Truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm trong vụ gần 300 người nghi ngộ độc do bánh mì ở Vũng Tàu

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo các bệnh viện tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho bệnh nhân, đồng thời truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn bánh mì ở cửa hàng 'Cô Ba' tại ngã tư Bến Đình (phường 7, TP Vũng Tàu).

 Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện

Liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm xảy ra sau khi ăn bánh mì mua ở cửa hàng "Cô Ba" tại ngã tư Bến Đình (phường 7, TP Vũng Tàu) khiến nhiều người mắc với các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt và phải nhập viện để điều trị; Cục An toàn thực phẩm đã có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về việc điều tra, xử lý vụ việc.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ đạo Bệnh viện có bệnh nhân đang điều trị, tập trung mọi nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân, không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng, trong trường hợp cần thiết có thể xin hỗ trợ hội chẩn chuyên môn với bệnh viện tuyến trên.

Bên cạnh đó, tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đồng thời, tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh, điều kiện an toàn thực phẩm, thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực ba bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến. Tuyên truyền, giáo dục cho người dân kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không bảo đảm an toàn thực phẩm trong lựa chọn, và sử dụng thực phẩm, không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác, xuất xứ.

Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu Hoàng Vũ Thảnh thăm hỏi bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trước đó, vào ngày 26/11, nhiều người đã phải nhập viện khám, điều trị với triệu chứng đau bụng, sốt cao, tiêu chảy nhiều lần... sau khi ăn bánh mì được mua từ tiệm bánh mì "Cô Ba". Bánh được bán chủ yếu ở tiệm là bánh mì thập cẩm gồm thịt luộc, chà bông, bơ, patê, chả lụa, nước sốt, đồ chua, hành ngò.

Sở Y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, tính đến 10 giờ sáng 28/11, Bệnh viện Vũng Tàu và Trung tâm Y tế Vietsopetro đã tiếp nhận, điều trị cho 295 bệnh nhân (216 người lớn và 79 trẻ em) liên quan đến vụ nghi ngộ độc thực phẩm này. Trong số này có 154 ca nhập viện điều trị nội trú tại Bệnh viện Vũng Tàu; số ca còn lại có sức khỏe ổn định, đã xuất viện về nhà tiếp tục theo dõi.

Theo đại diện Phòng Y tế TP Vũng Tàu, qua xác minh thực tế ban đầu cho thấy, cơ sở chưa xuất trình các giấy tờ cần thiết, bao gồm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận đủ sức khỏe và danh sách xác nhận đã tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và nhân viên, cũng như giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm và nguyên liệu.

Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ của cơ sở chưa bảo đảm điều kiện vệ sinh (sơ chế, chế biến dưới sàn nhà; dụng cụ và nguyên liệu không được kê cao; tường khu vực rửa bị ẩm mốc); quy trình chế biến không theo nguyên tắc một chiều.

Đoàn kiểm tra đã thu giữ toàn bộ mẫu thực phẩm còn lại tại cửa hàng và một mẫu bệnh phẩm từ bệnh viện để gửi lên Viện Y tế Công cộng TPHCM kiểm nghiệm các chỉ tiêu vi sinh.

UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã chỉ đạo Sở Y tế, Công an tỉnh, UBND TP Vũng Tàu khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin; xử lý và khắc phục triệt để trong trường hợp có vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm; xác định rõ tính chất, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Đông Quân

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/truy-xuat-den-tan-cung-nguon-goc-thuc-pham-trong-vu-nghi-ngo-doc-o-vung-tau-20241128142525089.htm
Zalo