Truyền hình Việt Nam: Nỗ lực 'giữ lửa' bản sắc và 'đốt cháy' giới hạn trên hành trình phát triển trong kỷ nguyên số

Trong ký ức nhiều thế hệ Việt, tivi là nơi sum vầy và định hình cuộc sống. Song, bối cảnh kỷ nguyên số, để vừa 'giữ lửa' bản sắc, vừa 'đốt cháy' giới hạn vươn lên, truyền hình Việt Nam cần một 'kiến trúc tổng thể' liên ngành, tạo sức mạnh cộng hưởng trong bối cảnh mới.

'Giữ lửa' bản sắc và 'đốt cháy' giới hạn

Trong căn nhà ký ức của mỗi người Việt, chiếc tivi không chỉ là một thiết bị điện tử vô tri, mà còn là nơi neo đậu những khoảnh khắc gia đình sum vầy bên những thước phim, những bản tin thời sự định hình nếp sống. Từ màn ảnh đen trắng chập chờn đến thế giới màu sắc rực rỡ của kỷ nguyên số, truyền hình đã lặng lẽ đồng hành, phản ánh và kiến tạo nên diện mạo xã hội Việt Nam.

Nhưng giờ đây, khi vũ trụ số bùng nổ với sức mạnh khó cưỡng, câu hỏi đặt ra là truyền hình Việt Nam sẽ 'giữ lửa' bản sắc và 'đốt cháy' những giới hạn cũ để vươn mình trong bối cảnh mới như thế nào?

Ở Việt Nam, truyền hình không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí hay cung cấp thông tin. Truyền hình là nơi ghi dấu ký ức tập thể, là 'người kể chuyện' của thời đại.

Ở Việt Nam, truyền hình không chỉ đơn thuần là một phương tiện giải trí hay cung cấp thông tin. Truyền hình là nơi ghi dấu ký ức tập thể, là 'người kể chuyện' của thời đại.

Lời giải không nằm ở sự phủ nhận hay đối đầu với làn sóng công nghệ, mà nằm ở sự thấu hiểu sâu sắc giá trị cốt lõi và khát vọng vươn lên của ngành. PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nói về một bức tranh tương lai đầy kỳ vọng: "Khi nói đến tương lai của truyền hình Việt Nam, tôi luôn nhấn mạnh ba trụ cột mang tính chiến lược: công nghiệp hóa, sáng tạo hóa và toàn cầu hóa. Đó không chỉ là những xu hướng thời đại, mà còn là yêu cầu tất yếu nếu chúng ta muốn truyền hình Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong làn sóng cạnh tranh và hội nhập toàn cầu".

Tuy nhiên, hành trình hiện thực hóa 'tam trụ' chiến lược này không trải đầy hoa hồng. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, những rào cản cố hữu đang níu chân sự phát triển của truyền hình Việt Nam.

"Trước hết, rào cản lớn nhất chính là tư duy quản lý truyền thống – nơi truyền hình vẫn được nhìn nhận như một công cụ thông tin đơn thuần, hơn là một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo", PGS nói. "Sự thiếu một chiến lược tổng thể, sự chậm trễ trong trao quyền tự chủ và những cơ chế tài chính chưa thực sự khuyến khích đang kìm hãm tiềm năng của ngành".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định, truyền hình cần những nhà sản xuất nội dung có tư duy toàn cầu, có khả năng kể chuyện hấp dẫn, có kỹ năng sử dụng công nghệ số, có sự nhạy cảm văn hóa - và nhất là có tinh thần dấn thân. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là, công tác đào tạo và phát triển đội ngũ này vẫn còn nhiều bất cập, thiếu sự gắn kết giữa kiến thức hàn lâm và nhu cầu thực tiễn sản xuất, giữa việc khơi dậy những ý tưởng đột phá và quản lý hiệu quả quy trình. Đây chính là 'lực cản' lớn, níu chân khả năng cạnh tranh và sáng tạo của truyền hình Việt Nam trên trường quốc tế.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Không chỉ vướng ở yếu tố nội tại, truyền hình còn đang phải đối mặt với những 'xiềng xích' từ môi trường thể chế và chính sách. PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích, một rào cản khác không thể không nhắc đến, đó là môi trường thể chế và chính sách còn chậm thích nghi với thay đổi.

Trong khi các nền tảng xuyên biên giới đang hoạt động mạnh mẽ, thu hút người xem và quảng cáo, thì các đài truyền hình trong nước lại bị ràng buộc bởi nhiều thủ tục, quy định chặt chẽ, khiến việc đổi mới và sáng tạo nhiều khi bị chậm trễ hoặc mất cơ hội. Không gian sáng tạo bị thu hẹp khi vẫn còn tâm lý 'an toàn là trên hết'.

"Chính sự thiếu linh hoạt và cởi mở trong cơ chế quản lý đang 'trói buộc' sự năng động và khả năng thích ứng nhanh nhạy của các đài truyền hình trước những biến đổi chóng mặt của thị trường", ông Sơn nhận định.

Cuối cùng, một 'bức tường' vô hình nhưng không kém phần thách thức chính là 'nỗi sợ thay đổi' ăn sâu vào tư duy của một bộ phận những người làm truyền hình. PGS Bùi Hoài Sơn cho rằng: "Sự quen thuộc đôi khi khiến chúng ta ngại bước ra khỏi vùng an toàn... Truyền hình muốn toàn cầu hóa thì trước hết phải dũng cảm đối mặt với thay đổi - thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, cách tổ chức và cả cách định nghĩa thành công".

