Truy xuất nguồn gốc - nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa - Bài 2

BÀI 2: ỨNG DỤNG KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG TRUY XUẤT NGUỒN GỐC SẢN PHẨM

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc (TXNG) sản phẩm là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hiện nay, là cơ sở quan trọng cho các thương hiệu sản phẩm, hàng hóa địa phương vươn xa. Trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ dán tem, nhãn TXNG cho sản phẩm của mình khi đưa ra thị trường.

Thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại địa phương

Cao Bằng có rất nhiều sản phẩm nông sản có giá trị, việc số hóa trong TXNG nông sản đang là yêu cầu tất yếu trong giai đoạn hiện nay. Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2021 đạt 3,07%, năm 2022 đạt 3%, năm 2023 chỉ đạt 0,71%. Theo thống kê sơ bộ, năm 2023, nông nghiệp chiếm tỷ trọng 21,12% trong cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh, trong đó, có nhiều mặt hàng nông sản chủ yếu, như: cây lúa diện tích cả năm đạt 29.707,47 ha, sản lượng đạt 138.304,94 tấn; cây ngô 41.633,78 ha, sản lượng đạt 150.244,62 tấn; cây thạch đen 377,87 ha, sản lượng đạt 2.110,75 tấn; cây mía nguyên liệu 2.761,36 ha, sản lượng đạt 178.618,59 tấn; cây dẻ 500 ha, cây lê 433.3 ha, cây quýt 287.5 ha… Vì vậy, việc hội nhập sâu với thị trường trong và ngoài nước càng đòi hỏi công tác TXNG nông sản cần được nâng cao để đáp ứng các yêu cầu khắt khe.

Là đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm nông sản của địa phương, những năm trước đây sản phẩm của Công ty TNHH Cao Tuyền ở xã Hưng Đạo (Thành phố) chủ yếu tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh. Để mở rộng khách hàng trong nước, đơn vị tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư trang thiết bị máy móc để sản xuất, chế biến theo công nghệ tiên tiến, dán nhãn TXNG. Đến nay, đơn vị đưa ra thị trường các sản phẩm đều có dán nhãn TXNG và các sản phẩm của DN đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Theo người đại diện Công ty TNHH Cao Tuyền, mục tiêu của DN là muốn đưa ra được thị trường trong và ngoài nước nhiều sản phẩm nông sản của địa phương nên đơn vị luôn quan tâm đến việc TXNG. Vì vây, DN mong tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ các DN được tiếp cận với công nghệ TXNG để DN phát triển các sản phẩm sang thị trường khó tính.

Ông Đàm Ngọc Thọ, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Phương Anh, xã Xuân Trường (Bảo Lạc) cho biết: HTX sản xuất sản phẩm cao xỏm đeng, cao khổ qua, tinh dầu phjắc chặc. Hiện nay, các sản phẩm của HTX được người tiêu dùng biết đến nhờ chất lượng sản phẩm luôn được chú trọng, cùng với đó, nhờ có tem nhãn TXNG sản phẩm nên người tiêu dùng cũng tin tưởng hơn. Tôi nhận thấy hiệu quả của việc TXNG, tạo sản phẩm thương hiệu của chúng tôi có sự chuyên nghiệp, tạo uy tín cho đơn vị cao hơn.

Nhờ có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc đã thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương.

Nhờ có tem, nhãn truy xuất nguồn gốc đã thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có 328 DN, HTX, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh đăng ký sử dụng hệ thống TXNG sản phẩm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với 217 sản phẩm nông sản, thực phẩm. Qua đó cho thấy, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu rõ hơn về vai trò của việc TXNG sản phẩm; bước đầu góp phần thúc đẩy hoạt động TXNG sản phẩm hàng hóa lan tỏa rộng hơn đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, từng bước thúc đẩy hoạt động tiêu thụ các sản phẩm nông sản ở địa phương ngày càng rộng lớn.

Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc trong giao dịch thương mại điện tử

Giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) dần trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được nhiều DN, người dân biết đến, đặc biệt là giới trẻ. Vì vậy, việc thực hiện TXNG trong giao dịch thương mại điện tử được các DN, HTX, người tiêu dùng quan tâm. Đối với người dân, DN và đơn vị quan lý Nhà nước thì khó khăn lớn nhất gặp phải là việc phát hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong giao dịch TMĐT, đặc biệt là trong mua sắm trực tuyến, vì vậy việc ứng dụng TXNG trong giao dịch TMĐT dần khắc phục được những khó khăn, vướng mắc này. Nó vừa giúp nhà sản xuất bảo vệ sản phẩm của mình, vừa đáp ứng yêu cầu minh bạch từ khâu sản xuất đến quá trình bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao niềm tin của khách hàng đối với các sản phẩm, khuyến khích các DN ngày càng chú trọng, sâu sát hơn trong việc cung cấp thông tin minh bạch và chất lượng đến người tiêu dùng. Giúp cơ quan quản lý nhà nước dễ dàng hơn trong công tác chống lại vấn nạn hàng giả, hàng nhái, tạo nên một môi trường kinh doanh bình đẳng, an toàn và minh bạch, trong đó, ứng dụng công nghệ QR được coi là giải pháp hiệu quả phố biến nhất hiện nay.

Để thúc đẩy ứng dụng TXNG trong giao dịch TMĐT, ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg về phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, giải pháp xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về trao đổi thông tin trong giao dịch thương mại với mã QR code, NFC và các công nghệ phục vụ việc định danh và xác thực người sử dụng trong hoạt động TMĐT là một trong những giải pháp trọng tâm của kế hoạch. Trung tâm Tin học và Công nghệ số (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công thương) xây dựng và đưa vào vận hành Hệ thống xác thực hàng chính hãng thông qua mã QR trong TMĐT (truyxuat.gov.vn). Đối với tỉnh Cao Bằng, ngày 9/10/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1942/QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2021 - 2025, tập trung đẩy mạnh ứng dụng TMĐT, trong đó, tập trung hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp công nghệ số (công nghệ mã vạch, mã QR code, chíp NFC, công nghệ blockchain)... để TXNG xuất xứ của sản phẩm.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2411/KH-UBND, ngày 6/8/2018 về việc thực hiện thí điểm mô hình TXNG sản phẩm nông sản của tỉnh do Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ tỉnh tài trợ. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đơn vị liên quan, DN triển khai nhiều chương trình, kế hoạch thúc đẩy các đơn vị sản xuất, kinh doanh ứng dụng TXNG sản phẩm như ứng dụng phần mềm tem điện tử QR code..., góp phần thúc đẩy hàng hóa tham gia vào giao dịch TMĐT dễ dàng, thuận lợi hơn, hiệu quả kinh doanh cao hơn.

Đồng chí Hà Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Việc thực hiện TXNG trên sàn giao dịch TMDT giúp xác định nguồn gốc và quá trình sản xuất của sản phẩm. TXNG giúp quản lý rủi ro liên quan, bao gồm cả vấn đề về an ninh và sự tuân thủ các quy định pháp luật; đảm bảo rằng người tiêu dùng có đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định mua hàng thông minh. Họ có thể tra cứu thông tin về nguồn gốc, thành phần, cách sử dụng và tác dụng của sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có khoảng 35% dân số đô thị của tỉnh tham gia các hình thức mua sắm trực tuyến, có khoảng 45% DN vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT, bao gồm cả mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT. Theo thống kê tại trang “tmdt.mic.gov.vn”, hiện nay tỉnh có 3.806 sản phẩm được đưa lên sàn TMĐT; số giao dịch trên sàn là 21.139 giao dịch, tỷ lệ giao dịch trên tài khoản active chiếm 21%.

Bài cuối: Đẩy mạnh hỗ trợ truy xuất nguồn gốc

Bài 1: Nền tảng cho sản xuất, lưu thông hàng hóa

Minh Hòa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/truy-xuat-nguon-goc-nang-cao-gia-tri-san-pham-hang-hoa-bai-2-3170213.html
Zalo