Trường THPT Lê Lai xây dựng 'trường học hạnh phúc'

Cùng với các đơn vị trường khác trong tỉnh, ngay sau khi Công đoàn ngành giáo dục tỉnh nhà phát động triển khai mô hình 'trường học hạnh phúc', thầy, trò Trường THPT Lê Lai (Ngọc Lặc) đã nỗ lực, đoàn kết, quyết tâm xây dựng mô hình với thông điệp 'thầy, cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường sư phạm yêu thương, an toàn và tôn trọng'.

Những hoạt động ngoại khóa do Công đoàn, Đoàn thanh niên Trường THPT Lê Lai tổ chức luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Những hoạt động ngoại khóa do Công đoàn, Đoàn thanh niên Trường THPT Lê Lai tổ chức luôn thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Trong quá trình xây dựng “trường học hạnh phúc”, Trường THPT Lê Lai xác định yếu tố tiên quyết là đội ngũ nhà giáo, người lao động trong nhà trường. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhà trường quan tâm thực hiện là xây dựng tập thể cán bộ, giáo viên, người lao động hạnh phúc. Theo thầy giáo Phan Văn Việt, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Lê Lai, chỉ khi thầy, cô giáo hạnh phúc, vui vẻ mới có thể lan tỏa nguồn năng lượng hạnh phúc, tích cực đến với học sinh. Nhận thức rõ điều này, trong nhiều năm qua, Công đoàn nhà trường luôn phối hợp cùng ban giám hiệu quan tâm, chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên, người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần. Bằng việc xây dựng các kế hoạch hoạt động cụ thể theo từng tháng, từng quý, từng học kỳ, với những chương trình hành động cụ thể Công đoàn nhà trường đã tạo được sự kết nối chặt chẽ, đoàn kết trong cán bộ, giáo viên và người lao động. Thông qua hộp thư góp ý, những diễn đàn công khai, hoạt động theo chủ điểm, chủ đề đoàn viên công đoàn được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của bản thân cũng như những khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ... Từ đó tập thể sư phạm luôn thống nhất trong mọi hoạt động.

Bên cạnh việc xây dựng khối đoàn kết, yêu thương, chân thành và chia sẻ với nhau trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, Trường THPT Lê Lai còn tập trung xây dựng không gian trường học sạch đẹp, an toàn, thân thiện. Đặc biệt, để học sinh hứng thú, hạnh phúc khi học tập, công đoàn cũng như ban giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu mỗi giáo viên trong tiết dạy của mình phải truyền được cảm hứng cho học sinh, từ đợi chờ, háo hức đến tâm thế chủ động. Mỗi giờ dạy cần sử dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học để giờ dạy sinh động, lôi cuốn tất cả các đối tượng học sinh. Thường xuyên tổ chức các hoạt động vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn để học sinh được trải nghiệm, được thực hành để tiết học thêm sinh động và hiệu quả hơn. Ví như ở môn Ngữ văn các em học sinh có thể được đóng vai nhân vật; ở môn Hóa học biết tạo ra kẹo ngọt hoặc nước hoa; ở môn Sinh học, Công nghệ, các em có thể vận dụng kiến thức để trồng nấm, ủ men, làm si rô, ô mai... Những hoạt động này sẽ làm cho các em cảm thấy hào hứng, vui vẻ. Điều này cũng đồng nghĩa các em sẽ hạnh phúc khi đến trường.

Cùng với nhiệm vụ trên, Trường THPT Lê Lai đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường. Quan điểm của nhà trường đó là nghiêm khắc là cần thiết, nhưng thầy cô cần thân thiện và gần gũi với học sinh, dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để hiểu hơn học sinh cũng là thêm cho chúng ta một cơ hội không mắc sai lầm trong việc giáo dục các em... Thầy cô cần thay những lời lẽ chỉ trích, phê phán bằng những lời động viên, khen ngợi và khuyến khích học sinh. Kỷ luật tích cực sẽ khiến học sinh cảm thấy cảm kích mà thay đổi, sửa chữa chứ không phải là trách phạt. Thầy giáo Phan Văn Việt chia sẻ: “Không có phương pháp nào là vạn năng cho mọi tình huống sư phạm, nhưng nếu xuất phát từ sự yêu thương và tôn trọng thì sẽ có hiệu quả nhất định”.

Cũng theo thầy Việt, để xây dựng thành công “trường học hạnh phúc”, Trường THPT Lê Lai đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát động rộng rãi chủ trương xây dựng “lớp học hạnh phúc” với phương châm “mỗi tuần một cảm xúc mới, mỗi tuần một câu chuyện hay, mỗi tuần một việc tử tế và mỗi tuần một hình ảnh đẹp”. Từ chủ trương này các lớp học đều được trang trí thân thiện, sạch đẹp, mang bản sắc riêng. Ngoài ra, các lớp còn làm các thước phim, video, tiểu phẩm ca ngợi lối sống đẹp, những câu chuyện về văn hóa ứng xử trong chính lớp học của mình để phát thanh đầu giờ; những bài viết hay về tình bạn, về thầy, cô để đăng tải lên nền tảng mạng xã hội của nhà trường nhằm lan tỏa những thông điệp hay, ý nghĩa đến với mỗi cán bộ, giáo viên và học sinh...

Từ những giải pháp và cách làm thiết thực trên, phong trào xây dựng “trường học hạnh phúc” ở Trường THPT Lê Lai đã thu về nhiều “quả ngọt”. Nhiều giáo viên tự nguyện tham gia học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn; ý thực học tập, rèn luyện của học sinh được nâng lên; chất lượng giáo dục năm sau luôn cao hơn năm trước. Kết thúc học kỳ I, năm học 2024-2025, tỷ lệ học sinh xếp loại học lực khá, tốt chiếm trên 92%; gần 99,5% học sinh xếp loại rèn luyện khá, tốt. Trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh năm học 2024-2025 học sinh nhà trường đạt 23 giải, xếp thứ 8/30 trường THPT khối thi đua miền núi. Đây vừa là niềm tin, vừa là động lực để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường tiếp tục nỗ lực, cố gắng xây dựng thành công mô hình “Trường học hạnh phúc” hướng tới hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng.

Bài và ảnh: Phong Sắc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/truong-thpt-le-lai-xay-dung-truong-hoc-hanh-phuc-239097.htm
Zalo