Truy xuất nguồn gốc hàng hóa là yêu cầu cấp thiết
Thực tiễn hoạt động sản xuất và thương mại quốc tế trong những năm gần đây cho thấy, vai trò của truy xuất nguồn gốc hàng hóa đang trở nên cấp thiết với những yêu cầu cao hơn về chất lượng và sự minh bạch của sản phẩm.
Xung quanh nội dung này, phóng viên Báo Hànôịmới đã trao đổi với chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công Thương).

Người tiêu dùng quét mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa tại siêu thị Winmart (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm
- Theo ông, vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa đặt ra như thế nào khi Việt Nam ngày càng hội nhập kinh tế - thương mại sâu rộng với toàn cầu?
- Việt Nam hiện được xem là cường quốc xuất khẩu trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới về thương mại. Do đó, tất yếu hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt với nhiều yêu cầu của các thị trường, trong đó có vấn đề truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu như trước đây, yêu cầu truy xuất hàng hóa chỉ với một số mặt hàng như thực phẩm, dược phẩm, đồ gỗ…; thì hiện nay, yêu cầu này đã mở rộng sang rất nhiều mặt hàng. Đồng thời, việc truy xuất nguồn gốc đặt ra với toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguyên liệu đến bán thành phẩm và thành phẩm.
Mặt khác, nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Ví dụ như Hiệp định Đối tác toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) yêu cầu sản phẩm dệt may phải dùng sợi dệt vải sản xuất ở Việt Nam hoặc các nước trong nội khối. Không chỉ các FTA thế hệ mới, hiện hầu hết các FTA đều bắt buộc truy xuất nguồn gốc. Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải tuân thủ quy định này mới mở rộng được thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.
- Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa ở cả góc độ doanh nghiệp và quản lý nhà nước hiện nay?
- Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt việc truy xuất hàng hóa xuất khẩu còn không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, gặp khó khăn trong việc này. Nguyên nhân là bởi chuỗi cung ứng hiện nay rất phức tạp, với nhiều khâu, nhiều đầu vào. Để có hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa, doanh nghiệp phải đầu tư khá lớn cả công nghệ và các nguồn lực khác, trong khi doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, còn hạn chế về vốn, chuyên môn kỹ thuật.
Chưa kể, việc xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc đòi hỏi phải công khai và chia sẻ dữ liệu khiến nhiều doanh nghiệp còn e ngại vấn đề bảo mật dữ liệu liên quan tới bí mật thương mại, thông tin cá nhân... Nhiều doanh nghiệp còn chưa hiểu hết tầm quan trọng và ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc hàng hóa, chưa coi đây là vấn đề thiết yếu, thực sự cần thiết. Mặt khác, quy định về truy xuất nguồn gốc hiện chủ yếu mang tính tự nguyện nên nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng hay chưa muốn đầu tư cho truy xuất nguồn gốc.
Về phía cơ quan nhà nước hiện đã triển khai các quy định về truy xuất nguồn gốc, đồng thời đưa ra nhiều quy định, yêu cầu và tổ chức thực hiện, hỗ trợ các doanh nghiệp nhưng số doanh nghiệp tham gia hiện chưa được như mong muốn.
- Theo ông, làm thế nào để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về lợi ích của truy xuất nguồn gốc?
- Để nâng cao nhận thức người tiêu dùng về lợi ích của truy xuất nguồn gốc hàng hóa, quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh hướng dẫn và tuyên truyền để họ thấy được lợi ích của việc này nhằm nắm thông tin về sản phẩm, từ nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, việc vận chuyển, phân phối và biết rõ hàng giả, hàng nhái. Qua đây, người tiêu dùng có thể phản hồi trực tiếp đến doanh nghiệp, trở thành kênh thông tin hai chiều giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp, cơ quan quản lý, từ đó giúp hoạt động mua bán minh bạch hơn, chất lượng hơn.
- Doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cần làm gì để hoạt động truy xuất nguồn gốc hàng hóa hiệu quả hơn khi công nghệ mới bùng nổ?
- Truy xuất nguồn gốc hàng hóa thực chất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ. Do đó, để hoạt động này hiệu quả hơn đòi hỏi cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải có các giải pháp công nghệ mới.
Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc đối với những sản phẩm, hàng hóa trong phạm vi quản lý của ngành và địa phương; đồng thời phải kết nối các hệ thống này với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa quốc gia. Hiện nay, chúng ta chủ yếu vẫn dùng công nghệ blockchain để xây dựng hệ thống thông tin; song, công nghệ phát triển và thay đổi rất nhanh nên các bộ, ngành, địa phương cần có các lực lượng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới và hỗ trợ cho doanh nghiệp tốt nhất, thuận lợi nhất, với hệ thống giao diện thân thiện và dễ sử dụng nhất.
Về phía doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu phải nhận thức được tầm quan trọng của truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh chất lượng mẫu mã, giá thành hạ, phải coi truy xuất nguồn gốc là yếu tố rất quan trọng như là giấy thông hành để tăng độ tin cậy, bảo đảm cho sản phẩm được lưu hành thuận lợi trong nước và thị trường xuất khẩu.
- Cần thêm chính sách hỗ trợ nào để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa, thưa ông?
- Hiện chúng ta đã có nhiều chính sách hỗ trợ ứng dụng truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những quy định, tiêu chuẩn cụ thể đối với các loại hàng hóa khác nhau, trên cơ sở đó doanh nghiệp có thể xây dựng được truy xuất nguồn gốc.
Để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong truy xuất cần phải có sự hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, nông dân cá thể chuyển đổi số và tự xây dựng các hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm của họ. Đồng thời hướng dẫn họ kết nối hệ thống truy xuất nguồn gốc này với cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước cần cung cấp những giải pháp, công cụ truy xuất nguồn gốc trực tuyến hay nhật ký điện tử, hệ thống định vị… giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và đặc biệt là các hộ nông dân có thể cập nhật thông tin về nguồn gốc xuất xứ thay vì cách làm thủ công. Việc này giúp truy xuất nguồn gốc một cách nhanh chóng, tự động, chính xác và có độ tin cậy cao.
- Trân trọng cảm ơn ông!