'Kiến trúc tổng thể' liên ngành, liên cấp, liên vùng

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường truyền thông hiện đại, sự phát triển bền vững và mạnh mẽ của ngành truyền hình Việt Nam không thể dựa vào nỗ lực đơn lẻ của từng đài hay từng chương trình. PGS.TS Bùi Hoài Sơn chỉ rõ tầm quan trọng sống còn của sự phối hợp đa chiều: "Tôi luôn nhấn mạnh rằng để phát triển công nghiệp truyền hình - không chỉ là phát triển một vài đài hay một vài chương trình, sự phối hợp liên ngành, liên cấp và liên vùng là yếu tố sống còn".

Theo ông, truyền hình ngày nay là một mắt xích quan trọng trong một hệ sinh thái rộng lớn, nơi sự tương tác và hỗ trợ lẫn nhau giữa văn hóa, công nghệ, giáo dục, du lịch, truyền thông, thương mại và quản lý nhà nước đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị và sức lan tỏa thực sự. Thiếu đi sự liên kết chặt chẽ này, ngành truyền hình sẽ mãi chỉ là những mảnh ghép rời rạc, đánh mất tiềm năng phát triển toàn diện.

Công nghiệp hóa, sáng tạo hóa và toàn cầu hóa là 'tam trụ' trong phát triển truyền hình.

Công nghiệp hóa, sáng tạo hóa và toàn cầu hóa là 'tam trụ' trong phát triển truyền hình.

Để giải quyết bài toán hóc búa này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn đề xuất việc xây dựng một 'kiến trúc tổng thể' cấp quốc gia, định hướng cho sự phát triển công nghiệp truyền hình và nội dung số: "Không thể để các đài tự thân vận động, các địa phương mạnh ai nấy làm, hay các bộ ngành chỉ đứng trong phạm vi chức năng của mình".

Một yếu tố then chốt khác là thiết lập 'cơ chế tài chính và chính sách ưu đãi liên vùng - liên ngành'. PGS.TS Bùi Hoài Sơn minh họa: "Ví dụ, nếu một dự án sản xuất phim truyền hình lịch sử được triển khai tại một địa phương, thì không chỉ ngành văn hóa tham gia, mà ngành du lịch, giáo dục, công nghệ thông tin cũng cần có vai trò cụ thể, được phân bổ ngân sách tương ứng, có trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng. Các địa phương cũng cần liên kết với nhau để chia sẻ tài nguyên - từ bối cảnh quay, con người, thiết bị cho đến các sáng kiến quảng bá".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng 'cơ chế 'liên kết chuỗi giá trị' trong sản xuất và phân phối nội dung truyền hình. Theo ông, không chỉ đơn vị truyền hình tham gia vào quá trình sản xuất nội dung, mà còn phải có sự đồng hành của nhà văn, nghệ sĩ, trường đại học, viện nghiên cứu, công ty công nghệ, doanh nghiệp quảng cáo, nền tảng số, thậm chí là các khu công nghiệp văn hóa địa phương. Khi tất cả cùng nằm trong một chuỗi - có chia sẻ lợi ích và dữ liệu - thì mới tạo nên sức mạnh cộng hưởng, và nội dung truyền hình mới có khả năng sống lâu, lan tỏa xa, tạo giá trị kinh tế xã hội thực sự.

Ngoài ra, cần có cơ chế 'đặt hàng chiến lược' từ Nhà nước và chính quyền địa phương không chỉ giới hạn ở tin tức mà còn mở rộng đến các dự án truyền thông trọng điểm, góp phần quảng bá hình ảnh quốc gia, xây dựng bản sắc vùng miền và lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử sâu sắc. Sự định hướng và hỗ trợ từ Nhà nước sẽ tạo động lực cho các đài truyền hình đầu tư dài hạn và nâng cao chất lượng nội dung.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định: "Không có mô hình nào thành công nếu thiếu niềm tin và sự đồng lòng. Điều quan trọng nhất trong phối hợp liên ngành, liên cấp, liên vùng - không phải là ai lớn hơn ai, mà là cùng nhìn về một mục tiêu chung: xây dựng một ngành công nghiệp truyền hình Việt Nam vừa hiện đại, vừa giàu bản sắc, vừa có sức cạnh tranh quốc tế".

http://www.w3.org/2000/svg" xmlns:xlink="http://www.w3.org/1999/xlink" viewBox="0 0 32 32" width="32" height="32" preserveAspectRatio="xMidYMid meet" style="width: 100%; height: 100%; transform: translate3d(0px, 0px, 0px);">

http://www.w3.org/2000/svg" xmlns:xlink="http://www.w3.org/1999/xlink" viewBox="0 0 32 32" width="32" height="32" preserveAspectRatio="xMidYMid meet" style="width: 100%; height: 100%; transform: translate3d(0px, 0px, 0px);">

Phan Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truyen-hinh-viet-nam-no-luc-giu-lua-ban-sac-va-dot-chay-gioi-han-tren-hanh-trinh-phat-trien-trong-ky-nguyen-so-10287216.html
Zalo