vợ thật khó đổi thay. Lối đi của Lan đã rõ, trong ván bài nhân sự cuộc đời, em không được lựa chọn con K con At, số phận dành cho em con hai nhép.
Thằng Hoàng thường bị chú tôi quở trách do bạo và gan. Nó sáng dạ, chú gửi thuê nhà trọ cho theo học trường tỉnh. Nghe cha, Hoàng cũng nhiều bận thử thả neo vào tâm hồn các nàng theo chủ nghĩa lí lịch. Thất bại. Bỗng dưng Hoàng gặp nàng là con một giáo chức danh tiếng Hà Nội. Rồi như mọi người đã biết, hơn nửa số giáo chức tài danh xứ Hà thành có gốc quê, không con địa chủ “gộc”, cũng cháu chắt các bậc quan lại thời phong kiến, họ bỏ quê do nhiều nguyên nhân, kẻ tìm nơi học hành, người được cứu giúp sau kỳ sửa sai của cải cách ruộng đất đầu những năm 50 thế kỉ trước. Ông nội nàng, lúc trẻ có làm cho người Pháp, sau ông bỏ việc về quê dạy học. Hòa bình lập lại, bố nàng ra Hà Nội rửa bát thuê cho một hàng ăn rồi tranh thủ theo học trường tư, sau thành học giả nổi tiếng. Hoàng và nàng học cùng trường, hai người thường gặp nhau ở thư viện của khoa, đều yêu thích văn học Nga và Pháp. Giờ họ đã thành gia thất, cùng là thành viên hội đồng quản trị một công ty lớn, quỹ lương tháng công ty cỡ vài chục tỉ. Hoàn toàn đối ngược với cha, Hoàng gần gũi, chơi thân với nhiều người giàu, rồi mạnh bạo bước qua những giáo lý khô cứng. Vợ chồng Hoàng hồi chưa lấy nhau đều thích câu nói của văn hào Nga: “Tôi đến thế giới này để không thỏa thuận”, đúng hơn, thế giới này đã thỏa thuận cho Hoàng được nàng trong ván bài nhân sự cuộc đời.
3.
Hoàng và tôi có chung kỉ niệm với con mương chảy qua làng, tiếp nước từ sông Kênh Bắc. Nước rào rạt chảy buổi mai chúng tôi đi học, chiều trâu đằm té nước ướt cả lối đi. Nói cuộc đi của đời tôi như dòng mương lặng lẽ chảy đến tận cuối làng, là muốn nói cái nhỏ nhoi số kiếp, nhưng thực ra cuối làng đã là bãi ngô phơ phất râu non tiếp kề vùng đất có nhiều chỗ thấp trũng xệ xuống sông Rào dọc chân núi Trường Lệ. Từ đây, những ruộng màu ngào ngạt cây trái, sông quê, dáng núi trầm mặc, xa chút xíu là biển Sầm Sơn,… Tất cả đã cho chúng tôi một trường đại học đầu đời.
Giỗ tổ họ Lê Vạn tế lễ hàng năm vào mùng Sáu tháng Mười ta. Năm nay con cháu ở xa về đông do nhà thờ được xây trên nền đất mới, to rộng và khang trang hơn. Nghe các cụ nói trong xã chỉ họ ta mới có đội tế do đội già kịp truyền nghề cho đội trẻ. Nói trẻ chứ quá tuổi băm mới được đứng vào chiếu tế. Họ, người làm thợ xây, kẻ xe ôm liên huyện, sang nhất là quản trị công ty; nhìn kĩ mép bàn chân một vài người thấy còn lấm chấm chút bùn đất. Tất cả đều quần thụng áo the, mũ mão chỉnh tề, lùi tiến theo hô xướng của chủ tế và nhịp trống kèn. Thôn cữ này cứ vui như Tết!
Sau buổi lễ, tôi kéo Hoàng về nhà em gái kế bên nhà thờ họ Lê Vạn. Bữa cơm ấm áp không nhiều thứ nhưng “chất” bởi nó thật quê. Đợi cho hơi rượu tàng tàng, Hoàng mới tươi cười hỏi tôi, về hưu tôi thấy anh sáng ra, không nhàu nhĩ quắt quéo như hồi còn làm. Có phải sự đời bỏ lại phía sau đã cho anh phong độ? Nói sao cứ như bóc nhau vậy! Tôi cụng li với Hoàng rồi trầm hẳn giọng: Mình già đi yếu đi, con cháu trẻ khỏe mạnh bạo mới hợp lẽ. Quả tình, khi về rồi, thấy lúc đang làm mình lăng xăng thái quá. Cái được kèm cái mất, giờ nghĩ ra thấy chán phè. Hoàng cười thành thực, tôi cũng thấy anh làm được khối việc đấy chứ, gõ đầu trẻ hậu vận khá, muốn làm điều mình không ưa cũng khó. Rồi hồn nhiên Hoàng kể: “Tôi có thằng bạn làm thầy giáo như anh phàn nàn một vị phụ huynh lớp hắn chủ nhiệm, ông ta là quan chức có cỡ. Nhân 20/11 mang hoa cùng chai rượu Tây tặng thầy, và ông ta lại hồn nhiên đề nghị thầy dạy học phải cơ bản, phải toàn diện mới thiết thực. Thằng bạn tôi không thích kiểu nói năng này nhưng không để bụng, và kết quả con vị phụ huynh nọ vẫn học giỏi, cứ lên lớp như thường. Nghề giáo là nghề không thể làm điều ác, anh thấy như thế có đúng không?” Tôi cười: “Chú khéo vẽ, xưa thầy dạy, bài văn có mở bài thân bài kết luận, chú đã làm tất còn hỏi anh làm gì?”. Chia tay, Hoàng về Hà Nội, tôi nán lại quê ít hôm.
Thì ra, tôi và Hoàng đã cùng tập đứng, tập đi men theo bờ giậu, vào đời cùng bước một bước hai, lúc chập chững khi mạnh bạo, tôi có phần cầu an còn Hoàng gan góc bạo liệt, cả hai đứa cái được nhiều hơn cái mất. Bây giờ là lúc chúng tôi cùng trở về với quê, với chính mình. Thiên hạ người được ví như tảng đá con kênh, cao hơn thì so với ngọn đồi đỉnh tháp. Tôi thật mừng cho họ! Nhưng cũng thật tâm đắc với Hoàng vì câu nói trước lúc chia tay: “Dân gian thật tuyệt khi khuyên bảo con người hãy nên như lá rụng về cội, tôi và anh sau cuối cuộc đời, nếu được làm chiếc lá mục nát trên đất ruộng quê, thì coi như mình đã mất nhưng mãi còn anh ạ!”.