Truy tố 41 bị cáo trong vụ Tập đoàn Phúc Sơn

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 41 bị can trong vụ án 'Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi', xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (Tập đoàn Phúc Sơn), các đơn vị và địa phương liên quan.

Các bị can (từ trái qua): Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bộ Công an/TTXVN phát

Các bị can (từ trái qua): Hoàng Thị Thúy Lan, cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Duy Thành, cựu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Bộ Công an/TTXVN phát

Trong đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao truy tố bị can Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu "Pháo", Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn; Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư thương mại và bất động sản Thăng Long) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 4 Điều 364, khoản 3 Điều 222 và khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự.

Nhóm bị can bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại điểm a, b khoản 4 Điều 354 Bộ luật Hình sự, gồm: Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Phạm Hoàng Anh (cựu Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Vĩnh Phúc); Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc); Chu Quốc Hải (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc); Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi); Lê Viết Chữ (cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi); Đặng Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Nhóm bị can bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự, gồm: Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc); Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịnh UBND tỉnh Vĩnh Phúc); Ngô Đức Vượng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ); Nguyễn Doãn Khánh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ); Đinh Thị Thu Hương (cựu Trưởng phòng Giá đất bồi thường tái định cư thuộc Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc); Cao Đại Nghĩa (cựu Phó Trưởng phòng Giá đất, Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường); Nguyễn Ngọc Huy (Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn Tài nguyên và Môi trường Nam Hà).

Nhóm bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự, gồm: Phạm Ngọc Cương (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Đỗ Hữu Vinh (cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, Phó Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc); Phan Văn Vị (nguyên Phó Tổng giám đốc, nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Đỗ Ngọc Hóa (cựu Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và tư vấn APEC); Nguyễn Minh Ân (Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Kiểm toán và định giá Vạn An - Hà Nội); Bùi Minh Hồng (cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Hoàng Quốc Trị (cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Khổng Văn Thuyết (cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Đàm Hữu Tuấn (Trưởng ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc); Nguyễn Xuân Nhâm (cựu Hiệu trưởng Trường Trung học Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc); Nguyễn Tiến Khôi (cựu Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng); Lưu Quang Huy (cựu Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng; Bí thư Huyện ủy Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ); Lê Đức Thọ (cựu Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng); Trần Xuân Nghĩa (Giám đốc Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ); Hà Hoàng Việt Phương (Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải; nguyên Trưởng ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu Công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi); Lê Quốc Đạt (cựu Trưởng phòng, Sở Giao thông vận tải; nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi); Phạm Ngọc Thủy (Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Ngãi).

Nhóm bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại khoản 3 Điều 221 Bộ luật Hình sự, gồm: Nguyễn Thị Hằng (Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Đỗ Thị Mai (Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Hoàng Thị Tuyết Hạnh (Kế toán Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Nguyễn Hồng Sơn (cựu Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn); Trần Hữu Định (Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Á Group).

Bị can bị truy tố tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, quy định tại khoản 3 Điều 366 Bộ luật Hình sự, gồm: Đặng Trung Hoành (cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Mang Thít, Vĩnh Long).

Gây thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng

Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện các dự án, gói thầu tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ, gồm 4 dự án và 4 gói thầu tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc; 2 gói thầu tại tỉnh Quảng Ngãi; 4 gói thầu thuộc 2 dự án tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ, bị can Nguyễn Văn Hậu đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo nhân viên cấp dưới hoặc cấu kết với các đơn vị khác thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, kế toán.

Hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Hậu và các đồng phạm, đối tượng liên quan trong vụ án đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, với tổng số tiền là hơn 1.168 tỉ đồng, trong đó hậu quả thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định về kế toán là hơn 504 tỉ đồng, từ việc xác định lại giá đất là hơn 204 tỉ đồng và từ hành vi vi phạm quy định về đấu thầu là hơn 459 tỉ đồng.

Hành vi sai phạm của Nguyễn Văn Hậu còn dẫn đến hàng loạt cán bộ ở các địa phương nêu trên bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật, làm giảm niềm tin của nhân dân, gây bức xúc dư luận.

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan điều tra đã làm rõ các hành vi vi phạm xảy ra tại dự án Chợ đầu mối; dự án Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Phúc; dự án Đê tả sông Hồng và dự án đường nội thị thị trấn Vĩnh Tường; các dự án bất động sản Khu đô thị Tứ Trưng, Khu trung tâm thương mại và Nhà ở Phúc Sơn giai đoạn 1, 2. Nguyễn Văn Hậu đã gặp gỡ, thỏa thuận, đưa tiền cho Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành, Phạm Hoàng Anh… để họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn chỉ đạo, can thiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho công ty của Hậu được làm Chủ đầu tư, điều chỉnh, giao đất thực hiện dự án Chợ đầu mối và các dự án khác trái quy định pháp luật.

Ở tỉnh Quảng Ngãi, Hậu "Pháo" và các bị can khác đã có các hành vi “Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại 2 gói thầu thuộc dự án đường bờ Nam sông Trà Khúc và dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1.

Tại tỉnh Phú Thọ, 4 gói thầu thuộc 2 dự án tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tỉnh Phú Thọ có những hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" liên quan đến Nguyễn Văn Hậu và một số bị can khác.

Tại tỉnh Vĩnh Long, thông qua các hoạt động làm công tác an sinh xã hội tại huyện Mang Thít, Đặng Trung Hoành, cựu Chánh Văn phòng Huyện ủy Măng Thít, đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu thông qua việc lợi dụng công tác hoạt động từ thiện.

Xuân Tùng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phap-luat/truy-to-41-bi-cao-trong-vu-tap-doan-phuc-son-20250429124137724.htm
Zalo