Truyền cảm hứng chinh phục dự án nghiên cứu quốc tế từ những chuyên gia hàng đầu
'VSL - Writing Camp 7', với chủ đề 'Chinh phục các dự án nghiên cứu quốc tế' là chương trình do CLB Nhà khoa học ĐHQG Hà Nội (VSL) tổ chức, hướng tới mục tiêu trang bị kỹ năng và xây dựng mạng lưới nghiên cứu quốc tế.
Học hỏi từ những người đi trước
Điểm nhấn đặc biệt của chương trình là sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, những người giàu kinh nghiệm trong nghiên cứu và quản lý dự án quốc tế. Một trong những phiên thảo luận được đón nhận nồng nhiệt nhất là chuyên đề “Xác định nhu cầu nghiên cứu và xây dựng ý tưởng”, do GS Trần Xuân Bách (trường ĐH Y Hà Nội), chủ trì.
Chia sẻ tại chương trình, GS Trần Xuân Bách đã giúp các học viên hiểu rõ nhu cầu nghiên cứu khoa học quốc tế trong bối cảnh hiện nay. Anh nhấn mạnh: "Ý tưởng nghiên cứu không chỉ cần sáng tạo, mà còn phải đáp ứng được những thách thức toàn cầu. Nhà khoa học không chỉ đặt câu hỏi, mà còn phải biết trả lời câu hỏi của thời đại mình".
Bên cạnh việc cung cấp lý thuyết, GS Trần Xuân Bách đã chia sẻ những bài học thực tiễn trong việc xây dựng và quản lý dự án. Anh cũng khuyến khích các học viên tận dụng những nguồn tài trợ quốc tế như một công cụ để hiện thực hóa các ý tưởng khoa học, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác đa lĩnh vực để tăng giá trị ứng dụng của các nghiên cứu.
Tạo dựng nền tảng bền vững
Ngoài GS Trần Xuân Bách, chương trình còn có sự tham gia của nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm,như: GS. TS Trần Thị Thanh Tú - Trưởng Ban Khoa học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội; TS Vũ Thị Thanh Nhã - Trưởng khoa Tiếng Anh, đã hướng dẫn học viên cách xây dựng khung đề xuất dự án hiệu quả. Với các hoạt động thực hành nhóm sôi nổi, các nhà khoa học trẻ được rèn luyện tư duy logic, khả năng viết thuyết phục và cách làm nổi bật giá trị nghiên cứu của mình.
Tại chuyên đề khác, PGS. TS Lê Đức Minh (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ kỹ thuật trình bày ý tưởng dự án hấp dẫn. Với kinh nghiệm từ các dự án lớn về phân tích gen môi trường, ông đã cung cấp các chiến lược giúp học viên nâng cao khả năng thuyết phục các hội đồng xét duyệt dự án quốc tế.
Hỗ trợ đặc biệt cho nhà khoa học nữ
Đáng chú ý, chương trình lần này dành sự ưu tiên lớn cho các nhà khoa học nữ. TS Bùi Thị Thanh Hương - Phó Trưởng Ban Điều hành VSL, đã dẫn dắt chuyên đề “Tiếp cận và chinh phục các dự án dành cho nhà khoa học nữ”. TS Hương không chỉ cung cấp thông tin về các quỹ tài trợ chuyên biệt mà còn chia sẻ những cách vượt qua rào cản và khai thác tối đa cơ hội dành cho phụ nữ trong nghiên cứu.
Cùng với đó, ông Trần Đức Bình - Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại giao) và bà Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ – TB – XH), đã mở rộng hiểu biết của học viên về các quỹ tài trợ khu vực ASEAN và châu Á. Trong khi đó, GS. TS Nguyễn Xuân Huấn - Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ai Len, lại mang đến góc nhìn mới mẻ về cách tiếp cận các quỹ tài trợ tại châu Âu và Vương quốc Anh.
Trong khuôn khổ chương trình, 6 nhóm nghiên cứu đã được thành lập và thực hành viết đề xuất dự án. Các nhóm trình bày ý tưởng trước hội đồng chuyên gia và nhận được những góp ý mang tính định hướng, giúp dự án trở nên khả thi và có tính ứng dụng cao hơn.
TS Phùng Danh Thắng - Phó Trưởng ban Điều hành VSL, chia sẻ: “Trại sáng tác không chỉ là nơi học hỏi, mà còn là nơi kết nối để những ý tưởng nghiên cứu trở thành hiện thực. Chúng tôi kỳ vọng, sau chương trình, sẽ có ít nhất 4 dự án thành công trong việc nhận tài trợ từ các quỹ nghiên cứu quốc tế”.